ThienNhien.Net – Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức: khoảng 50 năm qua, tại Việt Nam, nhiệt độ trung bình tăng khoảng 0,7 độ C và mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Dự kiến sau 91 năm tới – năm 2100, mực nước biển sẽ tăng lên tới 1m, nhiệt độ tăng khoảng 3°C. Hiện nay, ứng phó với biến đổi khí hậu là mục tiêu có tính chất cấp thiết và sống còn của Việt Nam bởi nước ta là một trong 5 nước được dự báo sẽ chịu nhiều ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu trên toàn cầu.
PGS. TS Trần Thục, Viện trưởng Viện Khí tượng Thủy văn cho rằng, vấn đề quan trọng là hiểu biết hạn chế về biến đổi khí hậu của phần lớn người dân đang là một trong khó khăn nhất khi triển khai chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu. Bởi một chương trình mang tầm cỡ Quốc gia thì rất cần sự quan tâm, chia sẻ của người dân. Đáng lo ngại là có những hội thảo về biến đổi khí hậu mà chính những đại biểu tham dự cũng chưa nắm rõ kiến thức về biến đổi khí hậu.
Biến đổi khí hậu đã và đang tác động mạnh mẽ đến nước ta thông qua các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, cụ thể rõ rệt nhất là các cơn bão đến sớm (trái mùa), ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, đồng thời biến đổi khí hậu sẽ làm khoảng 40 ngàn km² đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, không nên tuyên truyền về biến đổi khí hậu chung chung mà bằng những con số, hình ảnh, ví dụ cụ thể. Đặc biệt, cần tổ chức tuyên truyền cho từng vùng kinh tế cụ thể bởi mỗi vùng sẽ bị ảnh hưởng khác nhau do biến đổi khí hậu. Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ mở website về ứng phó với biến đổi khí hậu để tiếp tục nhận được góp ý của các nhà khoa học và cả người dân.