ThienNhien.Net – Hải Dương hiện có hơn 10,6 nghìn ha rừng tập trung chủ yếu ở 2 huyện Chí Linh và Kinh Môn. Trong đó, có 1.540,3 ha rừng đặc dụng, 4.718,4 ha rừng phòng hộ và 4.371,3 ha rừng sản xuất. Để nâng cao giá trị thu nhập/đơn vị diện tích, tỉnh đã rất chú trọng phát triển kinh tế rừng, mang lại hiệu quả cao và góp phần phủ xanh đất trống, đồi trọc.
Những năm qua, Hải Dương không ngừng huy động các nguồn lực nâng cấp, tu bổ rừng, khai thác, tỉa hợp lý rừng trồng, đưa thêm cây bản địa vào trồng, làm vườn thực vật lưu giữ, bảo tồn và nhân rộng các nguồn gen thực vật, từng bước vươn tới đa dạng gen động vật rừng. Hai năm 2006-2007, với nguồn vốn hơn 10 tỷ đồng, tỉnh đã hoàn thành nâng cấp rừng sinh thái hồ Côn Sơn (huyện Chí Linh).
Kết thúc Chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc (Chương trình 327), về cơ bản Hải Dương đã thực hiện phủ xanh đất trống, đồi trọc. Gặp thổ nhưỡng thích hợp, các loại cây thông, keo, lim, lát, chò chỉ, ngũ gia bì, long não, sấu, trám, tre bát độ nhanh chóng phát triển. Tỉnh đã khoanh nuôi hơn 2,3 nghìn ha rừng dẻ tái sinh thành công. Hơn 3 nghìn ha rừng sản xuất với các loại vải thiều, na dai, nhãn, xoài, hồng không hạt… đang cho thu hoạch, cải thiện đáng kể thu nhập của người lao động. Tại nhiều địa phương trong tỉnh còn phát triển nghề trồng tỉa cây cảnh, vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa góp phần làm sạch và tăng vẻ đẹp cho môi trường sinh thái.
Tỉnh cũng đã phê duyệt dự án cải tạo rừng sản xuất bằng việc đưa cây sưa, một loại cây gỗ có giá trị kinh tế cao vào trồng hàng trăm ha tại các xã Bắc An, Lê Lợi, Hoàng Hoa Thám… Riêng xã Cổ Thành (huyện Chí Linh, Hải Dương), bà con nông dân đã trồng thành công hàng chục cây sưa. Sau hơn 2 năm, các cây sưa phát triển bình thường, chiều cao đạt từ 40 cm đến 60 cm, đường kính gốc tăng thêm từ 1 cm đến 1,5 cm.
Hiện Hải Dương đang đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè, phấn đấu đưa diện tích trồng chè từ 50 ha lên hơn 200 ha vào năm 2010. Tỉnh cũng chú trọng khôi phục thương hiệu chè Thanh Mai, với việc đưa các giống chè chất lượng cao như: Ô Long, Phú Hộ vào trồng rộng rãi tại vùng chuyên liệu chè, gắn với việc xây dựng dây chuyền chế biến chè đen, chè khô, chè tan hiện đại.
Để phát triển rừng bền vững, tỉnh Hải Dương còn tăng cường bảo vệ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn; tăng cường lực lượng cho đội ngũ kiểm lâm và bảo vệ rừng; kết hợp du lịch với bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường; đẩy mạnh phong trào trồng cây gây rừng, giao đất cho các hộ nông dân trồng cây lâm nghiệp, gắn với trồng cây ăn quả.