ThienNhien.Net – Các bạn có thể tưởng tượng nổi căn nhà tôi đang sống giữa trung tâm thủ đô Hà Nội văn minh, có 10 hộ dân “chui rúc” chật hẹp mà có đến 12 chiếc bếp than làm bằng bông amiăng thuỷ tinh, hằng ngày phả phun chất độc giết dần chúng tôi. Có lẽ cứ đà này chúng tôi, già trẻ lớn bé khoảng 40 người, sẽ chết dần vì suy hô hấp trước khi chết “chính thức” vì ung thư phổi. Hiện tất cả người dân trong căn nhà nhỏ bé này đang khò khè, khó thở liên tục phải nhập viện vì bệnh đường hô hấp.
Vì thiếu thông tin, cách đây 3 năm chính tôi là người mua dùng và cổ vũ cho các hộ khác cũng dùng bếp than tổ ong làm bằng bông amiăng thủy tinh do tính hiệu quả, tiết kiệm mà bếp bông đem lại. Nhưng sau đó tôi thấy loại bếp này phát triển quá mạnh. Có thể thấy hàng ngày trên hàng trăm xe đạp thồ đèo bán bếp bông rong ruổi khắp Hà Nội quảng cáo là bếp Siêu Nhẹ, Siêu Tốc, Bông Lòng Gốm, Hoả Tốc, Lửa Thần, Con Cò vv… có đến hàng trăm loại bếp tên gọi khác nhau của nhiều hãng nhưng bếp Con Cò là phát triển mạnh nhất, gây nhiều ấn tượng bởi các chương trình quảng cáo nên bà con gọi chung là bếp bông Con Cò.
Qua đun thử và tìm hiểu tôi đã thấy ngay mặt trái của vấn đề có thể gây tác hại đến sức khoẻ. Tôi đã cố gắng nhưng không đủ sức thuyết phục bà con từ bỏ loại bếp này ngay trong nhà vì sức hấp dẫn về kinh tế và tính tiện dụng của bếp này là quá lớn nên đành bất lực cố chịu đựng với hi vọng một ngày nào đó báo chí và các nhà khoa học – môi trường sẽ “đụng chạm” tới vấn đề này. Suốt 3 năm nay, tôi luôn trăn trở và lo âu.
Cách đây khoảng 1 tháng tôi đã được đọc các bài báo về tác hại của loại bếp này, tôi cố gắng thuyết phục mọi người nhưng 12 chiếc bếp trong khu nhà tôi ở vẫn y nguyên. Ngoài đường phố Hà Nội cũng vậy, bà con nói rằng chưa biết thông tin chính thức tác hại của bếp bông trên phương tiện thông tin đại chúng nên vẫn cố dùng, có thể thấy ở nhiều vỉa hè Hà Nội đầy rẫy bếp bông. Tôi cố thuyết phục trong xóm nơi tôi ở mãi mà không được vậy thì việc thay đổi thói quen của cả xã hội sẽ khó khăn tới nhường nào?
Đun nấu là việc thiết yếu hàng ngày. Than tổ ong tỏ ra hiệu quả về kinh tế trong hoàn cảnh hiện nay còn nhiều người nghèo, các chất đốt khác đều có giá thành. Nhưng đúng là “Chưa thấy quan tài chưa nhỏ lệ”. Cả một thế hệ người Việt Nam sẽ bị huỷ hoại vì ung thư – cái chết là nhãn tiền. Tôi thì đã già nhưng còn con cháu của chúng tôi thì sao? Tôi rất buồn không lẽ mình đi bộ đội chống Mỹ không chết mà sẽ chết trong hoà bình vì mấy chiếc bếp than này?
Lòng tôi ấm ức khôn nguôi, phải quyết tâm để cứu gia đình mình và những người dân lành vô tội trước hiểm hoạ tự rước này. Qua tài liệu nhờ người quen tìm giúp, tôi được biết chính ông Đặng Công Thắng – giám đốc công ty Lửa Việt (bếp Con Cò) khẳng định rằng: “Hiện nay hầu hết các bếp than tổ ong trên thị trường đều dùng loại bông khoáng amiăng thuỷ tinh. Đây là một chất gây ung thư và được bán rất rẻ khoảng 2000 đ/kg.” (Trích Báo Khoa học – Đời sống). Biết đâu, đó chính là nguồn bông phế thải nên giá mới rẻ vậy.
Cũng dễ hiểu, một phần do chính quyền chưa “đủ sức” quản lý các sản phẩm mới chặt chẽ, khoa học, nông dân chúng ta thiếu thông tin về amiăng. Việc áp dụng để bảo ôn bếp rất hiệu quả ở một vùng quê của một nông dân trẻ tự nghĩ chế tạo ra và vươn lên phát triển mạnh mẽ, tạo việc làm cho nhiều người lúc nông nhàn được coi là 1 thành tích tiết kiệm – tái sinh. Chính họ cũng không ngờ đây là một áp dụng phản khoa học cực kỳ nguy hiểm cho con người và môi trường (theo PGS-TS Lê Văn Trình – Viện trưởng Viện KHKT bảo hộ lao động).
Các nước tiên tiến trước năm 70 của thế kỷ trước đã hết lời ca ngợi amiăng, coi nó như một vật liệu lý tưởng để bảo ôn – làm tấm lợp – dệt quần áo vv… Chỉ khi những người tiếp xúc trực tiếp với amiăng bị ung thư phổi tăng đột biến, các nhà khoa học vào cuộc thì mới vỡ lẽ và bị cấm triệt để. Họ đã sai lầm chúng ta cũng đã sai lầm.
Có lẽ bếp Con Cò tìm hướng để chuyển sang bông mới 10.000 đ/kg (vì bông cũ đã bị lộ và bông phế thải cạn dần). Nhưng tôi xin lưu ý rằng bông khoáng thường là thuỷ tinh Ceramic – Silíc – Cacbon dạng sợi. Tuy khoa học chưa chứng minh tính độc hại về phương diện hoá học, nhưng ở góc độ y học làm bếp sẽ để bụi que bay ra môi trường, làm suy hô hấp cũng là tác nhân góp phần gây ung thư khi phổi mất sức đề kháng.
Điều cần thiết là phải có một lệnh cấm triệt để tất cả các loại bếp có sử dụng bông khoáng bảo ôn vì chúng ta không thể có cách nào khác quản lý tận gốc việc sản xuất bếp bông do chênh lệnh giữa 10.000 đ/kg với 2000 đ/kg là 1/5, là siêu lợi nhuận. Nhà sản xuất không dễ dàng bỏ qua. Hơn nữa ngoài công ty trách nhiệm hữu hạn Lửa Việt còn hàng trăm cơ sở sản xuất tư nhân khác đang sản xuất phân tán ở khắp nơi đều tham gia thị trường bếp bông, Con Cò chỉ là một tiêu biểu không nên đổ hết tội cho họ. Chính phủ nên xem xét đến một lệnh cấm sản xuất và sử dụng bếp than tổ ong như lệnh cấm: sản xuất và đốt pháo nổ. Vì xã hội đã văn minh, bếp than nên để về quá khứ.
Lúc này rất cần các nhà khoa học chân chính lên tiếng để “mổ xẻ” vấn đề bếp bông và lương tâm đạo đức của nhà sản xuất, tìm hướng xử lý khắc phục.