ThienNhien.Net – Theo Bộ Công Thương, giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 1 đạt 50.644 tỷ đồng, giảm 8,6% so với tháng 12/2008 và giảm 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực quốc doanh Trung ương giảm 10,3%, khu vực quốc doanh địa phương giảm 11,4 %, khu vực ngoài quốc doanh có mức giảm thấp nhất là 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Mặt bằng xuất khẩu sụt giảm
So với tháng 1/2008, duy nhất mặt hàng gạo tăng cả về lượng và giá trị (lượng tăng 229%, giá tăng 254%), còn lại các mặt hàng nông sản khác như cà phê, nhân điều, chè lượng xuất khẩu đều giảm khoảng từ 20-30% và giá xuất khẩu giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giầy, hàng điện tử, linh kiện máy tính, kim ngạch xuất khẩu đều giảm 20-30%.
Vì vậy hết tháng 1 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 3,8 tỷ USD, giảm 24,2% so với cùng kỳ và giảm 18,6% so với tháng 12/2008.
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm đã làm cho các ngành như dệt may, hàng điện tử, sản phẩm gỗ gặp khó khăn trong việc ký kết hợp đồng mới. Mặt hàng chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt nam là dầu thô cũng gặp khó khăn khi tìm kiếm khách hàng vì giá dầu thế giới giảm, tình hình thế giới nhiều biến động.
Thực hiện các biện pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho tháng 2, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp thuộc Bộ tiếp tục triển khai nghiêm túc Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế.
Các đơn vị quán triệt tinh thần đổi mới phương thức điều hành thực hiện kế hoạch 2009 quyết liệt, linh hoạt, bám sát tình hình thực tế để chủ động đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và trình cấp có thẩm quyền quyết định.
7 doanh nghiệp đạt cao hơn cùng kỳ
Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu tác động tới sản xuất, kinh doanh trong nước nhưng một số ngành do công tác chuẩn bị tốt nên ngay từ đầu năm đã đạt được mức tăng trưởng.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, trong số các doanh nghiệp thuộc Bộ, tháng 1 có 7 doanh nghiệp đạt cao hơn so với cùng kỳ là: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty Máy động lực và máy nông nghiệp, Công ty Cổ phần nhựa Việt Nam, Tổng Công ty Máy và Thiết bị công nghiệp, Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do đưa 4 mỏ dầu và 1 mỏ khí vào khai thác từ cuối năm 2008 nên sản lượng khai thác dầu thô và condensate tháng 1 đạt 1,54 triệu tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Ngành dầu khí hiện đang nỗ lực triển khai công tác khai thác, tìm kiếm thăm dò, đảm bảo kế hoạch năm đề ra.
Đối với ngành Rượu bia-nước giải khát, tháng 1, doanh nghiệp có tốc độ tăng sản lượng cao nhất hiện nay là Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn, tăng xấp xỉ 15%, kim ngạch xuất khẩu bia chai và bia lon của Tổng Công ty tăng trên 40% so với cùng kỳ. Tiêu thụ rượu các loại của Công ty cổ phần Cồn – Rượu Hà Nội cũng tăng trên 75%.
Đối với ngành cơ khí, các sản phẩm biến thế điện và dây cáp điện tiêu thụ tốt nên vẫn giữ được sản lượng, sản xuất ổn định và đạt mức tăng trưởng 15,2% so với cùng kỳ.