ThienNhien.Net – Đầu tư ứng dụng các mô hình tiết kiệm năng lượng vào sản xuất được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay đối với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện ở tỉnh Bình Dương có nhiều DN đã mạnh dạn áp dụng công nghệ tiên tiến, từ đó thu được những thành tựu đáng kể.
Cải tiến trong sản xuất
Thực hiện chương trình “Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các DN vừa và nhỏ” phối hợp giữa chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) và Quỹ môi trường toàn cầu (Pecsme), Trung tâm ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật (thuộc Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh) đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu và kêu gọi các DN triển khai ứng dụng một số các mô hình cải tiến tiết kiệm năng lượng thuộc các ngành sản xuất gạch, gốm sứ, chế biến thực phẩm và may mặc.
Lúc đầu, khó khăn lớn nhất là các DN không quan tâm đến các giải pháp tiết kiệm năng lượng do đã có các phương tiện sản xuất truyền thống như đốt củi để nung trong sản xuất gạch, gốm sứ… Sau những nỗ lực của Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc tuyên truyền, giới thiệu thông qua các buổi hội thảo, tọa đàm và tổ chức cho DN tham quan thực tế tại các địa bàn ứng dụng hiệu quả các mô hình tiết kiệm năng lượng trong cả nước. Từ đó dần dần đã thay đổi cách nghĩ, cách làm của các DN. Họ mạnh dạn đầu tư vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào trong sản xuất để tiết kiệm chi phí và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đến cuối năm 2008, trên địa bàn tỉnh có 3 đơn vị sản xuất gạch ứng dụng công nghệ nung liên tục kiểu đứng thay thế cho lò nung bằng củi là Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Tuấn Anh, DNTN Đức Thành ở xã Khánh Bình, Tân Uyên và DNTN Thành Đạt ở xã Chánh Phú Hòa, Bến Cát; có 2 đơn vị sản xuất gốm sứ triển khai ứng dụng nung gốm sứ khí hóa lỏng (LPG) theo công nghệ Bát Tràng là Công ty TNHH gốm sứ Phước Nguyên Thành 2, cơ sở gốm sứ Phát Đạt; 1 đơn vị chế biến thực phẩm ứng dụng năng lượng mặt trời là Công ty TNHH Thái Hà phường Phú Mỹ, TX.TDM; Công ty TNHH Gia Nam xã Long Nguyên, huyện Bến Cát ứng dụng hầm ủ biogas cải tiến.
Tuy con số còn khá khiêm tốn nhưng từ hiệu quả thực tế đã nhận được sự quan tâm của các DN sản xuất trong ngành. Đến thời điểm này đã có thêm 12 cơ sở sản xuất gạch đăng ký tham gia chương trình và UBND tỉnh đã xét duyệt cho 9 cơ sở.
Năm 2009, sẽ có nhiều DN ứng dụng
Ứng dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giảm chi phí sản xuất, chất lượng sản phẩm được nâng cao mà còn không gây ô nhiễm môi trường. Theo lãnh đạo DNTN Sản xuất gạch Thành Đạt – là đơn vị tiên phong trong việc ứng dụng lò nung gạch liên tục kiểu đứng, nắm bắt chủ trương của tỉnh về những cơ sở sản xuất gạch gây ô nhiễm môi trường sẽ bị di dời, từ đó DN mạnh dạn đầu tư. Kết quả, lợi ích kinh tế rất rõ khi giảm chi phí cho năng lượng, giảm nguồn nhân công và cho ra sản phẩm gạch đẹp, đều và bền hơn. Gạch của DN đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay nên sản xuất ổn định và phát triển.
Ông Vương Hán, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Gốm sứ Phước Nguyên Thành 2, xã An Lập, Dầu Tiếng cho biết vừa lắp đặt lò nung gốm sứ khí hóa lỏng (LPG) theo công nghệ Bát Tràng và nghiệm thu thành công. “Có thể xem việc đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong sản xuất là một quyết định đúng trong quá trình phát triển và hội nhập. Mặc dù số tiền đầu tư cho các dự án khá cao nhưng khi ứng dụng những lợi ích thu lại sẽ rất hài lòng”, ông Hán khẳng định.
Cái khó hiện nay của các DN là vốn đầu tư đối với công nghệ tiết kiệm năng lượng là khá cao. Tuy nhiên, hiện mỗi dự án khi triển khai ứng dụng đều được tỉnh hỗ trợ 30% kinh phí thực hiện, được tư vấn kiểm toán năng lượng và chuyển giao công nghệ, bảo lãnh tối đa 75% vốn vay, đào tạo miễn phí các kiến thức và kinh nghiệm sử dụng công nghệ được chuyển giao.
Ông Trần Đình Hợp, Phó Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ cho biết: “Bình Dương mới thực sự tiếp cận và thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng hơn 2 năm qua. UBND tỉnh đã ban hành chính sách cụ thể tạo niềm tin cho các DN an tâm tham gia dự án, đồng thời có chính sách khuyến khích bằng vật chất tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn thông tin để nâng cao nhận thức, giúp DN chọn công nghệ và giải pháp phù hợp”.
Năm 2009 sẽ là năm nhân rộng mô hình lò gạch nung liên tục kiểu đứng giai đoạn 2 (dự kiến hơn 50 DN) và lò nung gốm sứ khí hóa lỏng (LPG) theo công nghệ Bát Tràng. Những giải pháp về công nghệ sẽ là một trong những hướng đầu tư đúng giúp cho DN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, nhất là trong giai đoạn hội nhập kinh tế với những thách thức như hiện nay.