Bàn về giải pháp xử lý môi trường nước đô thị

ThienNhien.Net – Do một nhóm nhà khoa học tâm huyết thực hiện, Dự án trả lại cảnh quan cho Hồ Văn Miếu sau 8 tháng triển khai đã thu được những kết quả đáng mừng. Bên cạnh những chỉ tiêu về chất lượng nước được công nhận ổn định và đạt sánh ngang với nước sông Đà, sự sống các loài thủy sinh và sự trở về của những cánh cò đã cho thấy tính đa dạng sinh học nơi đây đang dần được hồi phục. Những ý kiến từng lưỡng lự hay phê phán dự án nay đã chuyển thành những lời ủng hộ, góp ý tích cực. Một số cơ quan báo chí, truyền thông trước đây nhìn nhận dự án còn phiến diện nay cũng đã đưa thông tin sát thực hơn. ThienNhien.Net xin chia sẻ với bạn đọc những phân tích của TS. Nguyễn Viết Vĩnh, chuyên gia tư vấn của Dự án, về những bài học rút ra từ mô hình này.

Ngày nay, vấn đề ô nhiễm các thủy vực, đặc biệt là các thủy vực tại các đô thị ở những nước đang phát triển đã đến mức báo động. Nhiều dự án xử lý đã được đề xuất với chi phí lên đến hàng tỷ USD. Tuy nhiên, những cái giá cao ngất này khiến các dự án trở thành không tưởng. Điều đó đã gây ra một nghịch lý tồn tại dai dẳng lâu nay, đó là trong khi “tấc đất” là “tấc vàng” thì nhiều không gian xanh quý giá lại bị để hoang hóa hay sử dụng kém hiệu quả, chỉ vì bị ô nhiễm. Liệu có giải pháp nào tốt và hợp lý có thể chấp nhận được hay không?

Về lý thuyết, những thành tựu khoa học hiện tại đã đủ năng lực giải quyết hầu hết các nguồn nước bị ô nhiễm tại các đô thị, thậm chí về lâu dài còn thu được lợi nhuận từ nguồn nước này.

Hà Nội là một trong những đô thị chịu nhiều tác động của nước ô nhiễm, nhưng Hà Nội gần đây thông qua mô hình xử lý nước hồ Văn thuộc Văn Miếu Quốc Tử Giám, đã bước đầu đặt nền móng cho việc xử lý nước ô nhiễm có thể chấp nhận được trong điều kiện kinh tế Việt Nam.

Mô hình hồ Văn được triển khai trên cơ sở nắm được các quy luật tự nhiên gắn liền với ô nhiễm, nguyên nhân gây ô nhiễm và có được bộ giải pháp phù hợp với yêu cầu thực tiễn.

Trước hết, khi bàn về quy luật tự nhiên gắn liền với ô nhiễm, cần ghi nhận rằng vật chất không tự sinh ra mà cũng không tự mất đi, nó chỉ biến từ dạng này sang dạng khác. Sinh vật thuỷ sinh tiêu thụ dinh dưỡng trong nước. Khi thiếu chúng, chất dinh dưỡng tích tụ lại sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm. Vì vậy, cái ranh giới giữa “sự thối” và “sự không thối” là rất mong manh.

Bên cạnh đó, cũng có một quy luật khác, đó là nhờ đa dạng sinh học mà mọi không gian sống đều được lấp đầy và sử dụng tối ưu. Mọi sinh vật trong qúa trình sống tương tác nhau và tạo thành một chuỗi thức ăn luân hồi cho muôn loài, loài này là thức ăn của loài kia, chất thải của loài này có thể là thức ăn của loài khác. Khi đa dạng sinh học bị hủy hoại, hữu cơ trong chuỗi thức ăn không được sử dụng tốt là yếu tố quan trọng gây ra ô nhiễm. Bảo vệ đa dang dạng sinh học cũng đồng nghĩa với bảo vệ môi trường, tiếc là ít được quan tâm.

Cũng như nhiều thủy vực khác ở Hà Nội, ô nhiễm Hồ Văn bắt nguồn từ bốn nguyên nhân chính:

Thứ nhất, nguồn chất thải và dinh dưỡng đầu vào lớn qúa khả năng tự xử lý: Trong thực tế không một thủy vực tự nhiên nào tự ô nhiễm, tạo hóa sinh ra nó đã có một khả năng tự làm sạch nào đó.

Tảo quang hợp trên mặt nước sẽ phát triển mạnh nhờ nước thải, nếu không trở thành thức ăn cho động vật thuỷ sinh sẽ chết đi, mục nát rồi chìm xuống đáy, chúng được các vi khuẩn phân hủy. Quá trình phân hủy tiêu hao một lượng lớn ôxi. Sụt giảm ôxi làm nhiều sinh vật có lợi không sống nổi và thủy vực biến thành vùng nước chết. Chu trình này lặp đi lặp lại với chu kỳ nhanh hơn, quy mô lớn hơn khiến ô nhiễm và hôi thối ngày càng trầm trọng hơn.

Mỗi hệ sinh thái có khả năng và ngưỡng xử lý riêng. Hệ sinh thái càng đa dạng, thì sức tải tự thân càng cao. Ngưỡng tải còn tuỳ thuộc vào công nghệ và phương pháp quản lý nguồn nước. Nếu lượng thải và dinh dưỡng đầu vào vượt qúa ngưỡng, nó sẽ gây ra hiện tượng phú dưỡng và là nguyên nhân gây ra ô nhiễm.

Thứ hai, sự mất đa dạng sinh học làm chuỗi thức ăn bị huỷ hoại dẫn đến tình trạng mất khả năng tự xử lý môi trường: Thủy sinh vật dưới khía cạnh môi trường là những nhà máy lọc sinh học. Lượng chất thải vào hồ nếu ở mức vừa phải được coi là chất dinh dưỡng, tạo mầu và thức ăn cho cá. Khi thuỷ vực có cơ cấu cá hợp lý thì mọi dạng thức ăn đều được khai thác tốt, cơ hội biến chất thải thành sinh vật sống và chống ô nhiễm càng cao.

Khi thủy sinh vật đặc biệt là cá không có hay bị khai thác hết, dinh dưỡng đi vào thủy vực vì không tham gia vào chuỗi thức ăn sẽ tham gia vào chu trình gây ô nhiễm như đã trình bày ở trên.
 
Trong thiên nhiên để có một ki-lô-gram protein bậc cao thường tiêu tốn rất nhiều thức ăn được hình thành ở cấp thấp hơn. Điều đó có nghĩa là, nếu loại đi quá trình hình thành 1 kg cá, đồng nghĩa với việc bạn đã tạo điều kiện để một lượng dinh dưỡng có khối lượng lớn hơn nhiều lần có cơ hội gây ra ô nhiễm. Thực tế thực khắc nghiệt, nhưng cũng rất tinh tế.

Đa dạng sinh học đảm bảo một chuỗi thức ăn hoàn hảo của hệ. Sinh vật bậc thấp được dùng làm thức ăn của sinh vật bậc cao hơn, mỗi lần chuyển cấp như vậy khối lượng lại nhỏ đi một phần, toàn hệ thống như một kim tự tháp, trên đỉnh tháp đó thường là con người. Tỷ lệ sống chết trong tự nhiên được kiểm soát một cách khách quan, không khiêm cưỡng, nên nhìn chung hệ luôn bền vững.

Con người do hiểu biết chưa đầy đủ và bị lòng tham chi phối đã gây tổn hại đến chuỗi thức ăn, đa dạng sinh học kém đi kéo theo sức tải suy giảm và năng suất sinh học cũng giảm theo. Khi không điều chỉnh hành vi cho phù hợp với quy luật tự nhiên, con người phải đối mặt với tình trạng môi trường và chất lượng sống ngày càng kém.

Cá trong các hồ Hà Nội có giá trị như một máy lọc sinh học và giá trị đó lớn hơn nhiều khi nó nằm trên đĩa. Bộ luật nghề cá bảo vệ tài nguyên và môi trường đất, nước cho mọi người, dù người đó là ai, làm gì, ở đâu. Nếu xả rác thoải mái, không dọn dẹp và tiêu diệt nốt con cá – kẻ làm việc không công – thì con người chúng ta lẽ ra không có quyền kêu ca về ô nhiễm?!

Thứ ba, người sử dụng thủy vực không đưa ra được giải pháp tăng ngưỡng tải môi trường tương ứng với đầu vào: Trong thực tế, không gian thủy vực là hữu hạn và thường bị co hẹp bởi nhiều lý do. Nhưng ngược lại, dân số và nhu cầu phát triển kinh tế của con người ngày càng gia tăng và không ngừng xả chất thải vào những thủy vực này.

 Hồ Văn
“Không giải pháp kỹ thuật nào có thể thực hiện hiệu qủa nếu các thủy vực không có một người chủ thực sự. Người chủ đó phải là tư nhân, dưới sự giám sát chặt chẽ bởi cộng đồng và các cơ quan chức năng”. Ảnh: Những người dân háo hức đón xem mẻ cá đầu tiên ở hồ Văn, 06/02/2009 (Nguồn: ThienNhien.Net)

Do đó, để bảo vệ các thủy vực, yêu cầu đặt ra là cần tiến hành đồng thời các biện pháp ngăn chặn không để chất thải đầu vào vượt ngưỡng tự xử lý của hệ sinh thái, cải thiện chất thải đầu vào ngay từ đầu nguồn, nâng cao sức tải tự thân của thuỷ vực, đồng thời bảo vệ và phục hồi đa dạng sinh học.

Cũng cần lưu ý rằng dù đầu tư nhiều đến đâu chăng nữa, sức tải cũng chỉ là một con số hữu hạn. Vì vậy, người quản lý cần chọn được điểm dừng thích hợp với từng thuỷ vực.

Thứ tư, thủy vực không có chủ thực sự dẫn đến tình trạng khai thác hủy diệt: Con người là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm tại các thủy vực và chỉ có họ mới có thể làm thay đổi cục diện.

Thực tế cho thấy, các giải pháp hóa sinh, vi sinh hoặc lọc cơ giới dù có tốt đến đâu đi nữa cũng chỉ là giải pháp tạm thời, không bền vững. Con cá và các sinh vật thủy sinh mới tạo ra cơ hội để hệ thống xử lý mang tính bền vững. Sự bền vững này là có điều kiện. Nếu việc quản lý không đáp ứng được các điều kiện mang tính quy luật của tự nhiên thì mọi nỗ lực đều trở nên vô ích.

Làm sao cân đối được đầu vào và đầu ra? Làm sao để cá và sinh vật thuỷ sinh không bị hủy hoại và thực hiện được đúng chức năng môi trường của nó? Vấn đề này hiện đang gây tranh cãi và bị cản trở bởi tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Cần một chính sách mới để mô hình quản lý tiên tiên tiến đi vào cuộc sống. Chính sách sẽ tạo ra sức mạnh, tạo nguồn lực, hình thành cơ chế vận hành và điều tiết hợp lý lợi ích của các bên liên quan.

Xin nhấn mạnh rằng, một mô hình “đồng quản lý” dựa vào sức dân nên được coi trọng.

Trong thời gian qua, nhóm dự án hồ Văn đã sử dụng bộ giải pháp tổng hợp, bao gồm việc sử dụng các chế phẩm thân thiện LTH100 của Công ty Xanh, thuộc Khu Công nghệ cao Hòa Lạc và EB01 để bước đầu cải tạo chất lượng nước và biến dinh dưỡng thành thức ăn tiềm năng của thuỷ sinh vật; thả cá tiêu thụ thức ăn sản sinh từ nước thải (chính lượng cá này đã hoạt động như một hệ thống lọc sinh học để bảo vệ môi trường bền vững); tăng sức tải tự thân của các thuỷ vực bằng các giải pháp kỹ thuật như sử dụng cơ cấu thuỷ sinh và chế phẩm hợp lý, bổ xung quạt nước…như các mô hình nuôi thủy sản cao sản, đang được xem là giải pháp hợp lý và kinh tế nhất hiện nay.

Ngoài ra, với nhiều thủy vực nội đô, cần chú ý giảm áp lực thông qua việc quản lý chất thải đầu nguồn. 

Cuối cùng, một giải pháp vô cùng quan trọng trong mô hình hồ Văn cũng cần được chú trọng khi triển khai cho các thủy vực khác, đó là phải tìm được một người chủ thực sự cho thuỷ vực.

Thay lời kết

Từ trước đến nay, người ta đã tranh luận rất nhiều về ô nhiễm nước nội đô. Tuy nhiên, chỉ mãi gần đây lý thuyết mới đi vào thực tế, giải pháp tổng hợp đã xử lý thành công nước hồ Văn.

Khuôn viên hồ Văn giờ đây đã trở thành một không gian xanh và được cộng đồng đánh giá cao.
Phải chăng đã đến lúc Hà Nội thiết lập một mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ quản lý thủy vực nội thành, nhằm cập nhật kịp thời các giải pháp khả thi và tập hợp chuyên gia giúp đưa nhanh nhẩt các tiến bộ phù hợp vào cuộc sống.

Phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng nếu có tổ chức và quyết tâm, với những bài học tốt đầu tiên, chắc chắn môi trường của các thuỷ vực nội thành sẽ được cải thiện tốt hơn!