Đa-nuýp không còn xanh

ThienNhien.Net – Chảy qua 10 quốc gia và vùng lãnh thổ của 19 quốc gia, Đa-nuýp được coi là con sông “quốc tế” nhất trên thế giới. Ngoài 83 triệu người đang sống trên lưu vực sông, Đa-nuýp còn là nơi cư ngụ của nhiều loài động thực vật quý hiếm. Tuy nhiên, môi trường và hệ sinh thái nơi đây đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các hoạt động của con người.

Trên chặng đường dài 2780 km từ khu rừng Đen của Đức đến Biển Đen, lưu vực Đa-nuýp là môi sống tự nhiên phong phú nuôi dưỡng một hệ sinh thái đa dạng vào bậc nhất. Lưu vực Đa-nuýp có hơn 100 loài cá khác nhau, bao gồm 5 loài cá tầm, và là môi trường sống của các loài chim quý hiếm như bồ nông trắng, đại bàng đuôi trắng, cò đen.

Trong khi các khu vực rộng lớn của thượng nguồn Đa-nuýp ở Áo và Đức đã bị điều chỉnh dòng chảy, trung và hạ lưu sông Đa-nuýp vẫn duy trì được một hệ sinh thái giàu có, vốn đã bị mất đi ở các hệ thống sông khác của châu Âu. Những bãi bồi nơi đây mang lại rất nhiều lợi ích sinh thái với vai trò lọc nước, chống lụt, phát triển nghề cá, du lịch và là các đầm lầy giàu dinh dưỡng.

Lịch sử con sông

Hơn 150 năm trước, sông Đa-nuýp đã bị lạm dụng quá mức. Việc xây dựng kè đê, đập ngăn nước và nạo vét lòng sông đã ảnh hưởng trực tiếp đến các khu vực rộng lớn của sông. Hơn 80% đất đầm lầy của Đa-nuýp đã biến mất, cùng với nó là sự mất đi tính phong phú của loài cá và các loài khác sống phụ thuộc vào đầm lầy.

Gần 2 thập kỷ qua, ô nhiễm đã giảm đáng kể. Các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, việc quản lý và đầu tư hàng loạt hệ thống cống rãnh, xử lý rác thải đã trở thành tiêu chí của EU, đặc biệt là đối với các nước thành viên mới.

Hoạt động hiệu quả của Uỷ ban Quốc tế Bảo vệ sông Đa-nuýp (ICPDR) và Hiệp định khung về quản lý tài nguyên nước của EU đã mang lại những thay đổi tích cực cho môi trường và hệ sinh thái nơi đây. Rất nhiều bãi bồi xưa kia và các khu vực đầm lầy đã được khôi phục, mang lại những lợi ích không chỉ về hàng hải, du lịch, mà cả vấn đề quản lý tài nguyên nước và hạn chế lũ lụt.

Năm 2006, Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) đã xuất bản một công trình nghiên cứu về ý nghĩa của việc tái tạo khu vực đầm lầy đối với việc giảm lũ lụt trên lưu vực Đa-nuýp.

Đa-nuýp đã vượt qua những thập niên bị lạm dụng. Ngày nay, con sông đã được kiểm soát trên diện rộng và rất nhiều các điểm nóng về môi trường đã được phát hiện. Song, ngoài những thành công đáng ghi nhận về bảo vệ môi trường, con sông vẫn phải đối mặt với nhiều những thách thức mới.

Môi trường sống của loài cá tầm đang bị thu hẹp

Thời Trung cổ, loài cá tầm Beluga khổng lồ có kích thước bằng một chiếc xe buýt nhỏ đã di cư đến vùng lưu vực sông Đa-nuýp của Đức. Ngày nay những con đập ở thượng nguồn đã cắt lìa tuyến đường di cư của cá tầm. Các con đập trên sông Đa-nuýp giữa Xéc-bi và Ru-ma-ni cũng là hàng rào chặn đứng luồng di cư dài 2000 cây số từ biển Đen đến Xlô-va-ki-a của loài cá này.

WWF hiện nay đang kết hợp với ICPDR và các chính phủ Xéc-bi,̀ Ru-ma-ni để nghiên cứu các giải pháp khai thông con đường cho cá tầm và các loài khác. Một kế hoạch bảo tồn loài cá tầm trên sông Đa-nuýp đã được ICPDR thông qua.

Việc mở đường cho loài cá tầm đến lưu vực rộng là vấn đề sống còn cho thành công của bất cứ kế hoạch nào nhằm bảo tồn loài cá này. Điều đó đòi hỏi khai thông tuyến đường tại các đập và các hàng rào ngăn sự di chuyển của loài cá tầm, đồng thời áp dụng các biện pháp duy trì và khôi phục môi trường sống và sinh sản của chúng.

Phát triển thiếu bền vững

Bất chấp các nỗ lực bảo tồn, loài cá tầm và hệ sinh thái bền vững của sông Đa-nuýp vẫn đang bị đe dọa. Một trong những mối đe dọa lớn nhất hiện nay đến từ kế hoạch kè đê và nạo vét dòng sông cho các tàu lớn qua lại của EU và chính phủ các nước.

Đa-nuýp  là một phần của hệ thống vận tải liên EU, vì thế các dự án cơ sở hạ tầng mới đe doạ rất nhiều đến khu vực dòng chảy tự do còn lại của sông, đồng thời là những khu vực sinh thái có giá trị. Các khu vực đầm lầy quan trọng trải dài 1000 km của sông có thể bị phá huỷ nếu những kế hoạch này được thực hiện.

Tháng 12/2007, đại diện chính phủ các nước nằm trên lưu vực sông Đa-nuýp , Uỷ ban Châu Âu và các nhóm vận động hành lang ngành hàng hải cùng nhóm ủng hộ bảo tồn sông Đa-nuýp, bao gồm cả WWF, đã thông qua một điều khoản chung về phát triển ngành hàng hải bền vững thân thiện với môi trường trên sông Đa-nuýp . Tuy nhiên, thực tế lại đang đi ngược lại điều khoản này. Những dự án về hàng hải đang được tiến hành trên sông Danube khiến người ta có ít lý do để lạc quan.

Kế hoạch của chính phủ Ru-ma-ni nhằm phát triển hàng hải giữa Ca-la-ra-si và Brai-la có thể sẽ cắt những tuyến đường di cư quan trọng nhất của loài cá tầm Đa-nuýp một cách không đáng có và phá huỷ các khu vực tự nhiên có giá trị cao.

Trong lúc ấy, kế hoạch dựng đập của bang Bavaria trên phần dòng chảy tự do còn lại của Đa-nuýp tại Đức giữa Xtrau-binh và Vi-xô-phen cũng vấp phải sự phản đối trong mấy tháng gần đây. Đáp lại, các bộ trưởng ngành vận tải và môi trường của Đức đã nhấn mạnh rằng chỉ được phép phát triển ngành hàng hải dựa trên việc điều chỉnh dòng chảy, và không được xây dựng đập.

Gần hơn là dự án nạo vét lòng sông và dẫn nước trực tiếp đến các đồng bằng cửa sông của vùng châu thổ Đa-nuýp, nơi đang dần dần khô cạn. Dự án này tiêu biểu cho sự thỏa hiệp đánh đổi giữa lợi nhuận kinh tế và môi trường.

Chính phủ U-crai-na cũng vừa bắt đầu xây dựng một dự án đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Một con kênh hàng hải dành cho tàu thuyền lớn sẽ chạy qua trái tim của châu thổ Đa-nuýp, khu vực đầm lầy tự nhiên lớn nhất còn sót lại của châu Âu. Bất chấp sự phản đối của quốc tế rằng con kênh đang vi phạm các hiệp ước quốc tế về bảo tồn tự nhiên, giai đoạn đầu của dự án đã được tiến hành. Nếu dự án được tiếp tục, con kênh sẽ gây nên những tổn thất đáng kể cho châu thổ Đa-nuýp trên cả lưu vực U-crai-na và Ru-ma-ni.

Nếu việc chuyên chở trên sông thực sự được thúc đẩy như một phương thức giao thông thân thiện môi trường, thì bắt buộc phải cân bằng giữa bảo tồn và sử dụng nguồn nước. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một đánh giá chiến lược nào về ảnh hưởng của các dự án trên sông Đa-nuýp đối với môi trường và hệ sinh thái. Thiếu sự đánh giá đó, phát triển bền vững vẫn còn là một viễn cảnh và tương lai của con sông vẫn còn rất mơ hồ.

Ngành hàng hải hiện tại vẫn có thể phát triển một cách đáng kể với các phương pháp “mềm” như phát triển hậu cần, hiện đại hóa tàu thuyền và phát triển hệ thống thông tin liên lạc, thay vào việc phải hy sinh phần lớn các khu vực đầm lầy có giá trị và các lợi ích khác.

Lưu vực sông Đa-nuýp đã phát triển vượt bậc sau 2 thập kỷ qua – xét về khía cạnh môi trường thì sự phát triển ấy bao hàm cả nghĩa tích cực và tiêu cực.

Thế giới đang vay lạm vào hệ sinh thái, bởi các nhu cầu của con người về nguồn tài nguyên thiên đã nhiều hơn gần một phần ba so với khả năng mà trái đất có thể đáp ứng. Đây là một lời cảnh báo trong bản báo cáo về Trái đất mới nhất của WWF. Chúng ta cần tìm kiếm những giải pháp thông minh hơn nhằm cân bằng những mục đích sử dụng khác nhau trong khi vẫn bảo vệ được hệ sinh thái quan trọng của các con sông.