ThienNhien.Net – Cùng với cà phê thì bông vải là cây chủ lực xóa đói giảm nghèo ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, trước những khó khăn chồng chất của người nông dân, loại cây này đang đứng trước nguy cơ tàn lụi…
Nguyên nhân quan trọng nhất khiến diện tích trồng bông ngày một thuyên giảm là do thời tiết diễn biến phức tạp, giá nông sản và vật tư nông nghiệp tăng cao. Cây bông vải lại cho hiệu quả kinh tế thấp, đòi hỏi nhiều công lao động hơn các cây ngắn ngày như ngô, mì… Sản phẩm làm ra công ty thu mua trả tiền sau, trong khi nông dân lại cần có tiền ngay để thanh toán công nợ.
Vào năm 2002, bông vải Tây Nguyên đã vào “thời hoàng kim” với diện tích khoảng 16.000ha. Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2003 diện tích bông cứ sụt dần và đến năm 2008 chỉ còn lại chưa đầy 600ha. Mỗi vụ bông, các nhà máy chỉ hoạt động cầm chừng được vài tháng rồi nằm đắp chiếu.
Theo ông Vũ Đức Giang – Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Chính phủ đã có chiến lược phát triển cây bông trong những năm tới, vì vậy chính quyền các địa phương không thể đứng ngoài cuộc. Các tỉnh phải quy hoạch cho được vùng trồng bông ổn định; xây dựng hệ thống tưới tiêu, hỗ trợ giống, hỗ trợ đào tạo đội ngũ khuyến nông. Phía Công ty bông sẽ đưa cây bông gắn với các cây nông nghiệp khác, ký kết bao tiêu sản phẩm cho người nông dân; khi thu mua bông sẽ trả tiền ngay cho nông dân.
Ông Nguyễn Hữu Bình – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Chủ nhiệm chương trình phát triển bông, khẳng định: Dù đang lâm vào tình cảnh khó khăn thì cây bông Tây Nguyên vẫn có 3 lợi thế: Thứ nhất là phù hợp với sự biến đổi khí hậu ngày càng thất thường của vùng đất Tây Nguyên. Hai là cây bông trồng luân canh tốt nhất với các cây trồng khác, kể cả lúa về mặt nông học cũng như hiệu quả kinh tế. Cuối cùng, cây bông cỉ khả năng trồng xen cùng cây ngô, đậu hoặc cả 3 cây cùng lúc. Mô hình này rất có hiệu quả và thích hợp với những vùng đất tốt mà diện tích hạn chế.
Ngoài 3 lợi thế trên, với sự giúp sức của Chính phủ, ngành bông sẽ triển khai đồng bộ chính sách ứng trước giống vật tư, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với giá bảo hiểm đầu vụ; chia sẻ rủi ro với nông dân. “Nếu thực hiện đồng bộ, triệt để và nhất quán các giải pháp này thì việc kéo người nông dân trở lại với cây bông là hoàn toàn khả dĩ”. Hiện nay, giá các loại nông sản như ngô, đậu, sắn… đều xuống thấp. Đây có lẽ là cơ hội cho ngành bông vải phục hồi lại diện tích bông thời hoàng kim đã mất