ThienNhien.Net – Người Mông ở Hà Giang vốn đã gắn bó lâu đời với cao nguyên, và cũng đã bao đời nay những con bò vàng – một giống bò quý – đã giúp người Mông canh tác trên những nương ngô cheo leo vách núi.
Cứ mỗi dịp lên cao nguyên lần nào tôi cũng ghé qua phiên chợ bò Mèo Vạc họp vào thứ bảy hàng tuần để được xem và ngắm nhìn những con bò vàng – giống bò quý của cao nguyên.
Kỹ sư Nguyễn Đức Tính, nguyên Giám đốc Trung tâm giống cây trồng và gia súc Phó Bảng huyện Đồng Văn (nay là Phó chủ tịch UBND huyện Đồng Văn) cho biết, bò vùng cao Hà Giang (hay còn được gọi là Bò Mèo, Bò H’mông ) được người dân tộc Mông nuôi tại các tỉnh vùng núi phía bắc Việt Nam. Giống bò này có tính thuần thục, chịu kham khổ, sức chống chịu bệnh tật và khả năng sinh sản cao. Chúng là một trong những loài gia súc quý thuộc danh sách động vật cấm xuất khẩu của Nhà nước.
Hà Giang là tỉnh có thế mạnh phát triển chăn nuôi đại gia súc, đàn bò phát triển khá mạnh tập trung ở 6 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, Bắc Mê và Xín Mần. Đặc biệt là 3 huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc có tổng đàn bò là 45.242 con chiếm 65,5% so với đàn bò toàn tỉnh vào năm 2004. Năm 2005, tổng đàn bò của tỉnh là 72.679 con. Riêng khu vực vùng cao có 53.447 con bò, chiếm 73,54% . Năm 2007, số lượng bò của tỉnh lên 82.240 con, trong đó của 4 huyện vùng cao núi đá là trên 80.000 con, chiếm 82,18%.
Bò vàng – giống bò quý hiếm của miền cao nguyên đá Hà Giang. Lông đa số vàng nhạt, xẫm hoặc cánh gián, một số ít màu đen nhánh hoặc loang trắng. Tai to đưa ngang, lưng hơi võng, mông dài nhưng hơi lép, ngực sâu, chân cao, đỉnh trán có u gồ hoặc phẳng. Nhìn chung tầm vóc to và thô, |
Trong những năm gần đây đàn bò của toàn tỉnh Hà Giang đang có hướng phát triển tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó công tác quản lý giống trên địa bàn chưa chặt chẽ, việc giao phối tự do dẫn đến tình trạng đồng huyết, cận huyết ngày càng nhiều. Đàn bò đang có nguy cơ bị thoái hoá giống nghiêm trọng. Do đặc điểm tập quán chăn nuôi thả rông thành đàn và tự do giao phối dẫn đến khả năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, điều kiện chăn thả cùng với chất lượng thịt bị giảm sút
Việc khai thác bò vàng vùng cao Hà Giang mang tính tự phát, thiếu khoa học cũng đã thể hiện một số bất cập. Theo Thạc sỹ Trịnh Quang Phong, Bộ môn Sinh sản và Thụ tinh nhân tạo thuộc Viện Chăn Nuôi, số bò bán đi thường là con to, có sản lượng thịt lớn. Số còn lại kém hơn thì lại để làm giống và tiêu thụ nội bộ. Việc bán hoặc thịt đi một số lượng bò tốt đã gây suy thoái đàn bò còn lại. Kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng đàn bò chưa đảm bảo tạo ra sản phẩm thịt hàng hóa kém cả về số lượng và chất lượng. Phương thức chăn nuôi vẫn mang nặng tính truyền thống “thủ công”, “sản xuất nhỏ” không đủ sức để cạnh tranh với thương trường thế giới bên ngoài. Hệ thống quản lý và sử dụng giống chưa hoàn chỉnh, công tác chọn lọc trâu bò đực giống mới chỉ bắt đầu thực hiện từ năm 2006.
Mặc dù bò vùng cao Hà Giang có nhiều đặc điểm nổi trội song hiện nay giống bò này cũng đang bị mai một về giống do đồng huyết, cận huyết kéo dài và quá trình chọn lọc ngược. Chính vì thế, việc nghiên cứu một số biện pháp kỹ thuật nhằm bảo tồn và phát triển giống bò vùng cao Hà Giang là hết sức cần thiết và cấp bách.
Hy vọng rằng với những tiến bộ khoa học được áp dụng, hiệu quả chăn nuôi của các hộ nông dân sẽ được nâng cao, giúp tăng thu nhập cho người chăn nuôi góp phần xoá đói giảm nghèo từ chương trình cải tạo và phát triển đàn bò của tỉnh Hà Giang.