ThienNhien.Net – Ngày 21/1/2009, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia đã tổ chức lễ bàn giao thiết bị mô hình: "Ứng dụng cơ giới hoá tổng hợp trong sản xuất lúa" đến các hộ nông dân thôn Vị Hạ xã Trung Lương, huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam.
Mô hình này có quy mô 30 ha (83,4 mẫu) với 92 hộ nông dân tham gia. Tổng dự toán kinh phí thiết bị xây dựng mô hình là 392 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 181.480.000 đồng, nông dân đóng góp 210.520.000 đồng.
Trung tâm KN – KNQG hỗ trợ kinh phí xây dựng mô hình theo chính sách khuyến nông (50% thiết bị, 30% công cụ, dụng cụ). Theo tính toán, với quy mô 30ha, cần: 10 máy làm đất, Nhà nước hỗ trợ 5 máy; 20 dụng cụ sạ hàng, được hỗ trợ 7 chiếc; 10 máy phun thuốc trừ sâu, hỗ trợ 5 máy; 2 máy bơm nước, hỗ trợ 1 máy; 01 máy gặt đập liên hợp, hỗ trợ 50% giá trị.
Trước ngày bàn giao thiết bị, Trung tâm đã có buổi họp thảo luận, thống nhất các nguyên tắc, nội dung triển khai mô hình “Ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp”.
Theo đó, các hộ tham gia mô hình tự nguyện tham gia sản xuất theo phương thức Tổ hợp tác (ghép ruộng, cùng sản xuất, phân chia sản lượng lúa theo diện tích). Đối với các hộ có diện tích dưới 3 sào/mảnh (360m2/sào) phải tiến hành ghép với hộ bên cạnh, đảm bảo tối thiểu 5 sào/mảnh.
Việc lựa chọn giống lúa canh tác trên từng cánh đồng sẽ được thống nhất trong cuộc họp với toàn thể các hộ nông dân. Nông dân tự nguyện đóng góp kinh phí đối ứng tham gia mô hình. Đối với các hộ trực tiếp quản lý, vận hành các thiết bị (máy làm đất, dụng cụ sạ hàng, máy phun thuốc trừ sâu, máy gặt đập liên hợp) sẽ đóng góp bổ sung đủ để mua sắm, quản lý, vận hành thiết bị.
Thành lập đội cơ giới bao gồm 18 thành viên là đại diện của các hộ trực tiếp quản lý vận hành thiết bị… Việc điều tiết nước tưới tiêu do Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo chủ động hoàn toàn nước tưới, tiêu úng cho khu vực xây dựng mô hình. Trong quá trình triển khai mô hình, Trung tâm KN – KNQG sẽ cử cán bộ thường trực tại thôn để hỗ trợ kỹ thuật.
Tại lễ bàn giao thiết bị, Ông Nguyễn Thanh Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm KN – KNQG cho biết: “Mô hình không chỉ hỗ trợ về kỹ thuật trồng trọt, kỹ thuật quản lý vận hành các thiết bị nông nghiệp, nghiệp vụ quản lý tổ kinh tế mà khi đi vào hoạt động sẽ giảm đáng kể công lao động trong sản xuất lúa, giải quyết được vấn đề thiếu lao động nông nghiệp, tạo được vùng sản xuất tập trung theo từng giống lúa, phát triển thành vùng chuyên sản xuất lúa hàng hoá. Bên cạnh đó sẽ khắc phục được tình trạng ruộng đất manh mún mà không cần phải dồn điền đổi thửa, một số hộ có ruộng liền kề sẽ hợp tác với nhau phá bờ thửa để thành một ruộng lớn đủ điều kiện để áp dụng cơ giới hoá. Giúp bà con nông dân nói chung, nông dân thôn Vị Hạ nói riêng có cơ hội đẩy mạnh sản xuất, xoá đói, giảm nghèo vươn lên làm giàu”.
Qua trao đổi với một số hộ nông dân cho thấy bà con nông dân rất đồng tình ủng hộ, và phấn khởi khi nhận được các trang thiết bị, dụng cụ cùng sự hướng dẫn kỹ thuật sử dụng của cán bộ Trung tâm.