ThienNhien.Net – Khoa học từng phát hiện sự khác biệt trong quy mô ổ trứng ở các loài chim khác nhau. Ngày nay các nhà nghiên cứu đã đưa ra ý kiến hợp lý hơn về lý do của sự khác biệt này.
Phân tích các dữ liệu về quy mô ổ trứng, đặc tính sinh học và nơi cư trú của 5.290 loài chim, một nhóm các nhà sinh học gồm Walter Jetz (UC San Diego), Cagan H. Sekercioglu (Đại học Stanford), và Katrin Böhning-Gaese (Johannes Gutenberg-Universität) đã triển khai một một mô hình dự đoán sự biến đổi về số lượng trứng của các loài chim. Họ phát hiện ra rằng quy mô ổ trứng lớn nhất thuộc về những loài vật sống trong tổ và các loài chim di cư theo mùa.
Phát hiện này bổ sung thêm cho một nghiên cứu trước đây về chim đã chứng minh rằng các loài chim có tuổi thọ thấp – là các loài động vật thường bị ăn thịt và con sinh ra có tỷ lệ sống thấp – có xu hướng đẻ nhiều trứng hơn so với các loài sống lâu hơn, những loài thường đầu tư nhiều công sức hơn cho việc nuôi con.
Nhà sinh học Walter Jetz cho biết: ”Với phương pháp tiếp cận này, chúng ta có thể giải thích phần lớn lý do của sự biến đổi toàn cầu về quy mô ổ trứng và cũng có thể tin tưởng dự đoán quy mô ổ trứng trung bình của các loài chim sống và sinh sản trong các điều kiện môi trường nhất định. Chẳng hạn, các loài chim làm tổ, như chim gõ kiến, có ổ trứng lớn hơn các loài sinh sống bên ngoài. Các loài chim di cư theo mùa, đặc biệt các loài sống ở bắc bán cầu cũng có các ổ trứng lớn hơn các loài chim ở vùng nhiệt đới.
Các nhà khoa học cho biết, nghiên cứu này đã trả lời câu hỏi quan trọng về loài chim: Tại sao các loài chim khác nhau lại đẻ số lượng trứng khác nhau? Đồng thời, nghiên cứu cũng khẳng định, sự kết hợp giữa cơ sở dữ liệu về địa lý và tập quán sinh sống của các loài chim có thể giúp xác định tầm quan trọng của sự khác biệt về sinh thái, tiến hóa, lối sống và môi trường trong việc hình thành quy mô ổ trứng của các loài chim. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng, sự biến đổi về môi trường khiến các loài chim đẻ trứng nhiều hơn.
Theo các nhà khoa học, hầu hết các nghiên cứu về chim diễn ra ở những môi trường có tỷ lệ chim sống theo mùa cao của Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên phần lớn các loài chim lại sống ở môi trường nhiệt đới có ít chim di dư theo mùa. Do vậy, quy mô ổ trứng nhỏ được thấy trong hầu hết các loài chim sống ở vùng nhiệt đới là chuyện bình thường, không phải là một ngoại lệ. Nhận thức được áp lực ngày càng tăng của các động vật ăn thịt, các loài chim sống ở ngoài cũng đẻ những ổ trứng nhỏ hơn so với các loài chim làm tổ, nghĩa là số lượng trứng ít hơn trong một ổ.
Các nhà nghiên cứu cho biết các phát hiện này có thể giúp các nhà bảo tồn đánh giá những nguy cơ và đưa ra các kế sách nhằm bảo vệ các loài chim, đặc biệt khi chúng phải đối mặt với sự biến đổi khí hậu.
Jetz giải thích: ”Các kết quả của chúng tôi không chỉ chứng minh nơi các loài chim sinh sống mà còn chứng minh cả cách chúng sống, đặc biệt là hình thái sinh sản của chúng và mối liên quan chặt chẽ tới thời tiết khí hậu, đặc biệt là thời vụ. Những thay đổi nhanh chóng về mặt địa lý khí hậu toàn cầu có thể ảnh hưởng tới nhiều vấn đề khác nhau và còn có thể làm rối loạn một cách tiềm tàng mắt xích tiến hóa dài hạn giữa “nơi” sống và “cách” sống ở nhiều loài chim”.
Theo các tác giả công trình nghiên cứu, đa số các loài chim sống ở các vùng nhiệt đới có quy mô ổ trứng nhỏ hơn do thời tiết ổn định hơn và sự sống của các loài chim này đều phụ thuộc vào sự tuần hoàn của các điều kiện thời tiết mà chúng thích ứng trong suốt hàng thiên niên kỷ. Biến đổi khí hậu và sự gia tăng các dao động thời tiết tại các vùng nhiệt đới có thể làm những loài chim này dễ gặp nguy hiểm. Hàng trăm loài chim ở vùng nhiệt đới đang bị đe dọa tuyệt chủng và sự xung đột tiềm tàng giữa thay đổi thời tiết và hình thái sinh sản của chúng có thể làm tình hình trở nên nguy kịch hơn.