ThienNhien.Net – Thủy điện sông Ba Hạ được khởi công xây dựng vào ngày 18/04/2004 và dự kiến chính thức phát điện vào tháng 03/2009. Đây là công trình thủy điện vào loại lớn nhất miền trung với công suất thiết kế 220 MW, sản lượng điện trung bình 825 triệu Kwh/năm và tổng mức đầu tư 4.275 tỷ đồng. Công trình khi đi vào hoạt động sẽ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế của địa phương và đất nước. Tuy nhiên, tác động của nó đến con người và môi trường cũng không hề nhỏ, nhất là ở những khu vực bị nhấn chìm trở thành hồ chứa.
Điển hình ở xã Ea Lâm (Sông Hinh, Phú Yên), nơi có 2.047 người dân tộc Ê đê (chiếm 89% dân số xã, tính đến tháng 07/2007) sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt (lúa, ngô) và chăn thả (bò, lợn). Khi nước dâng trở thành hồ chứa, người dân đã bị mất tới 61% diện tích đất, và với cách sản xuất như trên thì thu nhập của họ đã giảm đến 61%.
Mảnh đất mới cày chưa kịp trồng đã phải bỏ vì nước ngập, chỉ hơn 1 tháng sau khi hồ chứa tích nước giai đoạn 2. |
Đồng cỏ đã bị nhấn chìm trong nước – một phần thức ăn của bò đã mất. |
Mặc dù đã được nhận tiện đền bù nhưng trước mắt họ vẫn là một tương lai mịt mù. Xưa nay luôn sống nhờ nương rẫy, giờ đất không còn đủ để trồng trọt, cỏ không còn đủ để bò ăn, một phương thức hay sinh kế mới chưa nhen nhóm, họ sẽ sống như thế nào?
Một lần nữa, bài toán kinh tế với sự đánh đổi môi trường lại đặt ra. Thiết nghĩ, chúng ta cần một cái nhìn khách quan và khoa học hơn nữa cho những dự án thủy điện trong tương lai.