ThienNhien.Net – Vào trung tuần tháng 12/2008, Tổ chức bảo tồn chim thế giới và Trung tâm bảo tồn tại Seychelles đã tổ chức lễ kỉ niệm một trong những sự kiện bảo tồn thành công nhất thế giới. Năm 1968, đảo Cousin được Hội đồng Bảo tồn Chim Quốc tế, nay là Tổ chức Bảo tồn chim Thế giới mua lại nhằm bảo vệ những con chim chích Seychelles (<i>Acrocephalus sechellensis</i>) cuối cùng còn sót lại nơi đây thoát khỏi nạn tuyệt chủng. Sau bốn mươi năm, số lượng chim chích trên đảo đã tăng lên gấp 3 lần và hòn đảo này đã được chuyển đổi mục đích trồng dừa chuyên canh sang hoạt động bảo tồn thiên nhiên, vừa đem lại lợi ích cho người dân địa phương đồng thời vừa bảo vệ được giá trị đa dạng sinh học.
Đảo Cousin – hòn đảo nhỏ ở Seychelles, hiện là nơi trú ngụ của rất nhiều các loài động vật hoang dã. Đây là nơi sinh sống lý tưởng của đồi mồi (Ertetmochelys imbricata) ở Tây Ấn Độ Dương cùng 7 loài chim biển với trên 300.000 tổ. Hòn đảo này còn là nơi sinh sống của 5 trong số 11 loài chim đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Seychelles, bao gồm: Chim chích Seychelles (Acrocephalus sechellensis) Chích chòe Seychelles (Copsychus seychellarum), Chim hút mật Seychelles (Nectarinia dussumieri), Rồng rộc Seychelles (Foudia seychellarum), Bồ câu Seychelles (Alectroenas pulcherrima).
Đến năm 1968, Cousin vẫn là nơi trồng dừa chuyên canh khiến cho các loài thực vật trên đảo hầu như bị biến mất. Loài chim chích Seychelles đã phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng cận kề với số lượng chỉ còn không đến 30 con trên toàn thế giới, chủ yếu tập trung tại những khu rừng ngập mặn đảo Cousin. Do đó, Hội đồng Bảo tồn Chim Quốc tế đã phát động một chiến dịch trên toàn cầu đồng thời mua lại hòn đảo nhằm bảo tồn loài chim chích này. Năm đó, chính quyền Seychelles chính thức tuyên bố trước pháp luật đảo Cousin được đưa vào chương trình bảo tồn thiên nhiên.
Theo Tiến sĩ Mike Rands – Giám đốc điều hành Tổ chức bảo tồn chim quốc tế, thời điểm đó số chim chích Seychelles còn lại quá ít ỏi, đến mức chỉ cần một diễn biến thời tiết khắc nghiệt hay dịch bệnh hoặc dưới tác động của con người cũng có thể khiến loài này bị tuyệt chủng. Việc chuyển đổi từ trồng dừa sang khôi phục, bảo tồn sinh thái thành công là do việc kiểm soát môi trường sống trên đảo được tiến hành chặt chẽ, ngăn chặn sự xâm phạm của những con thú ăn thịt.
Công tác bảo tồn thiên nhiên trên đảo Cousin đã đạt được những thành tựu to lớn, cụ thể, số lượng chim chích Seychelles đã tăng lên gấp 3 lần sau 40 năm. Hơn thế nữa, việc chuyển loài chích chòe Seychelles từ đảo Fregate sang đã góp phần đưa loài này ra khỏi danh sách các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng trong sách đỏ của IUCN. Số lượng loài chích chòe trên đảo Cousin sẽ được nhân giống sang hòn đảo gần kề La Denis.
“Mục đích của chúng tôi là gìn giữ cho hòn đảo này nguyên vẹn để phục vụ cho công tác bảo tồn”, Nirmal Shah, giám đốc điều hành của Khu bảo tồn Seychelles cho biết.
Năm 1947, đảo Cousin và các hòn đảo xung quanh của Seychelles được đưa vào một chương trình bảo tồn đặc biệt, được đặt trong tình trạng bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Hiện nay, đảo Cousin được quản lý như một khu bảo tồn biển tổng hợp với các hoạt động bao gồm củng cố đa dạng sinh học trên đảo, tiến hành nghiên cứu và phục hồi các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng, đồng thời đẩy mạnh ngành du lịch sinh thái. Hàng năm, hòn đảo này đón khoảng 10.000 lượt khách ghé thăm.
“Công tác bảo tồn loài chim chích Seychelles cũng sẽ giúp bảo vệ các loài khác trên đảo như các loài chim biển quý hiếm, rùa biển đang có nguy cơ tuyệt chủng, san hô và cá quý hiếm. San hô cung cấp năng lượng sinh khối khá cao cho cá và cũng là nguồn năng lượng vô cùng quan trọng đối với dân chài ở Seychelles. Mục tiêu của chúng tôi là gìn giữ nguyên vẹn và bảo tồn hòn đảo này. Chúng tôi chỉ thuê những người dân địa phương làm việc và đảm bảo rằng thu nhập từ ngành du lịch sinh thái sẽ được phục vụ cho công tác bảo tồn. Quan trọng là làm cho cộng đồng địa phương và các loài động vật hoang dã trên đảo cùng được hưởng lợi từ những nguồn thu nhập này”, Nirmal Shah cho biết.
Mô hình bảo tồn thành công của Nature Seychelles đã được các điền chủ, chính phủ và các tổ chức phi chính phủ áp dụng rộng rãi nhằm quản lý những khu vực bảo tồn cũng như đào tạo cán bộ môi trường cho những dự án bảo tồn tại Ấn Độ Dương. Với những thành tựu đạt được, Khu bảo tồn ở Seychelles năm 2008 vừa qua đã tổ chức lễ kỉ niệm lần thứ mười, và giành được rất nhiều giải thưởng như “Giải thưởng Du lịch sinh thái Conde Nast”, “Giải thưởng du lịch của British Airways” và “Giải thưởng Alice Bhukoli của BirdLife ở châu Phi”.
“Khu bảo tồn Seychelles xứng đáng được cả thế giới ghi nhận những thành công trong việc kết hợp công tác bảo tồn động vât hoang dã với du lịch sinh thái bền vững” – Hazell Shokellu Thompson, Tổng thư ký Hiệp hội bảo tồn chim châu Phi phát biểu.