Sinh thái rừng đầm lầy nước ngọt Irrawaddy

ThienNhien.Net – Irrawaddy (Myanmar) từng là một vùng tự nhiên phong phú, nơi cư trú của nhiều loài động thực vật đặc hữu quý hiếm. Song, do không được bảo vệ hệ sinh thái nơi đây đang suy thoái, đặc biệt trong vùng đất đai phì nhiêu thuộc các rừng đầm lầy nước ngọt Irrawaddy. Phần lớn các rừng nguyên sinh và các loài động vật hoang dã sinh sống nơi đây đã và đang bị đe doạ. Bảo vệ các những gì còn sót lại và nỗ lực khôi phục lại những gì đã mất sẽ là các nhân tố quyết định cho quá trình phục hồi trạng thái tự nhiên của vùng sinh thái này.



Tổng quan về rừng đầm lầy nước ngọt Irrawaddy
 
Các cánh rừng đước và rừng đầm lầy nước ngọt được hình thành từ dòng chảy của con sông Irrawaddy đổ ra vịnh Bengal. Đất ở đây rất màu mỡ nhờ phù sa theo dòng chảy của sông bồi đắp. Khu vực phía Nam của vùng sinh thái là rừng ngập mặn ven biển Myanmar, được hình thành từ các đầm lầy hình quạt với các hồ bán nguyệt, các đảo và các con suối nhỏ, suối lớn chảy uốn khúc.

Địa hình khu vực này phần lớn là bằng phẳng. Phía Tây tiếp giáp với Rakhine Yomas. Phần phía Bắc có độ cao 1.287m so với mặt biển và dần thấp dần còn 428m ở phía Nam.
 
Địa chất ở phía Tây hình thành từ đá phiến sét và đá trầm tích. Đất khu vực này có màu từ vàng nâu cho tới màu lục, ở phía đông là đất cát pha sét và đá vôi, còn ở phía bắc là đất đá ong. Vùng này có rất nhiều đá vôi. Dọc các bờ sông là đất cát pha sét do dòng chảy của các con sông lắng đọng mà thành. Càng gần cửa sông, lượng cát trong đất ngày càng tăng do hoạt động của thuỷ triều và các đầm lầy.
 
Vùng Irrawaddy có rất nhiều cánh rừng rụng lá. Trong các cánh rừng phía bắc có các loài gỗ tếch như Xylia kerri, Salmalia malabrica, S. insigni, Milletia pendula, Dalbergia kurzii, Spondias pinnata, Lannea grandis, Terminalia balerica, Anogeissus accuminata, Eugenia spp., Terminalia tomentosa, T. chebula, Vitex spp., Schleichera oleosaManglietia insignis. Còn ở rừng phía nam bao gồm các loài như Xylia keri, Salmalia malabrica, S. insigni, Dalbergia kurzii, Lannea grandis, Teminalia balerica, T. chebula, Eugenia spp., Anogeissus acuminata, Terminalia spp., Vitex pubescens, Adina cordifolia Spondias pinnata.
 
Loài tre Melacanna bambusoiders cũng rất phổ biến ở đây và được tìm thấy rất nhiều ở phía đông Arakan Yomas. Còn có nhiều loài tre khác như Dinochloa m’clellandi, Oxytenanthera albo-ciliata, Bambusa tulda, Dendrocalamus longispathus, Cephalostachyum pergracile Bambusa polymorpha. Các loài tre ở phía Bắc bao gồm Melocanna bambusoides, Bambusa polymorpha, Cephalostachyum pergracile, và Bambusa tulda.
 
Các đặc trưng đa dạng sinh học


Trong vùng sinh thái, các loài thú lớn đã và đang bị đe doạ nghiêm trọng. Theo một nghiên cứu của Richard Salter năm 1982, trong vùng chỉ còn lại 15 con voi Châu Á. Các loài động vật như nai (Cervus unicolor), hươu lợn (C.porcinus), lợn rừng (Sus scrofa) cùng các loài hổ báo từng tập trung đông đảo nơi đây hiện số lượng đã giảm sút mạnh. Tính đa dạng sinh học ở khu vực nay hầu như không còn, các loài thú đặc hữu của khu vực cũng không còn tồn tại.
 
Vùng sinh thái ngập nước Irrawaddy là điểm dừng chân quan trọng của các loài chim di cư. Hàng năm, có tới hàng nghìn loài chim tới đây di trú, có thể kể đến các loài như: chim choi choi Mông Cổ (Charadrius mongolus), chim rẽ mỏ thìa (Eurynorhynchus pygmeus) chim choắt mỏ thẳng đuôi đen (Limorsa limosa), chim choắt mỏ cong lớn (N. arquata), rẽ lưng đen (C. temminckii) và loài cò nhạn (Anastomus oscitans). Đáng tiếc là số lượng các loài này đang giảm đi nhanh chóng. Vùng này cũng là nơi cư trú của nhiều loài chim nước, thường di trú vào mùa đông, bao gồm: vạc (Ixobrychus cinnamomeus), diệc (Ardeola grayii) và cò bạch (Egretta sacra), hạc cổ trắng (Ciconia episcopus), quắm đầu đen (Threskiornis melanocephalus), vịt trời (Anas poecilorhyncha), gà lôi nước (Hydrophasiamus chirurgus), nhàn bụng đen (Sterna acuticauda). Tuy nhiên hiện không còn loài chim đặc hữu của vùng sinh thái này nữa.
 
Các loài bò sát như cá sấu cửa sông (Crocodylus porosus) có thể vẫn tồn tại, nhưng số lượng rất ít. Vào năm 1982 người ta ước tính có khoảng 4,000 cá thể, nhưng chúng đã bị tập đoàn Pearl and Fishery khai thác từ năm 1979.
 
Nhìn về tương lai không mấy sáng sủa


Irrawaddy là một trong các dòng sông giàu phù sa nhất trên thế giới. Trước kia, lượng phù sa hàng năm là 299 triệu tấn, đứng vị trí thứ năm thế giới sau các con sông Hoàng Hà (Trung Quốc), sông Hằng (Ấn Độ), sông Amazon (Nam Mỹ) và Missipippi (Mỹ). Hiện nay lượng phù sa đang giảm dần do nạn phá rừng và hiện tượng đất bị xói mòn bởi sản xuất nông nghiệp gia tăng ở mức báo động.
 
Trong tương lai, sự tồn tại của các loài động vật hoang dã ở vùng sinh thái Irrawaddy là rất mong manh. Sẽ không còn quần thể đông đúc các loài thú lớn nào do môi trường sống của chúng bị chia cắt. Các loài chim cũng chịu chung một số phận. Cơ quan kiểm lâm và các tổ chức bảo tồn thiên nhiên hoang dã địa phương không mấy chú trọng đến công tác bảo vệ các loài chim. Hiện trong vùng sinh thái này không có một khu bảo tồn nào. 
 
Các hoạt động như mở rộng sản xuất nông nghiệp, chặt phá rừng lấy củi, khai thác gỗ công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản và tôm, và các hoạt động phát triển khác tác động tới vùng sinh thái Irrawaddy. Do vậy vùng này đang bị suy thoái nghiêm trọng và các mối đe doạ tới vùng trong tương lai cũng sẽ có tác động xấu tới vùng sinh thái này tương tự như các nhân tố đã phá huỷ môi trường sống của vùng trước kia.