ThienNhien.Net – Đông Giang, Đông Tiến và La Dạ là 3 xã vùng cao thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận – nơi sinh sống chủ yếu của người dân tộc K’Ho, khoảng gần 4.500 người. Người K’Ho có nét văn hóa rất riêng. Một gia đình của người K’Ho gồm nhiều thế hệ sống chung trong một ngôi nhà gồm nhiều gian, trong đó mỗi gian là một gia đình sinh sống. Hiện nay, người K’Ho vẫn theo chế độ mẫu hệ, người con trai không phải đi tìm hiểu mà chờ người con gái đến “bắt”. Họ phải cưới người trong dòng tộc để giữ huyết thống. Đối với người K’Ho, bình rượu cần rất quan trọng, từ lễ hội cộng đồng cho đến lễ cưới hỏi, đặt tên cho em bé hay khi phạt một ai đó đều phải có bình rượu cần và vài xâu thịt nướng. Rượu cần của người K’Ho có mùi vị rất đặc sắc, được làm từ gạo đỏ hoặc gạo nếp trộn với một ít vỏ cây, lá cây hoặc rễ cây cho ra những mùi vị khác nhau. Tết Nholir-bông của người K’Ho (là loại Tết mừng lúa mới) không diễn ra đôi ba ngày như các dân tộc khác mà kéo dài cả tháng trời – là tháng nghỉ ngơi sau vụ gặt. Vào Tết Nholir-bông, nhà nào cũng giết trâu, bò, lợn, gà làm thịt, rượu cần cúng mừng cót thóc mới. Người K’Ho có tục lệ trong ngày Tết này cắt tiết con gà, lấy máu gà bôi lên bồ đựng thóc, các cửa lớn, cửa sổ để cầu may, trừ tà. Từ bao đời nay đồng bào dân tộc K’Ho ( tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng) có một món ăn mang đậm dấu ấn bản địa vùng nắng nóng và mưa rào. Đó là món cháo chua được làm từ gạo nương ủ lên men. Cháo chua theo quan niệm của người K’Ho là món ăn bổ dưỡng. Nó có vị chua xen vị ngọt, có mùi của men rượu. Nó là thứ nước uống giải được cơn khát giữa trưa, chống được cảm nắng, tăng sức đề kháng cơ thể. Chính nó làm cho người dân dẻo dai, chống chịu được nắng, gió và mưa rào của vùng nam cao nguyên đầy khắc nghiệt này.