ThienNhien.Net – Khu sinh thái biển Andaman nằm ở Bengal, Ấn Độ Dương. Vùng biển này gồm có hai quần đảo lớn là Andaman và Nicobar thuộc Ấn độ, Mi-an-ma, Thái Lan, và Ma-lai-xi-a. Đầu phía Nam của khu sinh thái biển Andaman là eo biển Ma-lắc-ca, tiếp giáp với ba quốc gia là Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a và Xinh-ga-po. Hiện nay, hệ sinh thái biển Andaman đang bị đe doạ nghiêm trọng trước tác động của con người và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) đã thực thi nhiều biện pháp giúp khai thác, quản lý và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên quý giá nơi đây.
Đặc tính đa dạng sinh học
Khu sinh thái biển Andaman rất đa dạng về mặt sinh học. Sự đa dạng này thể hiện ở cả ba cấp độ: nguồn gen, loài và hệ sinh thái. Các rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và các thung lũng nước sâu của biển Andaman đã tạo nên môi trường sống phong phú cho các loài động thực vật nơi đây. Chính vì vậy nơi đây còn rất nhiều bí ẩn cần được khám phá và nghiên cứu sâu hơn.
Hai hòn đảo Andaman và Nicobar là nơi có nguồn san hô quan trọng nhất của Ấn Độ, cũng là nơi có nhiều san hô nhất ở khu vực Nam Á. Các rạn san hô gần như chiếm đa số trong hệ sinh thái của 500 hòn đảo nơi đây. So với các khu sinh thái khác ở Nam Á, khu sinh thái biển Andaman thực sự rất đặc biệt bởi sự đa dạng cũng như sự nguyên sơ của các rạn san hô.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, có gần 200 loàii san hô và 400 loài cá sinh sống ở biển Andaman. Các rạn san hô lớn nhất, nguyên sơ nhất của Thái Lan cũng ở vùng biển Andaman, đặc biệt là tại đảo Surin. Vùng biển Andaman chỉ chiếm 1/3 đường bờ biển của Thái Lan nhưng hơn 1/2 số lượng san hô của Thái Lan được tìm thấy ở vùng biển này. Các nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học cho thấy có 210 lòai san hô và hơn 100 lòai cá sống ở các rạn san hô thuộc vùng biển của Thái Lan.
Xuôi về phía Nam của Andaman là đất nước Ma-lai-xi-a, với những cánh rừng ngập mặn xanh ngắt và những hòn đảo đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của san hô.
Các hòn đảo ở vùng sinh thái biển Andaman và bãi biển nơi đây đã trở thành bãi đẻ của các loài rùa biển như rùa da, đồi mồi, quản đồng và vích. Chúng đều là những loài nguy cấp hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Các bãi đẻ trứng này đóng vai trò rất quan trọng trong sự sinh tồn và phát triển của loài rùa trên toàn cầu nói chung. Đặc biệt, đảo Nicobar còn có nhiều bãi đẻ cho loài rùa da nhiều hơn bất cứ nơi nào khác ở vùng biển Bắc Ấn Độ Dương.
Ngoài ra, vùng biển Andaman còn có sự đa dạng về các loài cá. Ta có thể thấy loài cá nược (cá có vú và chỉ sống ở châu Á) và cá heo Irrawaddy cũng sinh sống ở biển Andaman thuộc Thái lan và Ma-lai-xi-a. Cá voi, cá mập, cua biển, cá heo, cá voi xanh và cá nhà táng cùng nhiều loài cá biển khác cũng tạo ra sự đa dạng sinh học nơi đây.
Tác động của con người
Nằm ở phía Tây của khu vực Đông Nam Á, vừa thuộc địa phận Thái Lan vừa thuộc địa phận Ma-lai-xi-a, khu sinh thái biển Andaman đã chịu những ảnh hưởng tích cực cũng như tiêu cực từ các hoạt động kinh tế của hai quốc gia này. Tăng trưởng dựa vào du lịch trong những năm 1970 đã mang lại sự giàu có cho nơi đây đồng thời cả những thách thức trong việc bảo vệ vẻ đẹp tự nhiên của vùng sinh thái Andaman.
Nhiều hoạt động kinh tế đã tác động đến cảnh quan nơi đây. Điển hình như việc đánh bắt hải sản vì mục đích thương mại và vì sinh kế. Ở Thái Lan, hàng chục nghìn ngư dân địa phương đã đánh bắt cá gần bờ vùng biển Andaman theo phương thức thủ công và quy mô nhỏ từ nhiều đời nay. Chính sự đổi thay trong luật pháp và việc mở rộng của vùng ven biển Andaman đã ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng dân cư nơi đây chứ không phải những hoạt động đánh bắt trộm cá của các thuyền lớn nước ngoài.
Hiện nay, dân số ở hai quần đảo Andaman và Nicorbar đã lên tới xấp xỉ 450.000 người. Việc tăng dân số nhanh chóng chủ yếu là do nạn nhập cư từ Ấn Độ. Để bảo vệ nguồn tài nguyên của vùng biển Andaman trước việc dân số đang tăng lên quá nhanh, chính quyền nơi đây đang cân nhắc việc áp dụng các biện pháp mạnh tay hơn để hạn chế nạn nhập cư. Ngoài ra, người dân bản địa cũng sẽ bị hạn chế về quyền được khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên biển. Đồng thời, cũng sẽ có các điều luật được đưa ra để bảo vệ người dân nơi đây trước việc khai thác ồ ạt nguồn tài nguyên biển Andaman của những người nhập cư.
Các mối đe doạ
Hệ sinh thái ở các rạn san hô thuộc vùng biển Andaman đang đứng trước nguy cơ biến mất. Thậm chí, các rạn san hô xa bờ cũng chịu ảnh hưởng bởi việc khai thác quá mức, dân số tăng quá nhanh và thiếu sự quản lý chặt chẽ của chính quyền. Các hoạt động đánh bắt kể cả hợp pháp cũng như bất hợp pháp của con người đều có những tác động tiêu cực đến sự sinh tồn của các loài cá cũng như tới môi trường sống của chúng. Và việc giải phóng mặt bằng để xây dựng các công trình, việc định cư của người dân và sự phát triển của ngành nông nghiệp đều có những ảnh hưởng tiêu cực tới hệ sinh thái biển.
Điển hình cho tác động của con người lên môi trường tự nhiên ở biển Andaman là một lượng bùn lớn đã tích tụ xung quanh quần đảo Andaman do nạn phá và đốt rừng bừa bãi. Quần đảo này cũng đang bị ô nhiễm bởi các nhà máy cưa gỗ và các ngành công nghiệp quy mô nhỏ khác. Việc chôn lấp bừa bãi các chất không phân huỷ được và các rác thải nguy hại cũng làm môi trường nơi đây bị ô nhiễm.
Các rạn san hô ở biển Andaman còn bị đe doạ bởi sự thiếu ý thức của con người. Ngoài ra, các yếu tố bên ngoài như du lịch tự phát, các hoạt động đánh bắt cá dùng mìn… hay nạn đánh bắt cá trộm của ngư dân từ các nước láng giềng và ô nhiễm từ việc rò rỉ dầu từ các tàu hoạt động trên biển cũng ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của các rạn san hô nơi đây.
Thêm vào đó, hiện tượng trái đất đang nóng lên và mực nước biển đang dâng nhanh cũng đe doạ tới sự tồn tại của san hô ở vùng biển này. Đã đến lúc các quốc gia trong khu vực và trên thế giới cần cùng chung tay giải quyết vấn đề này để cứu các rặng san hô ở vùng biển Andaman trước nguy cơ biến mất.
Nỗ lực bảo tồn của WWF
Để bảo vệ vùng sinh thái biển Andaman, WWF đang tập trung vào các lĩnh vực như tiến hành nghiên cứu sinh học tại vùng biển này, giám sát cũng như giúp chính quyền địa phương xây dựng năng lực quản lý tài nguyên biển, giúp người dân trong sinh kế và khai thác nguồn tài nguyên biển một cách bền vững. Sự hỗ trợ này là vô cùng quan trọng, đảm bảo tốt nhất cho các chương trình bảo vệ sinh thái biển tiến hành lâu dài và vững chắc.
Ở Ấn Độ, WWF đã làm việc với người dân địa phương để xây dựng chương trình bảo vệ quần đảo Andaman và Nicorbar. Dự án tập trung vào bảo vệ các giá trị đa dạng sinh học và giá trị kinh tế xã hội của các quần đảo nơi đây bằng cách hợp tác với người dân địa phương.
Ở Thái Lan, dự án “Nâng cao nhận thức của người dân và xây dựng các chính sách để bảo vệ các vùng ngập mặn” của WWF gồm có các chiến dịch nâng cao nhận thức người dân về tác hại của việc khai thác hải sản quá mức cũng như việc dùng các thiết bị gây nổ để đánh bắt cá. Ngoài ra, dự án còn tập trung vào việc xây dựng năng lực cũng như phát triển mạng lưới của các tổ chức đánh bắt quy mô nhỏ bên cạnh việc hỗ trợ và khuyến khích việc đánh bắt bền vững bằng các chính sách chính sách và văn bản luật phù hợp.
Ở Ma-lai-xi-a, WWF cũng đề ra các dự án bảo vệ các khu vực biển có sự đa dạng về các rạn san hô – nơi trú ngụ của rất nhiều loài cá. Các hoạt động của dự án bao gồm giám sát chặt chẽ và lâu dài sự tồn tại của các loài san hô, xây dựng các ngôi nhà gỗ nhỏ ven biển và nâng cao nhận thức của người dân trong việc sản xuất và sử dụng các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Dự án Langkawi Archipelago của WWF là một ví dụ điển hình cho hoạt động hỗ trợ sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả và bền vững. Các rạn san hô ở quần đảo Andaman khiến vùng biển này trở thành nơi đa dạng sinh học nhất trên thế giới. Và việc phát triển quá nhanh để đáp ứng nhu cầu về du lịch đã khiến cho các rạn san hô, hệ sinh thái và các loài thực vật ở vùng biển Andaman bị ảnh hưởng và suy giảm nghiêm trọng. WWF đang hợp tác với chính quyền cũng như nhân dân địa phương nhằm giữ lại vẻ nguyên sơ cho khu sinh thái biển Andaman, để cho quần đảo này vừa có giá trị về đa dạng sinh học vừa có giá trị về du lịch bền vững.