ThienNhien.Net – Gôn hẳn là một thú tiêu khiển tuyệt vời đối với nhiều người. Nhưng môn thể thao tưởng như thân thiện với môi trường này trên thực tế lại để lại nhiều hệ lụy cho môi trường tự nhiên. Việc xây dựng sân gôn, việc sử dụng nước tưới cỏ sân gôn, việc sử dụng thuốc trừ sâu để giữ thảm cỏ sân gôn luôn xanh mượt và không có cỏ dại đã ảnh hưởng rất nhiều đến môi sinh.
Ngày nay, hơn 140 quốc gia trên toàn thế giới có sân gôn và khoảng 600 sân đang được xây dựng. Nhưng không phải nơi đâu cũng phù hợp để xây dựng sân gôn như ở Scotlen, nơi môn thể thao này ra đời. Ở các quốc gia mà gôn đã có chỗ đứng như Anh, Mĩ, Ai-len và Úc, sự phát triển của gôn đang chậm dần trong khi môn thể thao này lại đang vươn lên mạnh mẽ ở những quốc gia khác, kể cả những đất nước nhiệt đới và những vùng khô cằn nhất trên trái đất này.
Xây dựng sân gôn
Xây dựng một sân gôn tốn khoảng từ 4 đến 6 triệu bảng Anh và phải di chuyển một khối lượng đất khổng lồ. Công nghệ gôn càng cao, lượng đất phải xúc đi càng nhiều. Công nghệ gôn ở đây bao gồm từ máy xúc đất cho đến các cây gậy và quả bóng giúp người chơi đánh xa hơn.
Theo Viện Quan sát Quốc tế, một số sân gôn lớn phải di chuyển đến 750.000 m3 đất. Ở Cộng hòa Đominica, trong khuôn khổ công trình khu nghỉ mát Cap Cana, 3 sân gôn được tạo hình theo chữ kí của Jack Nicklaus đã phải san phẳng khoảng 14 nghìn ha rừng gỗ anh đào trước khi xây dựng.
Một sân gôn trung bình rộng khoảng 30 ha, tương đương với khoảng 1 triệu ha đất dành cho môn thể thao này trên toàn thế giới, mặc dù phần nhiều bây giờ đang bị bỏ hoang.
Sử dụng nước tưới cỏ sân gôn
Gôn là môn thể thao “tốn nhiều nước” nhất trên thế giới. Các sân gôn trên thế giới sử dụng khoảng 9,5 tỉ lít nước mỗi ngày để giữ cho cỏ được xanh – đủ để cung cấp nhu cầu nước cho 4/5 dân số trong một ngày. Những sân gôn ở Mĩ ước tính tiêu tốn khoảng trung bình hơn một triệu lít nước mỗi ngày. Riêng ở Las Vegas, mỗi sân cần hơn mười triệu lít nước.
Joan Taylor, phó chủ tịch Ủy ban California/ Sa mạc Nevada thuộc tổ chức môi trường Sierra Club, tin rằng nguồn nước sử dụng cho sân gôn ở những vùng khô hạn không những sẽ không được bảo vệ bền vững mà đang dần cạn kiệt. Bà cho biết, tại khu vực Palm Springs, một khối lượng nước khổng lồ được dùng để tưới các sân gôn. Gần 2 triệu lít nước sử dụng cho một sân gôn trong một ngày, trong khi có tới 100 sân gôn tại khu vực. Không những đó là một sự lãng phí nước không thể tính toán hết được mà còn tạo ra sự mất cân bằng cho Palm Springs, bởi phía Nam California là sa mạc và nguồn cung cấp nước chủ yếu cho vùng là băng tuyết thì lại đang dần bị thu hẹp.
Do nhu cầu về nước sinh hoạt của người dân khá cao, việc sử dụng nước thải đã qua xử lý cho sân gôn có thể hiệu quả hơn về mặt kinh tế. Nhưng nếu chất lượng nước quá thấp hoặc hàm lượng muối quá cao có thể làm hỏng lớp cỏ bề mặt – nghĩa là sẽ gây ra nhiều khó khăn trong việc ghi điểm của người chơi.
Nhiều loại cỏ mới thích nghi được với điều kiện ít nước đang được sử dụng nhiều hơn, như giống cỏ “paspalum” mọc gần bờ biển, một giống cỏ lai trữ muối, có thể được tưới bằng nước thải đã qua xử lý hay nước có chứa muối. Nhưng ở các nước như Ai Cập, Ả Rập Saudi và Cộng hòa Đôminica thì những ứng dụng này vẫn là một sự lãng phí theo khía cạnh nào đó. Ví dụ, ở Cộng hòa Đôminica, hạn hán thường xuyên xảy ra và một nửa dân số nước này sống trong đói nghèo, trong khi lại có đến 24 sân gôn, nhiều nhất trong các nước thuộc vùng Caribe.
Sử dụng thuốc trừ sâu
Viện Quan sát quốc tế đã ước tính rằng lượng thuốc trừ sâu được sử dụng ở các sân gôn nhiều gấp 6 lần lượng sử dụng cho đất nông nghiệp. Không những vậy khối lượng lớn phân bón mà các sân gôn cần còn gây ra hiện tượng dư chất cho lớp nước bề mặt.
Năm 1994, trường đại học Y dược Lowa sau khi xem xét giấy chứng tử của hơn 600 nhân viên giám sát sân gôn đã phát hiện ra rằng một tỉ lệ rất cao trong số đó chết bởi các bệnh ung thư liên quan tới các loại độc tố có trong thuốc trừ sâu bao gồm ung thư não và mất khả năng miễn dịch. Jim Snow, giám đốc của Hiệp hội chơi Gôn Mỹ (USGA), cũng từng đưa ra lời cảnh báo rằng số lượng người chơi sẽ ít đi bởi họ rất e ngại những chất độc có ở sân gôn.
Thực tế là các sân gôn hiện nay sử dụng ít chất hóa học và thuốc trừ sâu hơn trước đây, nhưng việc đó vẫn chưa đủ để làm môn thể thao này trở nên “xanh” thật sự – kể cả đôi khi nó đã được chứng nhận là “xanh”.
Mario Rodrigues, một nhà nghiên cứu về môn thể thao gôn và là biên tập viên của tạp chí thể thao tại Mumbai nói rằng các chất hóa học là một phần của việc chăm sóc sân gôn: “Các nền công nghiệp đều có liên quan đến nhau, đặc biệt là ở Mĩ, nếu những dự án về xây dựng sân gôn mới vẫn sử dụng một lượng lớn các thành phấn hóa học, môn thể thao này vẫn tiếp tục tạo ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường. Những nỗ lực để quản lý những mặt tiêu cực của nó sẽ chỉ là một phần và câu hỏi tại sao thuốc trừ sâu sử dụng cho sân gôn không thể bị loại bỏ hoàn toàn hoặc loại bỏ nhiều nhất có thể sẽ không được đặt ra”.
Liệu có biện pháp nào giữ cho sân gôn không mọc cỏ dại mà lại dùng ít thuốc trừ sâu hơn? Công ty Scotts Miracle-Gro cho rằng họ đã tìm ra giải pháp. Câu trả lời của công ty này chính là dựa vào những loại cỏ đã được biến đổi gen chỉ cần dùng duy nhất một loại thuốc trừ sâu, với hy vọng rằng có thể dẫn đến việc thôi dần sử dụng chất hóa học trong khi vẫn có khả năng bảo vệ được lớp cỏ trên bể mặt sân. Loại thuốc trừ sâu đó được gọi là Roudup.
Creeping Bentgrass và Kentucky Bluegrass là hai loại cỏ biến đổi gen được nghiên cứu riêng cho sân gôn có sức sống dẻo dai và dễ nhân giống. Vượt qua được sự kiểm tra của Bộ Nông nghiệp Mỹ, hai loại cỏ này đã được trồng thử ở khu vực Oregon vào năm 2003. Và loại cỏ này đang được xem xét để được trồng thử tại Vườn cỏ Quốc gia.
Tuy nhiên, vì phấn hoa từ các loại cỏ có thể phát tán rất xa, người ta sợ rằng các loài cỏ tự nhiên sẽ nhiễm độc, tạo ra những loài cỏ đặc biệt với sức kháng cự mạnh hơn với thuốc trừ sâu và cần nhiều chất hoá học độc hại hơn để giải quyết vấn đề này. Năm 2004, các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng các loại cỏ biến đổi gen có thể phát tán phấn hoa xa tới 13 dặm và trền khoảng hơn 300 ha. Trong một nghiên cứu mới 2 năm gần đây, 9 loại cỏ biến đổi gen đã được tìm thấy trong những khu vực lân cận và nơi xa nhất lên đến 3 dặm.
Gôn là một môn thể thao xa xỉ chỉ dành cho giới thượng lưu. Những con đường trải nhựa láng bóng, những phòng chơi điều hòa mát lạnh chỉ dành cho những ai có thể kham nổi lệ phí thành viên. Điều khiến sân gôn trở nên hút khách chính là quang cảnh xung quanh: địa điểm càng đẹp càng thu hút được nhiều “khách xộp”. Dọc theo Garden Route, nằm ở đỉnh phía Nam của Nam Phi, giá đất ở đây đã tăng gấp 3 trong vòng 5 năm trở lại, do cơn sốt xây dựng những khu nghỉ cao cấp. Để trở thành thiên đường chơi gôn, người ta đã đặt môi trường vào một tình thế nguy hiểm mặc dù niềm vui mà những sân gôn mang lại chẳng đáng là bao và số lượng sân gôn đích thực còn ít ỏi hơn.