ThienNhien.Net – Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature của Anh cuối năm 2008, các nhà khoa học đã công bố phát hiện mẫu hóa thạch của một loại rùa cổ còn khá nguyên vẹn từ cách đây 220 triệu năm tại khu vực núi đá tỉnh Quế Châu, Trung Quốc – rùa nước <i>Odontochelys semitestacea</i>. Việc phát hiện mẫu hóa thạch của loài rùa này đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về sự tiến hóa của loài rùa, đặc biệt đã trả lời cho cuộc tranh luận dai dẳng lâu nay trong giới khoa học: Mai rùa hình thành như thế nào?
Loài rùa Odontochelys semitestacea có răng và mai chưa hoàn thiện. Lớp mai của chúng được hình thành từ xương sườn và xương sống chứ không phải từ da, như một số nhà khoa học từng kết luận.
Ngược dòng thời gian
Từ 65 triệu năm trước, loài rùa đã có hình dạng khá giống với loài rùa ngày nay. Trên thực tế, một phát hiện khác mới đây về loài rùa cổ đã cho thấy chúng hầu như không có thay đổi đáng kể qua 164 triệu năm.
Loài rùa mang một lớp vỏ phía trên trông giống như lớp áo giáp, vẫn được gọi là mai rùa, gắn liền với phần thân mềm hơn ở phía dưới bụng được gọi là yếm. Nhưng do thiếu các bằng chứng thuyết phục, từ đầu thế kỷ 19 các nhà khoa học vẫn tranh cãi một vấn đề: “Ngôi nhà di động” của loài rùa được hình thành như thế nào?
Một số ý kiến cho rằng lớp mai rùa được hình thành từ da. Theo giả thuyết này, những chiếc xương đĩa nhỏ được gọi là lớp sừng – giống như ở loài cá sấu – đã phát triển rộng ra thành một lớp da bọc bên ngoài mà qua thời gian sẽ gắn liền với các xương sườn tạo thành lớp mai bảo vệ rùa.
Bằng chứng tiến hoá
Một giả thuyết đối lập khác lại cho rằng lớp yếm được hình thành trước, sau đó xương sườn và xương sống phát triển rộng ra tạo thành lớp mai cứng. Loài rùa có thể rụt cổ vào trong lớp mai này để tránh những con thú ăn thịt.
Một quá trình tương tự cũng diễn ra khi phôi rùa phát triển thành rùa con.
Nhà nghiên cứu cổ sinh học Xiao-chun Wu thuộc Bảo tàng Tự nhiên Canada tại Ottawa, đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: “Với phát hiện về rùa Odontochelys, chúng tôi đã có những bằng chứng rõ ràng về quá trình tiến hoá ở một con rùa trưởng thành.”
Rùa cổ đại sống dưới nước
Nhóm các nhà khoa học của Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Triết Giang tại Hàng Châu, Trung Quốc dẫn đầu bởi ông Lau Li-Jun cũng cho rằng những phát hiện mới chứng tỏ rằng loài rùa có nguồn gốc dưới nước.
Việc loài rùa nước cổ đại Odontochelys semitestacea chỉ có một nửa bộ mai trên lưng nhưng lại có một bộ yếm hoàn chỉnh như các loài rùa ngày nay cho thấy trước đây khi sống ở dưới nước chúng dùng yếm để đối đầu với kẻ thù.
Olivier Rieppel – đồng tác giả nghiên cứu thuộc Bảo tàng Field tại Chicago cho rằng: “Các loài bò sát sống trên cạn, bụng gần với mặt đất nên gặp ít nguy hiểm hơn khi đối mặt với kẻ thù.”
Ngoài hóa thạch về loài rùa cổ, các nhà khoa học cũng đã phát hiện hóa thạch của một số loài bò sát biển và động vật không xương sống khác ở vùng núi đá này.