ThienNhien.Net – Sau 2 năm nuôi lợn rừng, ông Nguyễn Văn Nhẫm ở xã Văn Luông, Tân Sơn (Phú Thọ) đã xuất hơn 60 con lợn thịt thu về ngót nghét bạc tỷ, là hộ đi tiên phong trong việc chuyển đổi vật nuôi và trở nên giàu có.
Cả một quả đồi rộng nửa ha đã được ông Nhẫm đầu tư trên 100 triệu đồng đầu tư xây dựng trại chăn thả lợn rừng thương phẩm. Từ một vài con giống bố mẹ, sau môt năm thả cùng một số lợn địa phương về lai tạo, ông đã có 60 con lợn lai. Tính theo giá thị trường tại chỗ, với đàn lợn này ông Nhẫm thu lãi trên 300 triệu đồng, gấp 3 lần so với chăn nuôi lợn nhà. Ngoài ra ông còn thu lợi nhuận từ việc trồng chè, nuôi ong. Mô hình chăn nuôi độc đáo này của ông được chính quyền và ngành chức năng huyện xác nhận là một hướng đi hiệu quả, phù hợp với đề án phát triển du lịch sinh thái vườn quốc gia Xuân Sơn.
Dù năm nay đã ngoại ngũ tuần và là một lão nông thuần túy, song ông đã dành nhiều năm lăn lộn học hỏi kiến thức khuyến nông làm kinh tế trang trại. Tận dụng lợi thế đất đai trong vùng rộng lớn, những năm đầu ông trồng cây nguyên liệu giấy, tre bát độ, chè kết hợp với nuôi ong thả cá đạt thu nhập vào loại khá của huyện. Năm 2006, tình cờ đọc trong sách báo, ông biết ở Bắc Giang, Sơn La có một số nông dân chăn thả lợn rừng cho thu nhập cao và ông đã cất công về tận nơi học hỏi kinh nghiệm. Vốn là tổ trưởng tổ khuyến nông xã Tân Sơn nên ông nắm bắt cách thức nuôi ong và chăn thả lợn rừng rất nhanh. Ông lặn lội lên Phù Yên, Mộc Châu (Sơn La) tìm mua lợn giống mang về thả lên đồi và ngày ngày theo dõi, chăm sóc chúng.
Giống lợn hoang vốn nhút nhát lúc bé và hung dữ khi lớn, nhưng bằng kinh nghiệm chăn nuôi và chăm sóc khoa học ông đã thuần dưỡng được đàn lợn. Bình quân mỗi con lợn trưởng thành tiêu thụ khoảng 2 kg/ngày. Nắm được bản tính ăn tạp và tham ăn của chúng, ông thường xuyên cho chúng ăn rau, củ, quả, phụ phẩm rẻ tiền và dễ kiếm, thỉnh thoảng cho thêm ít cám gạo. Chuồng nuôi lại gần gũi với tự nhiên và luôn đảm bảo yên tĩnh, nên đàn lợn của ông Nhẫm lớn đều và sinh sản tốt.