ThienNhien.Net – Hiện nay, một số chính phủ trên thế giới đã phê chuẩn những gói kích cầu mới, mà một phần đáng kể trong đó dành cho ngành công nghệ sạch. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, có thể coi đó là tín hiệu vui cho lĩnh vực công nghệ sạch và cũng là hy vọng để tạo thêm những việc làm mới.
Một vài nhà phân tích cho rằng những dấu hiệu trong chi tiêu của các chính phủ cho thấy họ đã chấp nhận công nghệ sạch như là một ngành kinh tế quan trọng. Trong khi đó, một số nhà phân tích vẫn lo ngại rằng vài chục tỷ USD cũng chưa chắc đã đủ cho ngành kinh tế này.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với Cleantech Group, luật sư Tom Burton cho biết: “Những gì chúng ta chứng kiến là một chính sách mở và sự thay đổi mang tính chất văn hoá trong một vài năm gần đây. Và giờ đây điều đó càng được củng cố vững chắc hơn trong các gói kích cầu. Điều đó cho thấy rằng triển vọng phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái sinh, đồng thời sử dụng một cách có hiệu quả các nguyên liệu hoá thạch phụ thuộc vào những cố gắng của chính phủ. Điều đó cũng có nghĩa, sau một thời gian dài nỗ lực bền bỉ, chúng ta sẽ nhìn thấy sự tăng trưởng trong ngành công nghiệp này”.
Nhà Trắng đã đưa ra gói kích cầu trị giá 787 tỷ USD trong đó bao gồm 40 tỷ USD cho ngành công nghiệp năng lượng sạch và các chương trình tiết kiệm năng lượng, cộng thêm 20 tỷ USD cho việc giảm thuế.
Hạ viện Đức mới đây cũng thông qua gói cứu trợ nền kinh tế thứ hai, bơm 50 tỷ Euro vào nền kinh tế trong hai năm. Đây là bước tiếp theo sau gói cứu trợ 31 tỷ Euro đã được thông qua vào tháng 11 năm ngoái. Khoản kích cầu mới bao gồm 1,5 tỷ Euro cho ngành ô tô. Nước này đồng thời cũng đang triển khai một kế hoạch về thuế mới cho khí thải xe hơi.
Trung tuần tháng 2/2009 Australia cũng phê chuẩn một gói cứu trợ trị giá 26,5 tỷ USD cho các nhà sản xuất xe hơi nước này. Nước này đang hi vọng giảm được đáng kể lượng khí thải nhà kính cho tới năm 2020 bằng cách giảm khoảng 1 triệu xe hơi.
Cùng lúc, Tây Ban Nha cũng thông qua gói cứu trợ 4 tỷ Euro dành cho các nhà sản xuất xe hơi trong đó bao gồm 800.000 Euro cho việc tái tập trung sản xuất các phương tiện tiết kiệm năng lượng. Tổng cộng, nước này đã chi hơn 74 tỷ Euro cho việc kích thích nền kinh tế và tài chính.
Nhưng rất có khả năng lượng tiền dành cho ngành công nghệ sạch là chưa đủ. Một báo cáo mới đây của nhà kinh tế môi trường Lord Stern đã kêu gọi chính phủ các quốc gia tăng lượng tiền đầu tư cho các chính sách “xanh” trong gói kích thích kinh tế lên 400 tỉ USD, nhằm giải cứu nền kinh tế thế giới và tạo ra các quỹ hỗ trợ cho việc phát triển trong tương lai.
Một bản báo cáo khác từ các chuyên gia của Viện Nguồn lực thế giới (WRI) cho hay, cứ 1 tỷ USD được chi cho công nghệ sạch như tiết kiệm nhiên liệu và các nguồn năng lượng tái tạo có thể tạo ra 30.100 việc làm và tiết kiệm cho nền kinh tế Mỹ 450 nghìn USD mỗi năm.
Nhìn chung, các nước liên minh châu Âu đã đề xuất 200 tỷ Euro cho việc kích cầu. Và một số nước trên thế giới cũng đã cho biết kế hoạch của mình:
Cuối tháng 1/2009, bộ trưởng bộ tài chính Canada Jim Flaherty đã công bố một bản kế hoạch thành lập quỹ năng lượng sạch nhằm hỗ trợ các dự án nghiên cứu và phát triển trong các lĩnh vực như thu thập và lưu trữ khí cacbon. Ngân sách chính phủ cũng dành 1 tỷ USD của Quỹ cơ sở hạ tầng xanh để nối lại dự án năng lượng tái sinh.
Đầu tháng 2, Pháp phê chuẩn gói cứu trợ 26 tỷ Euro cho nền kinh tế, trong đó dành 4 tỷ cho việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng đường sắt, ngành bưu điện và các dịch vụ năng lượng.
Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch chi 4 nghìn tỷ NDT (tương đương 585 tỷ USD) trong ngân sách 2009 để kích thích nền kinh tế. Chính phủ nước này cũng vừa chi 120 tỷ NDT trong quý tư năm 2008, với khoảng 10% dành cho các dự án tiết kiệm năng lượng và sinh thái. Năm nay Trung Quốc sẽ chi 350 nghìn NDT cho các dự án sinh thái, mà rất nhiều trong số đó là dành cho các dự án về nước.
Tháng 2/2009, chính phủ Italy thông qua gói kích cầu trị giá 2 tỷ Euro để kích khích tiêu dùng ô tô và các trang thiết bị gia dụng, bổ sung thêm vào khoản 80 tỷ Euro đã được công bố vào tháng 10 năm ngoái.
Hàn Quốc lên kế hoạch đầu tư 38 tỷ USD cho các dự án môi trường trong 4 năm tới nhằm tạo ra hàng nghìn công việc mới. Các ngành bao gồm tái chế chất thải, tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả, bảo tồn rừng và phát triển các nguồn nhiên liệu tái sinh.
Nhật Bản thông qua gói kích cầu 145 tỷ USD trong quý 1 năm nay nhằm khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời tại nhà.
Trong khi đó, Vương quốc Anh chưa quyết định có thực sự có cần thiết cho một gói cứu trợ từ ngân sách quốc gia hay không từ sau khi cấp 20 tỷ Euro cho các ngân hàng vào tháng 11 năm ngoái.
Luật sư Burton nhấn mạnh, tuy không phải tất cả các quốc gia đều dành ngân khố cho công nghệ sạch nhưng toàn bộ ngành công nghiệp này đã được định hướng để mang lại lợi nhuận. Ông nói: “Ngành công nghệ sạch đã thực sự được kết nối trên phạm vi toàn cầu”.
Các gói kích thích nền kinh tế có thể giải quyết các vấn đề liên quan đế tài chính, nguyên nhân chính khiến cho các dự án về năng lượng sạch, năng lượng tái tạo kém phát triển.