ThienNhien.Net – Trước Dự án đập thủy điện 18 MW Kirirom III dự kiến khởi công vào tháng 2/2009 ở tỉnh Koh Kong, Campuchia, các nhà môi trường và các tổ chức phi chính phủ vẫn tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo về các nguy cơ tiềm tàng của dự án này đối với cộng đồng dân cư địa phương và môi trường sống của các loài động thực vật hoang dã trong khu vực.
Tập đoàn Xuất Nhập khẩu Công nghệ Máy phát điện Trung Quốc (CETIC) chịu trách nhiệm thi công dự án trị giá 40 triệu USD Mỹ này trong hai năm rưỡi. Bản đánh giá tác động dự án này cho biết dự án sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 500 công nhân Campuchia và Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà môi trường và các nhà hoạt động nhân quyền tỏ ra lo ngại khi báo cáo cũng nhận định rằng sẽ có 352 loài động vật hoang dã, cùng với 10 hộ dân địa phương sẽ phải di dời trong quá trình thi công dự án.
Ông Seng Bunra, giám đốc Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế tại Trung Quốc tỏ ra lo ngại về khả năng sống sót của các loài động vật trong thời gian xây dựng đập. Ông phát biểu: “Các loài động vật sẽ phải di cư tới khu vực khác nhưng một số loài không thể di chuyển vì chúng đã thích nghi với môi trường sống đặc trưng ở đây.”
Ông Tonn Kunthel, thành viên của Dự án lợi ích cộng đồng sông Mekong, tại một diễn đàn của các tổ chức phi chính phủ ở Campuchia, cho biết việc xây dựng con đập sẽ làm suy giảm sự đa dạng sinh học của sông Stung Pongrul. Ông cũng chỉ ra các nguy cơ tác động tới người dân ở khu vực xung quanh, nhấn mạnh rằng việc xây dựng đường xá có thể dẫn tới việc phải di dời nhiều hơn10 hộ dân đã được đề cập tới trong bản đánh giá tác động và dự án này sẽ hạn chế hoạt động khai thác nguồn lợi trên sông của người dân địa phương.
Ông Mao Phorn, một ngư dân, sống gần khu vực dự án, cho biết kế “Tôi tin rằng mọi người thấy lo lắng về dự án nhiều hơn là vui mừng, vì dân làng sợ ảnh hưởng tới nguồn cá tôm và đất đai của họ.”
Ông Tonn Kunthel cho biết vào tháng 11 năm 2008, một bản báo cáo do tổ chức Mạng lưới sông ngòi của Camphuchia và Ủy ban hỗ trợ bè bạn Hoa Kỳ công bố cho biết việc xây dựng đập có thể làm giảm chất lượng nước, xói mòn đất và lũ lụt.
Báo cáo tiền xây dựng đập đã dự đoán rằng dự án có thể dẫn tới “suy giảm hệ thống môi trường địa phương vốn đang cung cấp nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cho người dân bản địa” cũng như dẫn đến “suy giảm chất lượng đời sống trong địa phương”.
Giám đốc của CETIC đã từ chối trả lời các thắc mắc xung quanh dự án này.
Ông Thuk Kroeun Vutha, thứ trưởng bộ Môi trường cho biết chính quyền nhận thức rõ các tác động môi trường và các mối đe dọa khác của dự án này. Trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí đầu tháng 2/2009, ông nói: “Chúng tôi đang thảo luận về vấn đề này vì thấy rằng dự án sẽ tác động mạnh đến môi trường. Nếu các tác động này quá lớn, tôi chưa biết liệu chúng tôi sẽ cho ngừng thi công dự án hay không vì còn cần phải thảo luận với các bộ ngành liên quan nhằm giải quyết vấn đề này.”