ThienNhien.Net – Nguồn nước ngọt không ô nhiễm là nguồn tài nguyên thiết yếu cho sự phát triển ổn định của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, vào lúc này, trong khi nhu cầu về nước ngọt ngày càng tăng thì nguồn tài nguyên này lại đang bị đe dọa bởi sự nhiễm mặn, khiến mùa màng bị thất thu. Trước tình hình đó, người ta đã đề xuất ý tưởng phát triển một ngành nông nghiệp nước mặn. Liệu phương cách này có phải là giải pháp tốt để thích nghi với một thế giới đang suy thoái nguồn nước ngọt?
Triển vọng nông nghiệp nước mặn
Sự nhiễm mặn đang diễn ra trên toàn cầu do nhiều nguyên nhân. Thật đáng ngạc nhiên, khi tưới tiêu chính là nguyên nhân hàng đầu của sự nhiễm mặn. Sự bay hơi và thoát hơi nước liên tục của cây cối diễn ra với tốc độ cao là do tưới tiêu. Quá trình này đưa muối từ tầng sâu của đất lên trên, làm ô nhiễm đất trồng trọt. Ở những vùng khô hạn, việc chuyển đổi rừng thành đất nông nghiệp đã chuyển muối từ nước ngầm vào trong đất. Cuối cùng, sự dâng lên của mực nước biển đang làm tràn ngập các dải đất nông nghiệp vùng duyên hải.
Hơn 15 năm trước, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trong 230 triệu ha đất được tưới tiêu của thế giới có tới 45 triệu ha đất đã cho thấy hàm lượng muối tăng lên đáng kể, tức là gần 20% diện tích đất tưới tiêu toàn cầu bị tác động bởi sự nhiễm mặn.
Để đối phó với tình trạng này, một bài báo trong tạp chí Khoa học của Mỹ đã khuyến nghị các nhà nghiên cứu và các chính phủ đầu tư nguồn lực tài chính cho nông nghiệp mặn, đồng thời tăng các vụ mùa nước mặn để nuôi sống thế giới.
Gần 1% số thực vật sống trên đất có thể phát triển trong nước với hàm lượng muối cao. Những loài thân thiện với muối được gọi là các loài chịu mặn. Tác giả của bài báo, Jelte Rozema và Timothy Flowers, tin rằng nhiều loài chịu mặn có thể trở thành những loài cho sản phẩm thu hoạch quan trọng, đặc biệt là ở những vùng có hàm lượng muối trong nước bằng khoảng 1/2 lượng muối trong nước biển.
Các loài chịu mặn cũng phát triển nhanh chóng như các nông sản khác hiện nay và chúng còn cho năng suất cao hơn. Rozema và Flowers trích dẫn một ví dụ về loài Ngón biển bigelovii, một loài chịu mặn được tin rằng có thể trở thành một loài cho hạt lấy dầu quan trọng. Sản lượng của loài này là 18 tấn/ha – nhiều gấp 15 lần sản lượng của hoa hướng dương. Chúng phát triển ở vùng nước lợ và có thể trở thành thực phẩm cho dân số đang tăng lên của thế giới.
Trong khi các tác giả thừa nhận rằng, sử dụng nước mặn cho tưới tiêu vẫn còn trong thời kỳ trứng nước, nhưng họ đã thấy được tiềm năng hứa hẹn trong nông nghiệp mặn, và chắc chắn trong tương lai không xa chúng sẽ xứng đáng được nhìn nhận nghiêm túc và sẽ phát triển.
I-rắc: Loại bỏ muối khỏi đất
I-rắc là một trong những nước đang phải đối đầu với vấn đề nhiễm mặn nông nghiệp khá trầm trọng, và họ đã tìm ra cách tiếp cận để giải quyết vấn đề này. Nhìn vào lịch sử trước đây, I-rắc đã từng sở hữu các vùng đất nông nghiệp màu mỡ, như vùng nằm giữa Tigris và các sông Euphrates đã được phù sa bồi đắp đủ để nuôi nấng nền văn minh đầu tiên của thế giới, đó là cộng đồng người Xume.
Tuy nhiên, sau hàng thế kỷ tưới tiêu, những vùng đất rộng lớn của I-rắc trở nên quá ô nhiễm bởi chứa muối đến mức không thể sử dụng được. Để làm cho những vùng đất này màu mỡ trở lại, I-rắc đang tiến hành bơm lượng muối trong nước ngầm ra khỏi hơn 2 triệu ha. Quá trình này cần thời gian, nhân lực và tiền bạc, nhưng đã được tiến hành ở nhiều nơi.
“Đó là một dự án lớn. Chúng tôi đang tìm cách để rút tất cả muối khỏi nước ngầm ở vùng trung tâm và miền Nam I-rắc”, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước, Abdul Latif Rasheed, đã phát biểu tại lễ công bố dự án.
Trước đây, I-rắc đã có một thời giàu có các sản phẩm lương thực, nhưng tình trạng chiến tranh triền miên, xã hội bất ổn, môi trường bị lãng quên đã đẩy I-rắc đến việc phải nhập khẩu hầu hết lương thực cần thiết. Hạn hán càng làm vấn đề tệ hại hơn. Năm 2007, lượng mưa ở I-rắc chỉ đạt 1/3 so với thường lệ, gây khó khăn cho nông nghiệp và nguồn nước. Hiện tại, chính phủ I-rắc buộc phải chi một khoản kinh phí lớn cho việc dự trữ lương thực cho cộng đồng.
Nhiễm mặn tác động đặc biệt đến các quốc gia chậm phát triển ở những vùng khô cằn như Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập, Tuynidi, Pêru, Bôlivia, và cả I-rắc. Cũng đã từng có ý kiến phản bác cho rằng nỗ lực tách muối khỏi đất nông nghiệp như I-rắc đang làm chỉ là một giải pháp viển vông, bởi vì nước muối phải được làm bay hơi để đảm bảo rằng nó sẽ không trở lại.
Rozema và Flowers cũng nhấn mạnh rằng chỉ 1% lượng nước của thế giới là nước ngọt và con người đã dùng hết một nửa lượng nước có sẵn. Một phần trăm khác của nước trên thế giới là nước lợ với hàm lượng muối đo được nằm trong khoảng giữa nước ngọt và nước mặn. Và phần còn lại là nước biển.
Những giải pháp như I-rắc thực hiện mới giải quyết vấn đề tạm thời và về lâu dài cần nỗ lực giải quyết triệt để. Những ý tưởng mới, như phát triển một nền nông nghiệp nước mặn sẽ hữu ích và có thể khả thi trong một bối cảnh như vậy.