ThienNhien.Net – Thời gian gần đây tội phạm môi trường (TPMT) được nhắc đến rất nhiều – như một dạng tội phạm mới, nguy hiểm và có xu hướng ngày một gia tăng – một phần vì mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này và mặt khác do nhận thức của toàn xã hội về môi trường đã được nâng cao. Những hậu quả nghiêm trọng, mức độ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài tới toàn xã hội từ những hành vi phạm tội này đã đặt ra một yêu cầu bức thiết đối với việc hoàn thiện các cơ chế bảo vệ môi trường một cách hiệu quả. Và một trong những mắt xích chủ yếu của cơ chế này là chính sách hình sự đối với những hành vi xâm hại môi trường.
Năm 1999, chính sách hình sự về tội phạm môi trường của Việt Nam đã có bước đột phá quan trọng khi xây dựng một chương riêng trong bộ luật Hình sự 1999 cho các tội phạm về môi trường (chương XVII). Tuy nhiên, sau 10 năm BLHS 1999 có hiệu lực, sau nhiều nghiên cứu đánh giá về tình trạng ngày một gia tăng của loại hình tội phạm này và đặc biệt là sau những vụ xâm phạm môi trường nghiêm trọng gần đây bị phát hiện, hệ thống pháp luật hiện hành liên quan đến TPMT đã phần nào bộc lộ những thiếu sót cần khắc phục.
Quan điểm về TPMT chưa rõ ràng
Khái niệm chung về tội phạm về môi trường (TPMT) đến nay vẫn chưa được luật hoá mà mới chỉ được định nghĩa trong một số công trình nghiên cứu. Trong ấn phẩm Tội phạm về môi trường: một số vấn đề về lí luận và thực tiễn, TPMT được định nghĩa như sau: “Các tội phạm về môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định, xâm phạm đến các quan hệ xã hội liên quan đến việc bảo vệ môi trường tự nhiên thuận lợi, có chất lượng, đến việc sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và việc đảm bảo an ninh sinh thái đối với dân cư”(1). Hoặc theo định nghĩa trong giáo trình giảng dạy của trường ĐH Luật Hà Nội: “Các tội phạm về môi trường là các hành vi nguy hiểm cho xã hội vi phạm các quy định của Nhà nước về môi trường, qua đó gây thiệt hại cho môi trường”(2).
Các khái niệm này, mặc dù đã nêu được bản chất của TPMT về cơ bản, song vẫn chưa thể hiện được đặc trưng của loại tội phạm này và phân biệt nó với các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
Đây có thể coi là một rào cản lớn trong việc xác định chính xác TPMT để từ đó tiến hành truy tố được loại tội phạm này. Việc hình thành khái niệm “tội phạm môi trường” một cách hợp lý, khoa học, chính xác, sát thực tế sẽ là khởi điểm cần thiết để giải quyết về bản chất tất cả các vấn đề trách nhiệm hình sự trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Bởi nếu không có sự nhận thức đúng đắn về loại tội phạm này, việc xây dựng được các hình thức chế tài, phạm vi và nhiệm vụ của hoạt động phòng ngừa sẽ còn nhiều khó khăn.
Hệ thống pháp luật hiện hành về TPMT
Chính sách hình sự về bảo vệ môi trường của Việt Nam được cụ thể hóa thông qua việc định nghĩa những hành vi phạm tội về môi trường cụ thể. Chương XVII BLHS 1999 quy định đối với 10 hành vi phạm tội về môi trường: tội gây ô nhiễm không khí (Đ.182), tội gây ô nhiễm nguồn nước (Đ.183), tội gây ô nhiễm đất (Đ.184), tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường (Đ.185), tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người (Đ.186), tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Đ.187), tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Đ.188), tội huỷ hoại rừng (Đ.189), tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm (Đ.190), tội vi phạm chế độ bảo vệ đặc biệt đối với khu bảo tồn thiên nhiên (Đ.191). (3)
Với đặc trưng là luật chi tiết và không có văn bản hướng dẫn thi hành dưới luật, mỗi điều khoản về TPMT trong BLHS 1999 đều xác định hành vi phạm tội rõ ràng, căn cứ để truy cứu hình sự, định khung và định hình.
Nội dung của 10 điều này đều tương thích với điều khoản xử lý vi phạm từ các luật liên quan khác trong lĩnh vực môi trường, cũng như các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên chính thức. Trong các luật khác như: Luật bảo vệ môi trường 2005 (điều 127); Luật bảo vệ và phát triển rừng 2004 (điều 85); Luật tài nguyên nước 1998 (điều 71); Luật thuỷ sản 2003 (điều 58) đều có một điều về xử lý vi phạm, quy định những hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm tương ứng đối với từng luật, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Tuân thủ một số công ước và hiệp ước quốc tế, các quy định về TPMT của Việt Nam cũng tuân thủ những điều kiện của các công ước này. Cụ thể như: việc tuân thủ công ước CITES thể hiện qua 2 điều 189 (tội huỷ hoại rừng) và điều 190 (tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã qúy hiếm); tuân thủ công ước Basel về kiểm soát, vận chuyển xuyên biên giới các phế thải nguy hiểm và việc tiêu huỷ chúng thể hiện ở điều 185 (tội nhập khẩu công nghệ, máy móc, thiết bị, phế thải hoặc các chất không đảm bảo tiêu chuẩn bảo vệ môi trường); tuân thủ Công ước đa dạng sinh học và Nghị định thư Cartagena về an toàn sinh học thể hiện qua điều 187 (tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người) và điều 188 (tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật).
Những vướng mắc và lỗ hổng trong quy định về TPMT
Thạc sỹ Nguyễn Mạnh Hiển, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết: Trong tổng số 10 tội danh về phạm tội môi trường quy định trong Bộ Luật hình sự, trên thực tế từ trước tới nay mới chỉ khởi tố điều tra và đưa ra xét xử đối với các hành vi vi phạm thuộc 2 tội danh: huỷ hoại rừng (Điều 189) và vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm (Điều 190)(4). Còn với các tội danh khác, trên thực tế, mặc dù có rất nhiều vụ việc bức xúc mà báo giới đã phanh phui, cơ quan chức năng đã vào cuộc, kết luận là có sai phạm nhưng không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Kết quả là rất nhiều trường hợp phạm tội đã lọt lưới pháp luật. (?!)
Luật được ban hành là để thực thi song thực tế lại gặp rất nhiều vướng mắc xuất phát từ chính những quy định của hệ thống pháp luật hiện hành. Thực trạng này cho thấy đã tới lúc cần đặt ra những câu hỏi về bộ luật hiện hành.
Cấu thành cơ bản tội phạm về môi trường có nên quy định tình tiết “đã bị xử phạt hành chính” là yếu tố bắt buộc để khởi tố vụ án hình sự hay không? Hiện nay, có tới 8/10 điều của chương XVII – BLHS 1999 (Điều 182, 183, 184, 185, 187, 188, 189, 191) có tình tiết này là yếu tố bắt buộc để truy cứu hình sự. Trong khi, việc xử phạt hành chính chỉ có thời hạn hiệu lực thi hành là 1 năm. Nếu sau 1 năm mà có vi phạm lặp lại sẽ coi như chưa từng bị xử phạt hành chính (Khoản 1, Điều 11- Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002) và lúc đó có vi phạm nghiêm trọng thì theo luật chưa chắc đã bị truy cứu hình sự.
Làm thế nào để xác định được hành vi xâm hại môi trường gây hậu quả “nghiêm trọng”, “rất nghiêm trọng” và “đặc biệt nghiêm trọng”? Công ty Vedan xả thải làm ô nhiễm sông Thị Vải cùng với nhiều doanh nghiệp khác. Vậy làm sao để xác định được % tác động của công ty này? Những chất thải đó ảnh hưởng thế nào đến sức khoẻ cộng đồng cũng như sinh kế của họ?
Hay đối với việc dùng rác thải y tế để tái chế đồ nhựa cho tiêu dùng, cơ quan chuyên môn khẳng định, hành vi đó làm ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng. Thế nhưng, không phải ai dùng đồ nhựa tái chế cũng bị ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vậy làm thế nào để xác định những đối tượng tiêu dùng nhựa tái chế từ rác thải y tế. Nó làm giảm sút bao nhiêu % sức khoẻ, có gây thiệt mạng đối với người dùng không? (5) Do không có con số cụ thể cũng như những ước tính định lượng nên cơ quan pháp luật khó có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, nhất là trong giới hạn kỹ thuật hiện nay của Việt Nam. Mới đây, Bộ TNMT đã ban hành dự thảo nghị định quy định về xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái gây ra đối với môi trường. Hi vọng việc xác định được các thiệt hại một cách định lượng như vậy sẽ mở ra cơ hội dễ dàng cho việc định khung, định hình cũng như tiến hành truy tố và xử lý những loại tội phạm về môi trường.
Đối tượng của BLHS 1999: cá nhân hay pháp nhân? Việt Nam chưa có quy định truy cứu hình sự đối với đối tượng vi phạm là các công ty, tổ chức, tập đoàn… mang tư cách pháp nhân. Đây cũng là một điều cần bổ sung vào Bộ luật hình sự trong tương lai, để không còn những vụ lọt lưới pháp luật như trường hợp của công ty TNHH Vedan (Long Thành – Đồng Nai) thời gian qua.
Bên cạnh đó, có thể thấy trong chương XVII. Tội phạm về môi trường (BLHS 1999) vẫn còn một số điểm bất hợp lý, thiếu sót, chưa bao quát hết thực tế. Trong bối cảnh tội phạm môi trường có xu hướng ngày một gia tăng với biến tướng và thủ đoạn tinh vi để “lách luật”, hơn bao giờ hết những bất cập này cần được khắc phục.
Thứ nhất, liên quan đến quy định về bảo vệ động vật hoang dã: Việc chấp nhận cấp phép cho các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã nguy cấp, hoặc thuộc nhóm 1B của nghị định 32 theo công văn số 970/BNN-KL có thể coi như “bản án tử hình” đối với các loài này. Điều này có nghĩa là sở hữu các loài ĐVHD cực kỳ nguy cấp và được bảo vệ không phải là một loại hình tội phạm. (6) Câu hỏi đặt ra ở đây là để có thể sở hữu một cá thể động vật hoang dã tại tư gia thì cá nhân đó phải làm những gì trước đó? Chắc chắn là phải tham gia ít nhất vào một trong các khâu săn bắn, vận chuyển, buôn bán ĐVHD – hành vi được coi là TPMT. Đây có phải là điều mâu thuẫn?
Thứ hai, có nên nới rộng khung áp dụng xử phạt hành chính? Việc nới rộng khung vi phạm đã góp phần thúc đẩy thực trạng vi phạm diễn ra phổ biến và phức tạp hơn. Điển hình là đối với khung vi phạm tội phá rừng đốt nương làm rẫy trong tội danh huỷ hoại rừng. Theo Nghị định 139/2004/NĐ-CP về nội dung xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản được ban hành ngày 25/6/2004, cơ quan chức năng phải khởi tố khi các đối tượng phá rừng làm rẫy phá vượt mức (mỗi vụ) 5.000 m2 đối với rừng đặc dụng, 7.500 m2 đối với rừng phòng hộ và 10.000 m2 đối với rừng sản xuất. Tuy nhiên, Nghị định 159/NĐ-CP thay thế cho nghị định trên, ban hành ngày 30/10/2007 đã nới rộng mức xử phạt, quy định phải khởi tố khi các đối tượng phá trên 7.500m2 đặc dụng, trên 10.000 m2 rừng phòng hộ và trên 15.000 m2 rừng sản xuất.
Quy định khởi tố khi các đối tượng phá trên 7.500m2 đặc dụng, trên 10.000 m2 rừng phòng hộ và trên 15.000 m2 rừng sản xuất liệu đã hợp lý? (Ảnh: ThienNhien.Net) |
Thứ ba, những vi phạm liên quan đến Báo cáo Đánh giá tác động môi trường: Những bản báo cáo kém chất lượng, không đúng sự thật, những quyết định vội vàng không cân nhắc, sự giám sát lỏng lẻo dự án là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường hiện nay và có xu hướng gia tăng trong tương lai. Khi những hậu quả môi trường trở lên quá lớn (những dòng sông chết như Thị Vải, Đồng Nai, Sài Gòn…, những làng ung thư như Thạch Sơn – Phú Thọ, sinh kế của người dân bị đe dọa…) thì việc hình sự hoá tội danh này càng trở nên cấp thiết hơn.
Thứ tư, hình thức tội phạm xuyên biên giới cũng cần chú ý. Việt Nam vừa đóng vai trò là nơi tiêu thụ vừa là trạm trung chuyển quan trọng, nhất là đối với các hoạt động buôn bán động, thực vật hoang dã quý hiếm và hoạt động vận chuyển, buôn bán chất thải, chất phóng xạ xuyên biên giới.
Năng lực của các cơ quan chức năng
Hiện nay, năng lực thể chế cũng như năng lực kỹ thuật của các cơ quan chức năng liên quan đến TPMT còn yếu. Điển hình là đối với cơ quan giám sát thực thi pháp luật – cơ quan có vai trò quyết định trong việc phát hiện TPMT.
Về cơ sở pháp lý: hiện nay vẫn chưa đầy đủ và còn nhiều lỗ hổng. Hoạt động của thanh tra môi trường gặp nhiều khó khăn khi “chỉ được thanh tra khi có quyết định thanh tra”. Còn cảnh sát môi trường vẫn chưa được công nhận là một cơ quan điều tra chuyên ngành.
Về lực lượng thực thi: mỏng và năng lực chưa đáp ứng yêu cầu. Do thiếu cán bộ có chuyên môn về môi trường ở cấp huyện và cấp xã để tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp nên hoạt động kiểm tra về BVMT đối với các hộ gia đình, cá nhân chưa thể thực hiện được, các vi phạm pháp luật về BVMT chưa được xử lý kịp thời.
Kinh phí: chi phí giám định môi trường trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về BVMT rất lớn, vượt quá khả năng tài chính của nhiều Sở Tài nguyên môi trường.
Đặc biệt, mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ giữa cơ quan điều tra và các cơ quan, tổ chức, công dân trong quá trình điều tra tội phạm về môi trường còn rất lỏng lẻo, nếu không muốn nói rằng gần như không có.
Lời kết
Trước đây, quan điểm của Việt Nam trong vấn đề tội phạm môi trường là hạn chế hình sự hoá, lấy giáo dục, phòng ngừa là chính. Hoặc nếu có hành vi vi phạm thì chủ yếu áp dụng biện pháp xử lý hành chính, chỉ xử lý hình sự trong những trường hợp cần thiết. Nhưng với tình trạng tội phạm môi trường ngày càng gia tăng như hiện nay, rõ ràng quan điểm và nội dung luật pháp về TPMT hiện tại là chưa đầy đủ và nghiêm minh. Điều này đã và đang tạo nên những lỗ hổng lớn trong hệ thống quản lý và bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, làm hạn chế tính răn đe và thực thi của luật pháp. Thiết nghĩ, đã đến lúc cần phải có những cách tiếp cận và nhận thức mới hơn để hoàn thiện cơ sở pháp luật về TPMT cũng như công tác giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1) TS. Phạm Văn Lợi (cb).Tội phạm về môi trường: một số vấn đề về lí luận và thực tiễn. Nhà xuất bản chính trị quốc gia. 2004. Trang 95.
(2) Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Hà Nội, 2000, trang 463
(3) TS.Trần Lê Hồng. Nhận thức chung đối với tội phạm về môi trường và một số vấn đề liên quan. http://tinyurl.com/nhanthucchungveTPMT
(4) Mới có 2/10 tội danh về tội phạm môi trường bị đưa ra xét xử
http://www.laodong.com.vn/Home/Moi-co-210-toi-danh-ve-toi-pham-moi-truong-bi-dua-ra-xet-xu/20087/96729.laodong
(5) Liên quan đến Tội phạm môi trường: Phải sửa Bộ Luật Hình sự. http://www.doisongphapluat.com.vn/Story/dantriansinhxahoi/2008/5/8528.html
(6) Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV). Bản tin về nạn buôn bán động vật hoang dã Việt Nam (tháng 7/2008)