ThienNhien.Net – Tại cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề nông, lâm, thủy, hải sản sáng 10/2 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Bộ Công Thương phối hợp tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay, các ngành hàng càng phải tập trung giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản Việt Nam.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hết tháng 1/2009, nhìn chung, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm thủy hải sản vẫn tiếp tục suy giảm, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 1,1 tỷ USD bằng 88% so với cùng kỳ.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình trạng suy thoái của các nền kinh tế lớn trên thế giới khiến sức mua ở hầu hết các thị trường đã giảm mạnh.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất được các doanh nghiệp, Hiệp hội đưa ra nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất khẩu.
Đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc đề xuất, cần có cơ chế điều hành riêng cho 2 Tổng Công ty (Tổng Công ty Lương thực miền Nam và Tổng Công ty Lương thực miền Bắc), để có thể tiêu thụ lúa hàng hóa theo yêu cầu của nông dân và điều hành xuất khẩu theo thị trường.
Đồng tình với đề xuất này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Vụ lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy tín hiệu được mùa, tháng 2, 3 sẽ thu hoạch 900 nghìn ha với sản lượng trên 5 triệu tấn, cộng với tồn kho năm ngoái thì khả năng xuất khẩu năm nay sẽ cao. Ông Phát ghi nhận cần có cơ chế điều hành linh hoạt khuyến khích xuất khẩu và ưu tiên 2 Tổng công ty Lương thực miền Nam, miền Bắc thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ trước.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản cho rằng: Để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm giá thành, giải pháp trước mắt là giảm giá thức ăn chăn nuôi. Ông Dũng cho biết, để giải quyết vấn đề này không còn cách nào khác là tăng cường kiểm soát thức ăn chăn nuôi, tạo điều kiện cho Hiệp hội có thể nhập nguyên liệu để gia công nhằm hạ giá thành sản phẩm và giúp cho người chăn nuôi có lãi, bởi thực tế giá thức ăn chăn nuôi trên thế giới hiện thấp hơn trong nước.
Một trong những vấn đề cũng được nhiều doanh nghiệp đề xuất tháo gỡ, đó là xây dựng kho trữ hàng, hỗ trợ vốn tạm mua trữ gạo, cao su, tăng kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại lên 0,5% / giá trị kim ngạch xuất khẩu hằng năm cũng như xây dựng các cảng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản rất cao.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, vấn đề hiện nay của các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu không phải là nguồn lao động, vốn, lãi suất, cơ chế mà cái khó bây giờ chính là làm thế nào khách hàng mua hàng của chúng ta.
Sau sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ đã ban hành một loạt các chính sách hỗ trợ, tháo gỡ cho doanh nghiệp. Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Thành Biên cho biết: Bộ đã triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp trong đó đã phê duyệt chương trình xúc tiến thương mại đợt 1 cho doanh nghiệp. Năm 2009 được đánh giá là năm thị trường nằm trong tay người mua, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại đợt 2, Bộ sẽ phê duyệt sớm trong tháng 2 và tháng 3 để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị, chương trình xúc tiến thương mại đợt 2 Bộ Công Thương ưu tiên cho các chương trình tạo đơn hàng mới, hợp đồng mới .
Về phía Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết: Đối với các kiến nghị về vốn hỗ trợ tạm trữ cà phê, cao su, xây dựng các kho ngoại quan, kho lúa, Thủ tướng đã có chủ trương khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi, còn lại là vấn đề doanh nghiệp cần có đề án cụ thể sớm trình các Bộ.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng lưu ý các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ khi triển khai xây dựng các kho ngoại quan, phải có được các đánh giá, thông tin và dự báo thị trường tin cậy, về cơ chế vận hành kho ngoại quan Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương sẽ phối hợp nghiên cứu chính sách sớm tạo điều kiện cho doanh nghiệp.