ThienNhien.Net – Với Nghị định 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức mới của Bộ TN&MT thì hiện nay Bộ đang quản lý tổng hợp đa ngành trên 7 lĩnh vực. Để đáp ứng nhu cầu về nhân lực cho bộ máy tổ chức, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động hợp tác trong lĩnh vực đào tạo với các trường có chuyên ngành đào tạo liên quan và có uy tín về chất lượng.
Hợp tác đào tạo với Đại học Quốc gia Hà Nội
Tại lễ ký kết Quy chế phối hợp về đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học thuộc lĩnh vực TN&MT giữa Bộ TN&MT và Đại học Quốc gia Hà Nội diễn ra chiều 19/2 tại Hà Nội, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định sẽ cấp học bổng và trao thưởng khuyến khích sinh viên theo học các ngành TN&MT. Bộ trưởng cho biết, Bộ sẵn sàng tiếp nhận sinh viên thực tập tại các đơn vị thuộc Bộ.
Một nội dung quan trọng mà Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh là: Bộ TN&MT “đặt hàng” Đại học Quốc gia Hà Nội đào tạo theo nhu cầu của Bộ và sẽ bố trí việc làm đúng với năng lực, trình độ và chuyên môn cho các sinh viên theo học các ngành TN&MT.
Quy chế phối hợp đã được Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển và Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Vũ Minh Giang ký kết, có sự chứng kiến của Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Mai Trọng Nhuận cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Bộ TN & MT. Việc hợp tác này nhằm khai thác thế mạnh của Đại học Quốc gia Hà Nội – một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, có uy tín nhất cả nước và Bộ TN&MT – một Bộ quản lý tổng hợp đa ngành.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển, các lĩnh vực sẽ ưu tiên đào tạo nghiên cứu là khí tượng thủy văn, địa chất khoáng sản, đo đạc bản đồ, biến đổi khí hậu, quản lý biển – hải đảo. Đây là những lĩnh vực đang rất cần đội ngũ cán bộ trình độ cao, đặc biệt cán bộ quản lý.
Theo Quy chế này, Bộ TN&MT sẽ cung cấp các thông tin về kế hoạch phát triển nguồn nhân lực, đặt hàng về nhu cầu đào tạo các cấp (đại học, sau đại học, các khóa bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ công chức), giới thiệu, đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án, các hoạt động chuyển giao công nghệ để Đại học Quốc gia Hà Nội có kế hoạch phối hợp, tổ chức thực hiện.
Bộ sẽ cử các cán bộ có trình độ, uy tín và kinh nghiệm tham gia giảng dạy các chuyên ngành phù hợp tại các đơn vị đào tạo thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng xây dựng và thực hiện các dự án khoa học công nghệ, các chương trình bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Quy chế này cũng khẳng định hai bên sẽ có những hợp tác quốc tế trong đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng như trao đổi sinh viên thực tập và giảng viên, chuyên gia nghiên cứu.
Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, các đơn vị sẽ đào tạo và phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các bậc đại học và sau đại học, góp phần đáp ứng nhiệm vụ về quản lý Nhà nước của Bộ TN&MT trong các lĩnh vực: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản, địa chất; bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên, khí tượng, thủy văn; quy hoạch, sử dụng hợp lý tài nguyên; quản lý tổng hợp về biển đảo; đo đạc và bản đồ. Sẽ xây dựng hoặc phối hợp xây dựng các chương trình đào tạo mới, đào tạo dài hạn, đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức mới; biên soạn và in ấn xuất bản giáo trình, tài liệu đào tạo, bồi dưỡng; tham gia thẩm định chương trình đào tạo có liên quan để nâng cao chất lượng giáo dục hệ đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp của Bộ TN&MT.
Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ hỗ trợ, hợp tác với các trường, các cơ sở đào tạo thuộc Bộ TN & MT trong việc đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, liên thông, liên kết trong đào tạo đại học và sau đại học. Đồng thời phối hợp và giới thiệu đơn vị, cán bộ khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia vào các đề án, dự án nghiên cứu và triển khai theo đề xuất của cả hai bên.
Phát biểu tại Lễ ký kết, GS. TS. Mai Trọng Nhuận, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng các lĩnh vực mà Bộ TN&MT quản lý đều là những vấn đề được xã hội quan tâm. Việc giảng viên, sinh viên của trường cùng tham gia xây dựng, triển khai các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của Bộ sẽ tạo cơ hội tiếp xúc, gắn liền nghiên cứu và thực tế.
Đại học Quốc gia Hà Nội giao cho Ban Khoa học và Công nghệ, Bộ TN&MT giao cho Vụ Tổ chức cán bộ làm đầu mối trực tiếp chỉ đạo và thực hiện các nội dung thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa hai bên. Hàng năm lãnh đạo hai bên tiến hành gặp gỡ, trao đổi thông tin và đánh giá kết quả công tác đã được thực hiện và quyết định những nội dung hợp tác tiếp theo.
Hợp tác đào tạo với Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội
Ngày 20/2, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên tới thăm và làm việc với trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội nhằm trao đổi về cơ hội hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu về TN&MT. Bộ trưởng cho rằng sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên sẽ góp phần tạo ra đội ngũ nhân lực đảm bảo cả về số lượng và trình độ, theo kịp bước chuyển mạnh của ngành TN&MT hiện nay và trong tương lai. Cùng dự buổi làm việc có Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Hiệu trưởng Đại học Nông nghiệp Hà Nội Trần Đức Viên và lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ, các Khoa của trường…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đánh giá cao chất lượng và hiệu quả khoa học, kinh tế những sản phẩm nghiên cứu của trường, như các giống cây trồng, các loại vacxin… Bộ trưởng chân thành cảm ơn các thế hệ giảng viên của Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã đào tạo ra nhiều lớp sinh viên hiện đang công tác tại các cơ quan thuộc Bộ TN&MT.
Các lĩnh vực Bộ TN&MT hiện đang quản lý có ít nhiều liên quan đến các chuyên ngành mà Đại học Nông nghiệp đang đào tạo. Bởi thế, cơ hội hợp tác giữa hai bên là rất lớn.
Trong lĩnh vực đào tạo về TN&MT, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết Bộ chủ trương nâng cấp hai trường Cao đẳng TN&MT ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh thành trường Đại học, tập trung đào tạo cán bộ quản lý Nhà nước về TN&MT. Bởi thế, hai bên sẽ phối hợp để xây dựng chương trình đào tạo tránh trùng lặp và nhân lên sức mạnh của từng trường.
Ngoài ra, Bộ TN&MT mong muốn hợp tác trong đào tạo nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực định giá đất, quản lý thị trường bất động sản, quy hoạch sử dụng đất, đăng ký và thống kê đất đai, hệ thống thông tin đất đai, môi trường với biến đổi khí hậu…
Trong lĩnh vực nghiên cứu, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên khẳng định Bộ sẵn sàng giới thiệu, đề xuất các đề tài nghiên cứu khoa học, chương trình, dự án, các hoạt động chuyển giao công nghệ với trường, đồng thời cử cán bộ có trình độ, uy tín và kinh nghiệm tham gia giảng dạy. Với cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm, trung tâm quan trắc, đài khí tượng… hiện có, Bộ luôn hỗ trợ và tạo điều kiện cho sinh viên, cán bộ của trường thực tập và tìm hiểu thực tế.
“Chúng tôi mong muốn và luôn tạo điều kiện hỗ trợ để các thầy cô nghiên cứu những đề tài hiện đại, tổng hợp và đi trước một bước trong lĩnh vực TN&MT. Ví dụ như nghiên cứu sự tác động của biến đổi khí hậu tới giống cây trồng, đề xuất các loại cây trồng phù hợp trong điều kiện nước biển dâng ở vùng thấp và đồng bằng trong vài chục năm tới”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng trường để trao đổi thông tin, xây dựng văn bản hợp tác giữa hai đơn vị nhằm nâng cao hiệu quả trong giảng dạy, nghiên cứu của trường cũng như công tác chuyên môn của các đơn vị thuộc Bộ. Việc ký kết văn bản phối hợp này có thể được thực hiện trong quý I năm nay.