ThienNhien.Net – Vườn quốc gia Bù Gia Mập (huyện Phước Long, tình Bỉnh Phước) với diện tích 26.032 ha được xem là nơi bảo tồn các nguồn gien quý hiếm của hệ động, thực vật và cây thuốc bởi vị trí độc đáo là nơi giao lưu với 4 khu hệ có nguồn gốc địa lý khác nhau: hệ Mianmar – Ấn Độ, hệ Malaysia – Indonesia, hệ Trung Hoa – Hymalaya và cuối cùng là hệ thực vật bản địa Bắc Việt Nam – Nam Trung Hoa; đồng thời bảo vệ rừng phòng hộ đầu nguồn cho các hồ chứa nước của các công trình thủy điện Thác Mơ và Cần Ðôn, phục vụ nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường và phát triển du lịch sinh thái. Chính vì thế, giữ rừng đồng nghĩa giữ sự bình yên và ổn định kinh tế cho cả 1 vùng rộng lớn.
Hiện VQG Bù Gia Mập có tới 450 loài, trong đó có 74 loài thú quý hiếm, 57 loài được ghi vào Sách đỏ. Nhưng do tình trạng săn bắt và phá hủy rừng làm mất nơi cư trú nên đã giảm rất nhiều so với thống kê cũ: 628 loài. Nếu cứ tiếp tục tình trạng khai thác và phá rừng bừa bãi, một ngày nào đó những loài đặc hữu sẽ chỉ còn trong sách vở, báo chí.
Thành phần khu hệ chim tại VQG Bù Gia Mập ghi nhận 84 loài. Ba loài có phân bố hẹp là gà so cổ hung (Arborophila davidi), gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini) và chích chạch má xám (Macronous kelleyi) và hai loài bị đe dọa toàn cầu là gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ, loài bị đe dọa cấp quốc gia là gà lôi hông tía (Lophura diardi) và niệc mỏ vằn (Aceros undulatus).
Theo kết quả của Viện điều tra quy hoạch rừng năm 2004, vườn đã ghi nhận 724 loài thực vật. Còn theo khuôn khổ dự án “Nâng cao năng lực bảo tồn đa dạng sinh học Vườn quốc gia Bù Gia Mập giai đoạn 2006 – 2008”, nhóm nghiên cứu thuộc Viện sinh học nhiệt đới kết hợp với các cán bộ Vườn đã tiến hành khảo sát nhanh để đánh giá tính đa dạng sinh học và bổ sung thêm 101 loài.
Các khu rừng nơi đây vẫn còn đảo bảo tính chất của rừng nguyên sinh, với đa số cây thuộc những loài cây họ dầu và cây họ đậu quý hiếm như: cẩm lai, gõ đỏ, mun, lát hoa, gỗ mật, thạch tùng, giáng hương, trắc…Không chỉ là khu rừng với hệ động thực vật phong phú, vườn còn là 1 kho thuốc khổng lồ với 278 giống cây dược liệu.
Mặc dù chưa được quan tâm nghiên cứu một cách đầy đủ và chi tiết, nhưng những quan sát trên thực địa cho thấy khu hệ động, thực vật khá phong phú, một số loài thực vật bậc cao quý hiếm, có giá trị kinh tế, những loài động vật hoang dã quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như gấu chó, báo gấm, sói lửa, bò tót, bò rừng, gà tiền mặt đỏ, gấu ngựa, voi, chà và chân đen… tại VQG Bù Gia Mập là những loài cần đặc biệt chú ý trong công tác bảo tồn và phát triển.
Rừng vẫn ngày ngày “bị” chảy máu. Đa phần những người khai thác gỗ tại đây là những người dân địa phương dân tộc thiểu số đời sống gặp nhiều khó khăn và coi việc khai thác rừng là “nồi cơm” hàng ngày, một số ít là những người từ nơi khác tới thuê dân địa phương làm việc. Do vậy việc quản lý rừng gặp rất nhiều bất lợi.