Quy định quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hà Nội

ThienNhien.Net – Quyết định 51/2009/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ trên địa bàn thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành từ ngày 2/2, nhưng đến nay dư luận còn bàn luận nhiều về tính khả thi của lệnh cấm.

Hiện cả phía ban hành văn bản (UBND TP.) và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp đã có ý kiến chính thức xung quanh quyết định này.

Quyết định nhằm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và văn minh đô thị

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, người phụ trách quản lý nông nghiệp của UBND thành phố cho biết, QĐ 51 ra đời nhằm thay thế Quyết định 98/2007/QĐ-UBND ngày 30/8/2007 quy định về quản lý hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn TP. Hà Nội cũ. Thực tế, nội dung QĐ 51 hầu như không có thay đổi nhiều so với quyết định trước đây, chỉ mở rộng phạm vi áp dụng trên toàn thành phố Hà Nội sau khi mở rộng địa giới hành chính. Thủ tục ban hành Quyết định này được thực hiện theo đúng quy định, trên cơ sở tờ trình của Sở Công Thương và có sự kiểm tra của Sở Tư pháp thành phố.

Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng khẳng định, QĐ này ra đời để tăng cường quản lý, kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm trên địa bàn, góp phần phòng chống dịch bệnh, bảo đảm sức khỏe và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người tiêu dùng, đồng thời thực hiện văn minh đô thị.

Cần xem xét tính hợp hiến, hợp pháp và khả thi của văn bản

Tuy nhiên, dư luận xã hội cho rằng, QĐ 51 của UBND TP. Hà Nội chưa phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt là quy định cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào khu vực nội thành, nội thị gây bất cập và yêu cầu hoạt động giết mổ, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm phải có đăng ký kinh doanh hoặc chứng chỉ hành nghề là chưa khả thi bởi nhiều người dân đang thực hiện các hoạt động này đơn thuần với tính chất tự sản, tự tiêu nhỏ lẻ.

Theo Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, việc UBND TP. Hà Nội ban hành QĐ 51 là rất cần thiết, tuy nhiên, một số nội dung quy định còn chưa có sự cân nhắc kỹ về nội dung quy phạm, về thẩm quyền của cơ quan ban hành, do vậy cần phải được khẩn trương xem xét, xử lý kịp thời, để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính khả thi của văn bản.

Cụ thể, đối tượng, phạm vi áp dụng quy định tại Điều 1 là “mọi tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế…” chưa tương thích với chính Điều 2 (Nguyên tắc chung) là “có đăng ký kinh doanh, giấy phép hoặc chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật”, và chưa sát với thực tế.

Liên quan đến hoạt động vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm, QĐ 51 có một số quy định mang tính chất cấm đoán, không có căn cứ, có biểu hiện “ngăn sông, cấm chợ” đối với các cá nhân, công dân tham gia hoạt động giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm, như “cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào khu vực nội thành, nội thị”; “cấm vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên xe máy, xích lô, xe đạp hoặc các phương tiện thô sơ khác”.

Riêng nội dung “gia súc, gia cầm chỉ được vận chuyển đến cơ sở giết mổ được phép thành lập của UBND thành phố,…” đã hạn chế quyền của người dân, vì trong trường hợp giao dịch trao đổi gia súc, gia cầm không vì mục đích giết mổ hoặc giao dịch nhỏ lẻ của người tiêu dùng thì không bắt buộc phải qua “cơ sở giết mổ”.

Tương tự, khoản 1 Điều 5 của QĐ 51 “cấm bán các sản phẩm gia súc, gia cầm có… độc tố, ký sinh trùng hoặc vi sinh vật gây bệnh cho người”, hay cấm hoạt động này trên vỉa hè, lòng đường, ngõ xóm và khu vực công cộng (khoản 4) cũng mang tính cấm đoán không có cơ sở và không rõ ràng về nội dung quy phạm pháp luật, gây hiểu nhầm, đồng thời có thể dẫn đến việc áp dụng xử lý tùy tiện.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản 13/KTrVB đề nghị UBND TP. Hà Nội khẩn trương tự kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền đối với những nội dung chưa phù hợp với pháp luật của QĐ 51.

Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho biết, sau khi nhận được văn bản 13/KTrVB, UBND TP. Hà Nội giao cho Sở Công Thương cùng Sở Tư pháp thành phố tiếp tục xem xét, xử lý để sớm hoàn thiện quy định này.

“Quyết định này sẽ được thực hiện từng bước để người dân thay đổi nếp sinh hoạt, nhận thức được việc vận chuyển gia súc, gia cầm như hiện nay là vi phạm Luật giao thông. Trong thời gian tới, thành phố cũng sẽ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà đầu tư trong lĩnh vực vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng để từng bước thực hiện đúng quy định về điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như bảo đảm mỹ quan đô thị”, ông Tưởng cho biết.