ThienNhien.Net – Trong ẩm thực Việt Nam, các loại rau thơm, gia vị cực kỳ quan trọng. Với một chút nhạy cảm, tinh tế của người đầu bếp, các món rau, gia vị tưởng như phụ lại trở thành vai trò chính quyết định hương vị của các món ăn. Rau gia vị có thể ăn sống, kèm với các món chính, cũng có thể được sử dụng như một thứ gia vị trong chế biến. Trong những dịp lễ Tết, những món rau ấy không chỉ làm tăng hương vị cho mâm cỗ mà còn có tác dụng cân bằng chế độ ăn uống và ngăn ngừa bệnh rất tốt cho mọi người.
Dùng làm rau sống, ta có thể kể đến các loại rau như rau mùi, kinh giới, tía tô, húng…thường được ăn kèm với món nem – món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Hay dùng làm gia vị như củ riềng được dùng kho với cá trong dip Tết, củ gừng trong món chè con ong vv…
Theo Tây y, rau thơm có rất nhiều khoáng chất và vitamin C. Vì thế, hằng ngày khi ta ăn rau thơm, ta đã hấp thu được một lượng lớn tinh dầu, chất diệp lục và các pectin có tính kháng khuẩn mạnh, giúp kích thích vị giác và khứu giác. Từ đó, chúng ta có cảm giác ăn ngon miệng hơn. Còn theo Đông y, hầu hết loại rau thơm đều có tính ấm, giúp làm ấm và giải nhiều căn bệnh do yếu bụng mà ra. Sau đây là một số loại rau thơm ( rau gia vị) thường được dùng phổ biến trong dip Tết:
Gừng: thuộc họ Gừng – Zingiberaceae. Gừng được trồng khắp nước ta để lấy củ ăn và để làm thuốc, có tác dụng chữa đầy trướng bụng, giải độc. Trong dịp Tết, thời tiết thường khá lạnh, người Việt thường dùng gừng làm nhiều gia vị trong các món ăn như chè kho, chè con ong hay mứt gừng. Theo Đông y, gừng là vị thuốc giúp tiêu hóa, dùng trong những trường hợp kém ăn, ăn uống không tiêu, nôn mửa. Gừng còn là vị thuốc giúp giải cảm, làm ra mồ hôi, chữa ho…
Riềng: thuộc họ Gừng – Zingiberaceae. Riềng là vị thuốc kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon cơm. Riềng còn chữa đầy hơi, đau bụng, đau dạ dày và cầm nôn mửa rất tốt… Riềng thường hay được dùng kho cá để khử tanh và cũng được dùng trong một số món ăn khác.
Hạt tiêu: thuộc họ Hồ tiêu – Piperaceae. Cây tiêu được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Công dụng: kích thích tiêu hóa, làm ăn ngon cơm, nhưng với liều lớn sẽ kích thích niêm mạc dạ dày, gây viêm đường tiểu tiện.
Tỏi: thuộc họ Hành tỏi – Liliaceae. Trong tỏi có một ít i-ốt và tinh dầu. Thành phần chủ yếu của tỏi là một chất kháng sinh alixin có tác dụng diệt vi khuẩn rất mạnh đối với vi trùng. Theo Đông y, tỏi có vị cay, tính ôn, hơi có độc. Có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng.
Rau mùi: thuộc họ Hoa tán – Apiacea. Ở nước ta còn được gọi là ngò ta, hương tuy. Rau mùi vị cay, tính ấm, không độc, tiêu thức ăn, trị phong tà, trị các chứng đậu, sởi khó mọc, phá mụn độc…
Mùi tàu: thuộc họ Hoa tán – Apiaceae, là một loại cỏ, mọc hàng năm. Cây mọc hoang khắp nước ta. Có nguồn gốc từ châu Mỹ. Toàn cây có tinh dầu. Cây mùi tàu được nhân dân ta trồng phổ biến khắp nơi, dùng để ăn sống, nấu canh và làm thuốc chữa bệnh. Mùi tàu có vị the, tính ấm, mùi thơm hắc, khử thấp nhiệt, thanh uế, mạnh tỳ vị, kích thích tiêu hóa…
Tía tô: thuộc họ Hoa Môi – Lamiaceae. Tía tô có mùi thơm đặc biệt. Lá tía tô có loại mầu tím sẫm, có loại mầu xanh non nhưng đều công dụng như nhau. Y hôbng thườngm ká túa tô có tác dụng giảm đau, giải độc, chữa cảm, giúp tiêu hóa tốt.
Kinh giới: thuộc họ Hoa Môi – Lamiaceae. Kinh giới thường được ăn kèm với rau sống để ăn những món chả, món rán. Kinh giới được dùng trong nhân dân làm thuốc chữa cảm, sốt, nhức đầu.
Bạc hà: thuộc họ Hoa môi – Lamiaeceae. Bạc hà có vị cay, mát, không độc. Cây bạc hà mọc hoang và được trông ở khắp nước ta. Ăn rau bạc hà giúp tiêu hóa, chữa kém ăn ăn uống không tiêu.
Tóm lại, rau thơm (rau gia vị) giúp cho ẩm thực Việt có hương vị đặc trưng, độc đáo, không thể lẫn với món ăn của các dân tộc khác trên thế giới. Nó làm cho món ăn của người Việt thêm thanh thoát, tinh tế. Hơn nữa, đây cũng được coi là kho tàng các bài thuốc, giúp cân bằng âm dương, chữa được nhiều bệnh.