Muối “đuổi”…tôm

ThienNhien.Net – Đang là thời điểm chuẩn bị cho vụ tôm mới, thế nhưng ở nhiều địa phương của miền Trung, thay vào cảnh rầm rộ dọn hồ để thả tôm lại là cảnh người dân “dẹp”… hồ tôm để làm muối.

Nuôi tôm từng được xem là nghề xoá đói giảm nghèo ở nhiều nơi. Tuy nhiên, liên tục mấy năm gần đây nghề này đã trở thành canh bạc năm ăn năm thua với bà con nông dân. Dịch bệnh, giá thức ăn tăng cao, giá tôm bấp bênh đã khiến nhiều người nuôi tôm ở miền Trung khốn đốn.

Ông Huỳnh Tiến Lên, Chủ nhiệm HTX nuôi trồng thủy sản xã Tịnh Hòa, cho biết, vào những năm từ 1992 đến 1997 là năm thịnh vượng nhất của người nuôi tôm sú ở đây. Trung bình một sào người dân thu hoạch được khoảng 3 tạ tôm, sau khi trừ các chi phí cũng còn lãi từ 5 đến 7 triệu đồng.

“Ăn” được vài năm, người nuôi tôm ở đây gặp nạn. Dịch bệnh làm tôm chết liên tục, khiến người nuôi tôm thua lỗ nặng. Nhiều người đã “treo” hồ năm bảy năm nay.

Con tôm nó “ăn” dữ lắm, hết heo, đến trâu, rồi đến đất, thậm chí “ăn” cả nhà – ông Trần Văn Thời, một người đã bám theo con tôm cả chục năm nay ở Phù Mỹ (Bình Định) chua chát. Trước đây, nuôi tôm là nghề siêu lợi nhuận, nhiều người sau mấy vụ tôm là đổi đời. Còn mấy năm nay nuôi kém hiệu quả, thất bát triền miên, nhiều người không còn cách gì để xoay xở, nên phải bán trâu, bán đất, có người còn bán nhà để trả nợ – ông Thời giải thích.

Nuôi tôm sú không được nhiều người dân ở miền Trung đã chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Thế nhưng cuối cùng tôm nào cũng là… tôm.

Sở dĩ như vậy vì phần lớn diện tích ao hồ canh tác ở đây đều nhỏ hẹp, manh mún. Bên cạnh đó, hầu hết người nuôi tôm ở miền Trung vốn ít, không đủ tiền để đầu tư trang thiết bị phù hợp. Và nguyên nhân chính là sau nhiều năm canh tác, nguồn nước ở đây đã bị ô nhiễm nặng nên gây ra rất nhiều dịch bệnh ở tôm.

 
Tôm chết vì dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.

Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng khiến tôm bị dịch bệnh, người nuôi tôm trắng tay đó là tâm lý “đánh quả”, bất chấp lịch thời vụ. Tình trạng thả tôm trước lịch thời vụ vẫn được xem là vấn đề “nóng bỏng” ở đầu mỗi vụ nuôi, bởi khuyến cáo của các ngành chức năng lâu nay vẫn không trùng khớp với những “kinh nghiệm” của người nuôi ở từng vùng có điều kiện thổ nhưỡng khác nhau.

Theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, lịch thời vụ của vụ tôm năm nay sẽ bắt đầu vào ngày 15/03 và kết thúc vào khoảng cuối tháng 9 bởi hiện tại thời tiết tại một số vùng nuôi vẫn chưa thuận lợi cho việc thả con giống. Đặc biệt, những đợt không khí lạnh vẫn còn diễn biến bất thường, tình trạng nhiễm khuẩn môi trường nước tại các khu vực còn ở mức cao.

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, dù chưa vào lịch thời vụ, nhưng nhiều vựa tôm ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định… tôm đã thả “trắng đồng”. Riêng tỉnh Bình Định diện tích này đã lên đến gần 100 ha.

Nguyên nhân khiến người nuôi luôn “vượt rào” lịch thời vụ vì nếu thả trước lịch, họ sẽ giảm được chi phí giống, vật liệu cần thiết do chưa phải là thời cao điểm. Hơn nữa, nếu thu hoạch sớm, giá thành của mặt hàng thủy sản này sẽ còn ở mức cao vì trái mùa…

Tuy nhiên, lịch thời vụ được xây dựng trên cơ sở khoa học. Và, nếu người nuôi đều đồng loạt “vượt rào” thì những ưu điểm như đã nói sẽ thành vô nghĩa, trong khi đó những rủi ro rất dễ xảy ra do thả nuôi trong điều kiện thời tiết không phù hợp.

“Liều mạng” với con tôm được vài năm, nhiều người đã không còn mặn mà, đúng hơn là không dám “đánh bạc” với con tôm nên đã đổ xô đi lấp đầm hồ nuôi tôm để làm muối.

Xã Tịnh Hòa, huyện Sơn Tịnh – vựa tôm nổi tiếng ở Quảng Ngãi là một ví dụ điển hình. Toàn xã hiện có trên 90 ha hồ nuôi tôm tập trung. Thế nhưng, hiện nay xã đã lên kế hoạch chuyển hơn một nửa diện tích nuôi tôm ở đây để làm muối. Diện tích còn lại vẫn chưa có hướng phát triển nào phù hợp.

Ở Bình Định dù chưa có con số thống kê chính xác, vì chưa đến mức báo động (?!) Nhưng theo quan sát của chúng tôi cũng đã có vài chục ha hồ nuôi tôm ở các huyện: Phù Mỹ, Phù Cát, Tuy Phước… người dân tự phát san lấp để làm muối.

Sở dĩ có tình trạng này do hiện nay nuôi tôm cái gì cũng tăng, nguy cơ lỗ luôn thường trực. Trong khi đó làm muối vốn ít nhưng lời cao. Vì thế mà không ít người “sạt nghiệp” vì con tôm đã cố chạy vạy để san lấp hồ tôm chuyển sang làm ruộng muối.

Trước thực tế khó bề kiểm soát này, trong tương lai không xa sẽ phá vỡ quy hoạch vùng nuôi trồng thuỷ sản của các tỉnh. Nhưng đáng lo ngại hơn là nếu giá muối giảm sút thì không biết đời sống của những người nông dân này sẽ ra sao.

Bài học về cách làm tự phát này trên các loại cây trồng, vật nuôi ở nhiều nơi vẫn còn nóng hổi.