ThienNhien.Net – Hầu hết các thành phố và thị trấn tại các quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt với một áp lực kép: Áp lực trước sự gia tăng dân số nhanh và trước nguy cơ tổn thương cao do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Để chống lại những áp lực này một cách hiệu quả, chính quyền địa phương và các quốc gia cần nâng cao năng lực và sự chủ động cần thiết, kết hợp với hỗ trợ quốc tế trong việc đương đầu với khó khăn và rủi ro mà biến đổi khí hậu có thể gây ra. Tuy nhiên, hầu hết các nước kém phát triển nhất đều thiếu cả hai điều kiện này. Chính vì thế, họ đang đứng trước vô vàn rủi ro trước mắt.
Tác động tới các thành phố
Biến đổi khí hậu đã gây ra nhiều rủi ro cho tất cả các trung tâm đô thị. Tuy nhiên, chỉ có các thành phố lớn – như Luân Đôn và New York – mới có thống kê các rủi ro này một cách chi tiết. Phần nhiều bằng chứng về tác động của biến đổi khí hậu ở đô thị của các nước kém phát triển không được theo dõi một cách cụ thể và đầy đủ.
Tại các thị trấn và thành phố, nhiệt độ ngày càng tăng thúc đẩy nhu cầu năng lượng và làm tăng hiện tượng stress nhiệt, đặc biệt ở nơi mà sức nóng bị giam hãm trong những khối nhà bê tông. Mưa kéo dài và/hoặc nặng hạt gây ra những trận lụt nghiêm trọng hơn và, ở nhiều thành phố, gây nên nguy cơ sụt lở đất cao hơn. Sụt lở đất thực sự là mối nguy lớn đối với các khu định cư trên các sườn dốc đứng hoặc các đồng bằng cửa sông do nước lũ tạo thành. Hạn hán dẫn đến tình trạng thiếu nước, làm gián đoạn việc sản xuất ở các nhà máy thuỷ điện và đẩy giá thực phẩm lên cao. Hơn nữa, mực nước biển dâng cao có thể làm các thành phố ven biển ngập lụt và làm nhiễm bẩn các tầng đất chứa nước ngầm.
Tuy nhiên, ở các thị trấn và thành phố của các nước kém phát triển nghèo tài nguyên, các ảnh hưởng này còn nặng nề hơn. Những người bị ảnh hưởng nặng nhất là những người có ít khả năng phòng tránh hoặc đối phó nhất với những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Họ là người già, trẻ em, cũng có thể là những người nghèo ở đô thị, những người không thể có có nơi ăn chốn ở an toàn, không đủ tiền để chữa chạy bệnh tật, thu nhập bị hao hụt, tài sản bị hư hại do khí hậu khắc nghiệt gây ra.
Trên toàn thế giới, có 900 triệu người sống ở các khu định cư không chính thức hoặc những khu nhà ổ chuột, và tại các nước kém phát triển có một tỷ lệ lớn dân cư đô thị sống ở những khu vực như thế.
Những thảm hoạ thiên nhiên được cảnh báo
Các nghiên cứu tình huống sau đây cho thấy mức độ dễ bị tổn thương của các trung tâm đô thị ở những nước kém phát triển. Các nước này đang triển khai chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu của Trung tâm Môi trường Phát triển Quốc tế (IIED)
Hạn hán
Các nước kém phát triển là các nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi các mùa hạn hán gần đây. Người ta dự đoán hạn hán sẽ trở nên thường xuyên hơn và nghiêm trọng hơn khi biến đổi khí hậu làm lượng mưa trở nên ít đi hoặc không đều. Hạn hán đang gây ảnh hưởng sâu sắc ở Châu Phi, từ miền nam của châu lục này đến hoang mạc Sahara
Kể từ năm 1900, lượng mưa ở Zimbawe đã giảm gần 5% và từ năm 1900 đến năm 2005, lượng mưa đã ở dưới mức bình thường trong suốt 6 mùa. Hiện nay, Harare và Bulawayo đang gánh chịu hậu quả vì thiếu nước, và người dân phải đối mặt với sự cắt giảm nước thường xuyên và áp suất nước thấp, gây khó khăn cho việc bơm nước. Ở Uganda, từ năm 2001 đến 2004, lượng mưa giảm 4,2% so với trung bình. Thành phố Bamako thuộc Mali đang ngày càng khó khăn trong việc lấy nước. Mặc dù 90% gia đình có giếng nước, lượng nước trong các giếng này đang giảm do mực nước ngầm giảm. Và ở Diourbel, Senegal, sông Sine đã khô cạn hoàn toàn từ những năm 1970, trong khi độ mặn nước ngầm tăng lên cùng với việc đẩy mạnh khai thác nước ngầm.
Hạn hán cũng có thể làm gián đoạn việc sản xuất năng lượng và làm hư hại cơ sở hạ tầng. Nhà máy thuỷ điện Kariba phục vụ cho Harare đã bị ảnh hưởng khiến các nhà sản xuất điện phải cắt điện khi nhu cầu điện năng vượt quá khả năng sản xuất. Trong khi đó, ở hồ Victoria, hồ lớn nhất Châu Phi rộng gần 69.000 km2, nằm giữa các quốc gia Kenya, Tanzania và Uganda, mực nước hồ giảm gần 1m kể từ năm 2005 đã hạn chế việc sản xuất điện ở các nhà máy thuỷ điện Nalubaale và Kiira gần Kampala, Uganda. Nhiều công trình thuỷ lợi và các công trình khác dọc theo dải đất ven bờ sông, bao gồm các cơ sở tàu bè tiện nghi ở cảng Bell gần Kampala, giờ đây cần phải sửa chữa rất tốn kém nếu không sẽ trở nên lỗi thời.
Ở Mauritania, quốc gia tiếp giáp với sa mạc Sahara ở phía Tây Bắc Châu Phi, nhiều vùng rộng lớn ở thành phố lớn nhất Nouakachot bị chôn vùi trong cát do hạn hán kéo dài. Hạn hán và bão cát cũng đe dọa sân bay chính của quốc gia này mặc dù tường chắn cát đã được xây dựng.
Lụt lội
Ở các thị trấn và thành phố, mặc dù tổng lượng mưa đang có xu hướng giảm, các trận mưa dữ dội ngắn ngày vẫn có thể làm ngập lụt các hệ thống thoát nước và gây ra các cơn lũ đột ngột. Khi các khu định cư không chính thức được xây dựng ở những vùng ngập lụt, hậu quả có thể là rất tai hại.
Lượng mưa lớn ở Harare từ tháng 12/2007 đến tháng 01/2008 đã gây ra lũ lụt nghiêm trọng làm hơn 30 căn nhà sụp đổ ở Jacha và vùng xung quanh sông Mukusivi. Lũ lụt cũng thường xuyên tấn công các khu ổ chuột đông đúc ở Kampala, đặc biệt là Kawempe, nơi mà hầu hết nhà cửa được xây ở khu vực đầm lầy. Trận lụt thảm khốc của tháng 11, năm 2007 đã giết chết 4 người ở đây.
Thung lũng Msimbazi ở Dar es Salaam, Tanzania là một vùng hay ngập lụt khác. Nơi đây các khu nhà tạm bợ mọc lên như nấm. Các vùng được quy hoạch như Msasani Bonde la Mpunga , cũng đã trải qua các trận lụt nghiêm trọng và thường xuyên hơn. Đây là một ví dụ điển hình của việc phát triển kinh tế phá vỡ các mô hình tưới tiêu tự nhiên.
Năm 2006, miền Đông Châu Phi đã chứng kiến cơn lũ lụt nghiêm trọng ảnh hưởng tới 1,5 triệu người. Chỉ riêng trận lụt tháng 10 tại Mombasa, Kenya, cảng biển lớn nhất của Đông Châu Phi, đã khiến 60.000 người phải gánh chịu hậu quả, gây ra một đợt bùng nổ dịch tả và phá huỷ các hệ thống cấp và dẫn nước. Tại miền Tây Châu Phi, các trận lũ năm 2002 đã làm 4000 ngôi nhà ở Bamako chỉ còn là đống hoang tàn.
Lũ lụt thảm khốc đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhiều thành phố Châu Á. Một số các trung tâm đô thị ở Bangladesh đã phải chịu hậu quả. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên tại một đất nước ở vị trí thấp so với mực nước biển và dễ gặp bão vì có nhiều đồng bằng cửa sông rộng lớn do nước lũ tạo thành. Tại Dhaka, các cơn lũ năm 1988, 1998 và 2004 đặc biệt nghiêm trọng.
Thậm chí ở những nơi có hệ thống phòng chống lũ lụt, chúng cũng tỏ ra không phù hợp và không thành công trong việc bảo vệ các khu định cư không chính thức và khu nhà ở dành cho người có thu nhập thấp. Chẳng hạn, một con đê được xây dựng trong Dự án phòng chống lũ lụt tổng hợp Dhaka thực tế đã cản trở việc thoát nước lũ khỏi các khu nhà ổ chuột mà nó được thiết kế để bảo vệ. Tại Khulna, sự úng nước thường xuyên cũng gây ảnh hưởng rất nhiều hộ gia đình.
Các đợt gió mùa lớn có thể dẫn đến sự lụt lở đất. Tại Kathmandu, Nepal, lượng mưa 207 mm trong một ngày vào năm 2002 đã dẫn đến một vụ sạt lở đất gần Matatirtha, giết chết 16 người.
Mực nước biển dâng và xói mòn ở vùng ven biển
Các ảnh hưởng của khí hậu có thể tác động đặc biệt nghiêm trọng tới các thị trấn và thành phố ở các nước kém phát triển vì tỷ lệ dân số đáng kể sống ở vùng ven biển có độ cao thấp so với mặt nước biển. Những khu vực ven biển này có độ cao chưa tới 10m so với mực nước biển.
14% trong tổng dân số của các nước kém phát triển, trong đó 21% dân số đô thị, sống ở những vùng này, so với 10% dân số toàn cầu nói chung. 11 nước kém phát triển đồng thời là các quốc đảo nhỏ đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương trước hiện tượng này.
Sự xói mòn hai bãi biển ở Dares Salaam, Kunduchi và Bahari, đòi hỏi phải đầu tư mạnh tay cho việc bảo vệ miền ven biển. Tại Mombasa, mực nước biển chỉ tăng 0,3 m có thể làm ngập 17% diện tích thành phố và làm cho một phần lớn diện tích không thể sinh sống hay sử dụng được do ngập úng và ngập mặn.
Một trong những thành phố ở các nước kém phát triển chịu rủi ro cao nhất do mực nước biển dâng là Cotonou ở Benin (Tây Phi). Bãi biển, đường sá và nhà cửa đều đã bị phá huỷ do sự xói mòn bờ biển trong 10 năm trở lại đây cũng như nhiều nhà cửa, và khách sạn, cảng đánh cá, các toà nhà tổng thống, trung tâm hội nghị quốc tế và sân bay quốc tế có thể sẽ bị ngập lụt.
Nhiệt độ tăng cao tác động lên sức khỏe và sinh kế của người dân
Từ các bệnh tật lây nhiễm qua đường nước tới các ngành công nghiệp bị phá hủy, tác động của biến đổi khí hậu lên sức khoẻ và sinh kế của dân cư thành thị tại các nước kém phát triển rất nghiêm trọng. Các tác động lên sức khỏe của người dân ở các thành phố thuộc các nước kém phát triển có thể bao gồm tình trạng stress nhiệt căng thẳng hơn và thường xuyên hơn; tỷ lệ những người mắc bệnh và tử vong do lô nhiễm không khí và tỷ lệ các dịch bệnh lây lan qua nước và thực phẩm tăng, cũng như sự xuất hiện của muỗi và các bệnh lây lan qua kí sinh trùng cao hơn.
Các tác động này có thể đã được ghi nhận. Số người nhập viện do bệnh tiêu chảy tăng cả khi lượng mưa cao hay thấp ở Dhaka; hiện tượng dịch tả bùng phát ở những khu ổ chuột của Kawempe, Makindye, Rubaga, Nakawa và các khu vực ở miền Trung của Kampala đã đựơc ghi nhận sau các trận mưa nặng hạt; và các trường hợp mắc bệnh thương hàn của Kathmandu cũng tăng lên cùng với nhiệt độ tăng cao vào mùa xuân và hè. Chúng cho thấy rằng biến đổi khí hậu sẽ gây ra các ảnh hưởng tương tự.
Lũ lụt cũng đã tàn phá nghiêm trọng một loạt các ngành công nghiệp của Dhaka. Một cuộc điều tra sau mùa lũ năm 1998 đã cho thấy rằng các trận lũ đã góp phần làm tăng tỷ lệ thất nghiệp lên đến 27%, dẫn tới 7,2% dân số phải thay đổi chỗ ở, giảm mạnh giờ làm ở nhiều khu vực khác.
Tại Cotonou, hầu hết các đơn vị sản xuất công nghiệp nằm ở khu vực có nguy cơ xói mòn ven biển cao. Hiện tượng này đã đặt công việc của 1500 người đang làm việc trong hơn 30 doanh nghiệp nhà nước (nhà máy bia, nhà máy dệt, khí, phát triển nông nghiệp và các công trường xi măng) cũng như công việc của những người khác đang làm việc ở các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ (xí nghiệp tách vỏ cotton, sản xuất các nguyên liệu dệt và các dược phẩm) vào tình thế rủi ro. Hơn 15.000 ngư dân và phụ nữ ở đây cũng phải đối mặt với nạn mất mùa đói kém do nhiều khu đánh cá đã bị biển xâm lấn.
Giải pháp: Nâng cao khả năng thích nghi
Làm thế nào để các khu vực thành thị ở những nước kém phát triển thích ứng tốt nhất trước rủi ro do khí hậu gây ra? Nhiều chiến lược nâng cao khả năng thích nghi ở các khu vực thành thị thu nhập thấp có thể đáp ứng nhiều nhu cầu phát triển chung hơn như: cung cấp nước hiệu quả và an toàn, hệ thống vệ sinh, thoát nước và nhà ở tốt, cơ chế ứng phó khẩn cấp và kịp thời.
Những điều này thường bị cọi nhẹ tại các thành phố giàu có và thịnh vượng ở Châu Âu và Bắc Mỹ, còn các chính quyền địa phương và trung ương ở các nước kém phát triển quan tâm đến vấn đề này lại thường thiếu khả năng tài chính và kỹ thuật để thực hiện các cải tiến. Một vài thành phố ở các nước đang phát triển đã có những nỗ lực rất đáng trân trọng để phát triển các nhà máy có khả năng thích nghi cao ở thành thị, tuy nhiên mô hình này chưa lan rộng ra ở các nước kém phát triển.
Một cách để phát triển năng lực thích nghi ở các nước kém phát triển là tạo ra và cải tiến các mạng lưới quốc tế với các cơ quan chính phủ và các tổ chức phi chính phủ. Một vài các mạng lưới như vậy đã tồn tại, nhưng cho đến nay đã tập trung chủ yếu đến các biện pháp giảm nhẹ sự biến đổi khí hậu như giảm phát thải khí nhà kính, và có xu hướng đẩy mạnh hoạt động ở cả các thành phố lớn và giàu tài nguyên hơn. Trung tâm Capacity Strengthening of Least Developed Countries for Adaptation to Climate Change (CLACC) là một ngoại lệ tiêu biểu.
CLACC là một mạng lưới được phát triển bởi IIED và các tổ chức đối tác. Thông quan CLACC, IIED làm việc với các nhà nghiên cứu tại 15 nước kém phát triển để củng cố và nâng cao năng lực nhằm xác định các phản ứng thích hợp với biến đổi khí hậu ở các nước này. Tuy nhiên điều này chỉ có ý nghĩa nếu nó được kết hợp với các khoản tiền trợ cấp phù hợp – một lĩnh vực chưa được các kênh cung cấp tài chính chú ý nhiều.
Các thành viên CLACC đã trình bày các biện pháp đa dạng và cụ thể để thích nghi với biến đổi khí hậu đối với các khu vực thành thị ở những nước kém phát triển, và cũng đã miêu tả sống động về các lợi ích tiềm năng khi các quốc gia và các ngành khác nhau hợp tác với nhau. Thách thức đối với các mạng lưới tương tự là phát triển các mối liên kết rộng hơn – chẳng hạn, với sự thành lập các liên đoàn đô thị, các chính quyền địa phương và quốc gia – để xây dựng các thành phố giàu mạnh hơn và bảo đảm sự thích nghi cho các nhóm dễ tổn thương nhất sinh sống ở các thành phố ấy.