ThienNhien.Net – Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, mùa khô năm nay, nước mặn có thể xâm nhập sâu vào nội địa vùng Đồng bằng sông Cửu Long 70km (sâu hơn cùng kỳ năm 2008 là 5km) qua các cửa Tiểu, Đại, Cổ Chiên, Định An, Cung Hầu, Trần Đề thuộc sông Mê kông dọc sông Cửa Đại.
Từ tháng 3/2009, nước mặn 10 %o có thể xâm nhập sâu từ 35 – 37 km tính từ cửa sông; nước mặn 4%o xâm nhập sâu 40 – 42km; nước mặn 1%o xâm nhập sâu từ 60 – 65 km; riêng tháng 5, sâu 70km. Trong tháng 3, 4/2009, nước mặn 1- 4%o có thể xâm nhập sâu 50 – 65 km, tháng 5/2009 sâu 70 km. Riêng tháng 3/2009, nước mặn có độ mặn tới 32%o có thể xâm nhập sâu 60km, tháng 5/2009 lên tới 70km.
Trên sông Ông Đốc (không thuộc hệ thống sông Mê kông), hiện có nhiều cửa sông thông ra phía biển Tây chưa có công trình ngăn mặn. Vì vậy, toàn bộ tuyến sông Ông Đốc vẫn còn nhiễm mặn. Độ mặn tăng cao nhất trong tháng 3, 4/2009 là 28%o. Tháng 5, nước xâm nhập sâu 70km. Trên sông Cái Lớn (không thuộc sông Mê kông), nước mặn (4 – 25%o) có thể xâm nhập sâu 10 – 50 km. Tháng 4/2009, độ mặn lên cao nhất (25%o). Riêng tháng 5, nước mặn xâm nhập sâu 70km.
Như vậy, từ tháng 3 năm nay, tương tự như mùa khô năm 2008, nước mặn sẽ xâm nhập sâu hơn vào nội địa tại hầu hết các tỉnh ven biển ĐBSCL gồm: Long An,Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Một số tỉnh như An Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Các tỉnh ĐBSCL cần kiểm tra lại nguồn nước thực tế ở các sông, ao hồ và nguồn nước ngầm hiện có của từng khu vực để điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp; lập phương án phòng ngừa thiếu nước ngọt trên từng địa bàn. Mùa khô năm 2008, ĐBSCL bị nước mặn xâm nhập sâu vào nội địa gần 65 km, cộng với tình trạng khô hạn làm cho nhiều địa phương thuộc các tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, An Giang, Bến Tre, Cà Mau thiếu nghiêm trọng nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt.