Chớ quên "biển bạc"

ThienNhien.Net – Việt Nam là một trong những trung tâm đa dạng sinh học (ĐDSH) biển của thế giới. Với vùng đặc quyền kinh tế biển rộng khoảng 1 triệu km2, biển Việt Nam phong phú với 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, trong đó có nhiều hệ sinh thái mang tính đặc trưng về hải dương học. Mặc dù biển là nguồn tài nguyên quý giá, là tiềm năng cho sự phát triển kinh tế của đất nước nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy tính ĐDSH của biển Việt Nam chưa được quan tâm đầy đủ và có nguy cơ bị suy giảm.

 
Biển Việt Nam – nguồn sống dồi dào

Việt Nam có đường bờ biển dài, với hơn 3250km. Vùng lãnh hải của Việt Nam trải rộng trên 226.000 km2, với 4.000 hòn đảo lớn nhỏ tạo nên nhiều eo, vùng vịnh, đầm phá và nhiều ngư trường với trữ lượng hải sản gần 3 triệu tấn. Đây là một bộ phận của biển Đông, nằm ở vùng nhiệt đới Tây Thái Bình Dương.

Các chuyên gia đánh giá biển Việt Nam nằm ở một vị trí rất thuận lợi về mặt ĐDSH vì đây một trong các trung tâm phát tán của sinh vật biển.
Ts. Võ Sĩ Tuấn, Viện Hải Dương học Nha Trang, cho biết biển Việt Nam hội tụ hàng loạt các hệ sinh thái từ vùng nước nông như rừng ngập mặn, rạn san hô, cỏ biển, đầm phá, cửa sông, đến biển xa như vùng nước trồi, hệ biển sâu (có nơi tới 4000 m). Trong các hệ sinh thái đó, khu hệ động thực vật vô cùng đa dạng.
 
Theo Báo cáo diễn biến Đa dạng sinh học Việt Nam – 2005, các nhà khoa học đã ghi nhận trên 11.000 loài sinh vật sinh sống tại các hệ sinh thái biển Việt Nam, trong đó có gần 2.500 loài cá biển (gồm 130 loài cá có giá trị kinh tế cao), 225 loài tôm, hơn 500 loài thực vật nổi; gần 700 loài động vật nổi; gần 100 loài thực vật rừng ngập mặn; 15 loài cỏ biển và hơn 6000 loài động vật đáy không xương sống.
 
Trong số 7 loài rùa biển có mặt trên thế giới, Việt Nam có 5 loài. Bên cạnh đó, biển Việt Nam cũng là nơi sinh sống của 15 loài rắn biển, 25 loài thú biển và 43 loài chim biển. Đây chỉ là con số khiêm tốn với những nghiên cứu ban đầu về hệ sinh thái biển Việt Nam. Những con số này chắc chắn sẽ còn gia tăng khi Việt Nam có điều kiện tiến hành những nghiên cứu sâu hơn về tính đa dạng của biển.
 
Việt Nam có khoảng 1.122 km2 rạn san hô, được phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam, với diện tích lớn và tính đa dạng tập trung ở miền Trung và miền Nam, đặc biệt hai vùng lớn nhất là hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.
 
Với số loài san hô đã biết, nhóm các loài san hô của Việt Nam có thể so sánh với các vùng san hô đa dạng nhất trên thế giới. Qua nghiên cứu các vùng Vịnh Nha Trang, Ninh Thuận và Côn Đảo, các chuyên gia đã ghi nhận gần 400 loài san hô tạo rạn. Điều này chứng tỏ tính phong phú rất cao của các loài san hô ở vùng biển Việt Nam.
 
Có tới 90% các loài san hô cứng của vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương có mặt ở Việt Nam và các loài san hô mềm thuộc giống Alcyonaria là đa dạng nhất trong vùng Tây Ấn Độ-Thái Bình Dương.
 
Sự khác biệt về đặc điểm và thành phần loài của các hệ sinh thái tạo nên tính đa dạng của các sản phẩm khai thác từ nguồn ĐDSH.

Cũng theo phân tích của Ts. Võ Sĩ Tuấn, Biển Đông được bao bọc bởi các quốc gia đảo xung quanh nhưng có thể giao lưu với cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương nhờ sự thay đổi chế độ dòng theo mùa gió. Vì vậy, nhiều nhóm sinh vật có nguồn gốc khác nhau đã hội tụ về vùng biển này.
 
Hơn nữa, chế độ dòng độc đáo với các vòng tuần hoàn trong vịnh Bắc Bộ, ven biển miền Trung như những rào chắn sinh thái để hình thành các quần thể địa lý khác nhau, tức tạo nên sự đa dạng ngay trong phạm vi loài. Về phương diện này, quần đảo Trường Sa cần được nhắc đến như là một trạm dừng chân trong quá trình phát tán của sinh vật biển giữa các vùng biển.
 
Một đặc điểm riêng biệt khác của biển Việt Nam là đồng thời chịu ảnh hưởng của hai hệ thống sông lớn, đó là sông Hồng và sông Mê Kông. Điều này chi phối chế độ trầm tích của vùng biển, tuy có hạn chế tính đa dạng của một vài hệ sinh thái như rạn san hô, cỏ biển nhưng bù lại đã giúp hình thành các vùng rừng ngập mặn rộng lớn, thấy rõ ở Nam Bộ.
 
Những cánh rừng này đóng vai trò phòng hộ cực kỳ quan trọng. Thực tế cho thấy bất chấp hàng năm chính phủ đầu tư hàng trăm tỉ đồng đầu tư cho đê điều nhưng nhiều đê được xây dựng bê tông cốt thép mà không có rừng ngập mặn bảo vệ vẫn bị phá vỡ, trong khi ở những nơi khác “tấm thảm” xanh này bảo vệ được sự bình yên cho ngay cả những đê đất thông thường.
 
Nghiên cứu của Ban nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn (MERD) trong thời gian qua đã cho thấy ở nhiều nơi có rừng ngập mặn bảo vệ, sức tàn phá của sóng biển giảm có thể giảm tới  75-86%. Điều này cũng có nghĩa hạn chế được sự thiệt hại tới hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng vật chất và mất mát về người không thể nào đo đếm. 
 
Bảo vệ tính đa dạng sinh học biển như thế nào?
 
Hiện nay mối đe dọa đối với ĐDSH biển Việt Nam đang tăng lên song song với sự gia tăng dân số và mở rộng các hoạt động kinh tế, khai thác. Phương thức đánh bắt hủy diệt, phát triển kinh tế và các ngành nghề một cách bất hợp lý,…cộng với sự ý thức còn non kém của con người đã làm suy giảm tính ĐDSH của biển.
 
Đánh giá một cách sơ bộ cho thấy trong vòng 50 năm trở lại đây, Việt Nam đã mất tới 80% diện tích rừng ngập mặn. Tùy từng thời kỳ, diện tích này có phục hồi song không nhiều và rừng ngập mặn vẫn luôn bị đe dọa tiếp tục thu hẹp.
 
Các rạn san hô đã bị giảm sút cả về chất lượng và độ che phủ. Riêng miền Bắc, san hô đã giảm từ ¼ đến ½ diện tích. 85% các rạn san hô còn sống sót trong tình trạng chất lượng không tốt hoặc xấu. 
 
Trong số 10 vùng tập trung cỏ biển lớn như Tam Giang, Phú Quốc một số cũng đã bị suy giảm đáng kể.
 
Theo phân tích của Ts. Võ Sĩ Tuấn, sở dĩ vấn đề bảo tồn ĐDSH ít được quan tâm vì sự mất mát về ĐDSH, đặc biệt là ở biển ít được nhận thấy bởi nó không tác động ngay lập tức tới cuộc sống hàng ngày của cộng đồng. Một nguyên nhân nữa là do đa số quần chúng còn chưa nhật thức được lợi ích từ việc bảo tồn ĐDSH. 
 
Trong những năm qua, Việt Nam đã thể hiện sự quan tâm đối với sự nghiệp bảo tồn ĐDSH, trong có có tài nguyên biển. Bằng chứng rõ nhất là Việt Nam đã tham gia Công ước quốc tế về ĐDSH và thông qua kế hoach hành động quốc gia.
 
Việt Nam cũng đã xây dựng quy hoạch tổng thể hệ thống các khu bảo tồn biển đến năm 2010, với đề xuất 15 khu bảo tồn biển dọc theo chiều dài đất nước nhằm vươn tới mục tiêu sẽ có khoảng 2% diện tích vùng biển được bảo tồn vào năm 2010. Đến nay, có ba khu bảo tồn biển Hòn Mun, Cù Lao Chàm và Phú Quốc đã được chính thức công nhận.
 
Mặc dù luật pháp và quy hoạch đã có nhưng vấn đề dành ra sự quan tâm và thực thi vẫn bị đánh giá là ít hiệu quả. Còn rất nhiều việc phải làm để duy trì và phục hồi tính đa dạng của biển Việt Nam, tuy nhiên, Ts. Võ Sĩ Tuấn nhấn mạnh rằng cần sớm đẩy mạnh các biện pháp như: cải thiện nhận thức về bảo tồn ĐDSH biển đối với cộng đồng, các nhà quản lý và lập chính sách, công bố các vùng biển có tính ĐDSH cao, xúc tiến việc thành lập các khu bảo tồn biển, tiến hành đều đặn giám sát về ĐDSH, chất lượng môi trường và tình hình khai thác nguồn lợi nhằm có những giải pháp kịp thời ngăn chặn sự suy thoái ĐDSH biển, thử nghiệm và mở rộng hoạt động phục hồi các quần thể sinh vật qúi hiếm hoặc đang bị đe dọa, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và tuân thủ các tiêu chí của Công ước ĐDSH “bảo tồn, sử dụng hợp lý và chia sẻ công bằng”. Chúng ta cần tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ cộng đồng và sự hỗ trợ quốc tế.