ThienNhien.Net – Khi phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), 2 ngành Công an, Tài nguyên và Môi trường phải phối hợp kiểm tra, xác minh, đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ về nguyên nhân, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm.
Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường thống nhất về quan hệ phối hợp trong phòng chống vi phạm pháp luật về BVMT theo nguyên tắc: Quan hệ phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm hiệu quả công tác phòng ngừa, phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT. Đặc biệt, tránh hình thức, chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ, cản trở các hoạt động bình thường của mỗi ngành.
Đối với vụ việc vi phạm pháp luật về BVMT thuộc thẩm quyền giải quyết của các đơn vị chức năng của cả 2 ngành thì đơn vị nào phát hiện vụ việc trước có trách nhiệm thụ lý hồ sơ và chủ trì việc phối hợp giải quyết. Trường hợp có ý kiến khác nhau về giải quyết vụ việc cụ thể, phải báo cáo lãnh đạo cùng cấp của 2 ngành xem xét giải quyết.
Đối với thông tin, tài liệu về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về BVMT có liên quan đến thẩm quyền điều tra, xử lý của ngành Công an do các đơn vị chức năng thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường phát hiện thì Thủ trưởng các đơn vị này phải kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp, đồng thời thông báo cho lực lượng Cảnh sát môi trường cùng cấp để xử lý.
Thông tin, tài liệu về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BVMT do lực lượng Cảnh sát môi trường và các lực lượng khác thuộc ngành Công an phát hiện, nếu không thuộc thẩm quyền xử lý thì thông báo cho đơn vị chức năng thuộc ngành Tài nguyên và Môi trường cùng cấp để xử lý.
Khi tổ chức các đoàn thanh tra về BVMT, cơ quan chuyên ngành Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường, tùy từng trường hợp cụ thể đề nghị Cục Cảnh sát môi trường, Giám đốc Công an cấp tỉnh nơi tiến hành thanh tra, hỗ trợ phương tiện kỹ thuật cần thiết hoặc cử cán bộ tham gia.