Khám phá "ốc đảo" nhờ Google Earth

ThienNhien.Net – Vũ trụ bao la có thể là giới hạn khám phá cuối cùng của con người nhưng phát hiện mới đây về một khu rừng nguyên sinh của Mô-dăm-bích đã chứng tỏ rằng ngay cả trên trái đất vẫn còn nhiều điều mà con người chưa khám phá hết. Một nhóm các nhà khoa học, bao gồm cả các chuyên gia của Tổ chức bảo tồn chim quốc tế BirdLife, đã sử dụng phần mềm Google Earth để định vị một mảnh riêng biệt của khu rừng nguyên thuỷ này. Sau đó, chuyến thám hiểm thực địa của nhóm này đã phát hiện ra những chủng loại bướm và rắn mới, cùng với 7 loài chim đang bị đe doạ trên toàn cầu ở đây.
 
Trên thực tế, người dân địa phương đã biết đến khu vực này, mặc dù nó chưa được ghi nhận trên bản đồ. Đó chính là ngọn núi Mabu.
 
“Đây có lẽ là khu rừng lớn nhất ở độ cao trung bình so với mực nước biển mà tôi được biết ở phía Nam châu Phi, nhưng nó vẫn chưa có tên trên bản đồ”, Jonathan Timberlake thuộc Vườn thực vật Hoàng gia, Kew (RBG Kew), đồng thời là người đứng đầu cuộc thám hiểm, cho biết thêm. “Hầu hết những người Mô-dăm-bích chắc hẳn không nhận ra cái tên núi Mabu”.
 
Sau chuyến thám hiểm trên, một nhóm gồm 28 chuyên gia từ Anh, Mô-dăm-bích, Ma-la-guy, Tác-da-ni-a, Bỉ, Ai-len, và Thuỵ Sĩ cũng lên đường thám hiểm ngọn núi này vào mùa thu năm ngoái. Các chuyên gia của Tổ chức Bảo tồ chim thế giới (BirdLife) cũng tham dự. Họ phải đầu tranh với địa hình dốc đứng và cây cối rậm rạp ở đây.
 
Họ đã bắt gặp một hệ sinh vật giàu có, trong đó có 3 loài bướm mới và một loài rắn chưa được biết đến. Nhóm chuyên gia cũng đã tin rằng ở đây có ít nhất 2 loài thực vật mới và có thể nhiều loài côn trùng mới. Họ mang về hơn 500 mấu để nghiên cứu. “Sự đa dạng ở đây quả là khó tin”, Jonathan Timberlake bày tỏ sự thán phục. Mặc dù cuộc nội chiến từ năm 1975 đến năm 1992 đã tàn phá nhiều phần của Mô-dăm-bích nhưng khu vực này hoàn toàn không bị ảnh hưởng.
 
Nơi đây cũng là môi trường sống quan trọng của nhiều loài chim. Điều đặc biệt là loài chim Thyolo Alethe đang trên bờ vực tuyệt chủng lại rất phổ biến ở đây. “Đây có thể là quần thể chim Thyolo Alethe lớn nhất từng được biết đến”, Giáo sư Lincoln Fishpool, điều phối viên của Global IBA thuộc BirdLife, một thành viên của chuyến thám hiểm phát biểu. “Ở những khu vực khác, rừng biến mất rất nhanh hoặc một phần lớn môi sinh trở nên không còn phù hợp”. Trong số 126 loài được tìm ra, có 6 loài chim đang trên bờ tuyệt chủng trên toàn cầu.
 
Bảo tồn ngọn núi Mabu là một việc cần được ưu tiên hiện nay. Trong chiến tranh, khu rừng này là nơi ẩn náu cho những người dân địa phương. Do sự đi lại khó khăn và sự thờ ơ của xã hội, Mabu đã được bình an cho đến nay. Tuy nhiên, người dân địa phương đang quay trở lại khu vực này và nền kinh tế Mô-dăm-bích đang phát triển manh. Nguy cơ rừng bị chặt phá để lấy gỗ hoặc bị đốt để làm nương đã xuất hiện.
 
Vườn thực vật Hoàng gia, Kew đang cùng với chính phủ Mô-dăm-bích nỗ lực bảo vệ khu rừng. Còn BirdLife đang có kế hoạch ghi nhận Mabu là một khu vực bảo tồn chim quan trọng (IBA), “Núi Mabu dễ dàng đạt tiêu chuẩn của một IBA”, Giáo sư Fishpool nhận xét, “Các biện pháp thực địa có thể là phương pháp bảo tồn hiệu quả nhất trong tương lai gần. Sự biệt lập của khu rừng này vẫn đang là sự tự bảo vệ tốt nhất. Chúng tôi hi vọng sẽ hợp tác với những người quản lý vườn chè địa phương này, những người ủng hộ việc bảo tồn, và muốn giữ vững sự cân bằng và yên bình cho khu rừng.”