Việt Nam: Chỉ có 5% số dân biết qua về BĐKH

ThienNhien.Net – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Nguyễn Văn Đức cho biết: Ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) có tính chất cấp thiết và sống còn của Việt Nam bởi nước ta là 1 trong 5 nước chịu nhiều ảnh hưởng của BĐKH trên toàn cầu. Khoảng 50 năm qua, nhiệt độ trung bình nước ta tăng khoảng 0,7°C; mực nước biển đã dâng khoảng 20cm.

BĐKH đã và đang tác động mạnh mẽ đến nước ta mà điển hình là làm cho các thiên tai, đặc biệt bão lũ, ngập lụt, hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Dự tính tới năm 2100, mực nước biển sẽ tăng lên tới 1m, nhiệt độ tăng khoảng 3°C.

Theo tính toán, nếu nước biển dâng 1m sẽ có 10% dân số nước ta bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%, khoảng 40 ngàn km² đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm.

Nhưng những thông tin như thế không nhiều người biết. Theo PGS TS Trần Thục, hiểu biết hạn chế về biến đổi khí hậu của một phần lớn người dân là một trong khó khăn lớn nhất khi triển khai chương trình quốc gia về ứng phó với BĐKH. Một chương trình quốc gia thì rất cần sự quan tâm, chia sẻ của người dân. Đáng buồn hơn, GS.TS Nguyễn Ngọc Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long còn chỉ ra, có hội thảo về BĐKH nhưng nhiều đại biểu chưa biết rõ về BĐKH.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang – Nguyễn Văn Phòng kể câu chuyện theo ông là “phổ biến hiện nay”. Nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến đặt vấn đề xây dựng, kinh doanh với tỉnh, nhưng khi ông nói: “Các anh cần tính đến những cách ứng phó với biến đổi khí hậu” thì họ lắc đầu không hiểu biến đổi khí hậu là gì. Thực tế, nhiều người ở cấp quản lý cũng không hiểu rõ vấn đề BĐKH. Vì thế, Nhà nước cần nhanh chóng triển khai vấn đề sống còn này, trước hết từ mặt nhận thức thực tiễn. Ông Phòng nói.  

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển Đồng bằng sông Cửu Long – cho rằng Bộ Tài nguyên Môi trường (đơn vị chủ trì chương trình Ứng phó với BĐKH)  không nên tuyên truyền chung chung mà bằng những con số, hình ảnh, ví dụ cụ thể. Cần bằng thực tế, bằng những nghiên cứu từng vùng sinh thái cụ thể, tổ chức tuyên truyền cho từng vùng kinh tế cụ thể bởi mỗi vùng sẽ bị ảnh hưởng khác nhau do biến đổi khí hậu.

Ví dụ như, vùng sinh thái Tây Bắc sẽ bị ảnh hưởng về BĐKH khác với Duyên hải miền Trung, khác với miền Tây Nam Bộ. Cũng như thế, Đồng bằng sông Hồng sẽ chịu ảnh hưởng khác xa với ĐB sông Cửu Long.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Đức: Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ mở website về ứng phó với biến đổi khí hậu để tiếp tục nhận được góp ý của các nhà khoa học và cả người dân.