ThienNhien.Net – Về bản chất, tội phạm môi trường thường hoạt động xuyên quốc gia và bao gồm cả những hoạt động phạm tội có tổ chức như vận chuyển trái phép các nguồn tài nguyên thiên nhiên, buôn bán bất hợp pháp sinh vật hoang dã, đánh bắt cá trái phép, khai thác, vận chuyển trái phép các loại khoáng sản và đá quý.
Tội phạm môi trường đang là một thách thức ngày càng lớn đối với cả các nước phát triển và đang phát triển. Tác động của loại tội phạm này ngày càng trở nên phức tạp, và không chỉ dừng lại ở những ảnh hưởng đối với môi trường và hệ sinh thái. Tội phạm môi trường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho phát triển kinh tế và xã hội đặc biệt là ở các nước kém phát triển, đồng thời là mối đe dọa tới các quyền cơ bản con người.
Hoạt động xuyên quốc gia với sự tham gia của các nhóm tội phạm có tổ chức, cũng như thiếu sót của các cơ cấu chính phủ đã dung dưỡng các hình thức tội phạm này khiến tội phạm môi trường có mối liên hệ mật thiết với các lĩnh vực tội phạm trong tầm rà soát của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC).
Lâm sản, bao gồm gỗ, động thực vật hoang dã và các nguồn đa dạng sinh học khác, cùng với các chất thải độc hại là đối tượng vận chuyển trái phép trên quy mô quốc tế do các nhóm tội phạm có tổ chức tiến hành. Nguyên nhân của hiện tượng này bắt nguồn từ những thiếu sót của hệ thống hành pháp.
Năm 2007, Ủy ban Ngăn ngừa tội phạm và Tư pháp Hình sự thuộc Hội đồng Kinh tế Xã Hội Liên hợp quốc đã ban hành Nghị quyết 16/1 về “Ngăn chặn vận chuyển trái phép lâm sản xuyên biên giới trái phép, bao gồm gỗ ,sinh vật hoang dã và các nguồn đa dạng sinh học khác”. Nghị quyết khuyến khích các thành viên tích cực hợp tác song phương, cùng với các địa phương và các tổ chức quốc tế ngăn ngừa, chống lại và diệt tận gốc các hình thức vận chuyển trái phép lâm sản thông qua việc áp dụng các Hiệp định của Liên Hợp Quốc về chống lại tội phạm có tổ chức xuyên biên giới và chống tham nhũng.
Gần đây các cơ quan của UNODC đang bắt đầu triển khai một số dự án có liên quan đến tội phạm môi trường ở Moscow, Bangkok, Jakarta và Bogotá. Các dự án này được thiết lập để phản ứng kịp thời với nhu cầu của đối tượng dự án và được đảm bảo cấp vốn trong thời gian tương đối ngắn. Để giải quyết tội phạm môi trường, UNODC sẽ tiếp tục hoạt động toàn diện, đồng bộ, đồng thời phát triển những kiến thức chuyên sâu và củng cố vai trò được uỷ thác hiện nay.