ThienNhien.Net – Tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải y tế ở tỉnh Thái Bình ngày càng nghiêm trọng. Hàng ngày, chỉ một lượng nhỏ chất thải được thu gom xử lý theo đúng quy trình, còn một lượng lớn chất thải chỉ được xử lý thủ công, không đảm bảo vệ sinh. Rất nhiều rác, nước thải từ các bệnh viện, cơ sở y tế ở Thái Bình, nhất là các bệnh viện, cơ sở y tế ở tuyến huyện, xã chưa qua xử lý đã vô tư chảy ra sông, ao, hồ…Tình trạng này đang làm ô nhiễm môi trường nước mặt cũng như nước ngầm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là những người dân sống gần khu vực bệnh viện ở Thái Bình.
Thái Bình hiện có 20 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh và bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Lượng nước thải phát sinh hàng tháng đã được thống kê là hơn 33.000 m3, nhưng mới chỉ có Bệnh viện đa khoa tỉnh có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, còn lại 19 bệnh viện, cơ sở y tế kia đều không có hệ thống xử lý theo quy trình, hoặc nếu có thì cũng chỉ là hệ thống xử lý nước thải sơ bộ (hố ga).
Theo số liệu điều tra mới nhất, số lượng nước thải đã qua xử lý hàng tháng chỉ là hơn 3.000 m3 (khoảng 10% lượng nước thải y tế phát sinh hàng tháng). Ngoài ra, hàng tháng lượng chất thải rắn sinh hoạt thông thường phát sinh tại 20 bệnh viện này là khoảng hơn 100 tấn và biện pháp xử lý chủ yếu cũng chỉ là chôn lấp. Nguy hiểm hơn là hơn 52.000 kg chất thải rắn y tế nguy hại phát sinh hàng tháng (như: kim tiêm, băng bông, mô bệnh phẩm, găng tay cao su, gạc thấm máu, xác động vật xét nghiệm…) và biện pháp xử lý chủ yếu cũng chỉ là khử nhiễm khuẩn, đốt (không qua lò đốt chất thải y tế đúng tiêu chuẩn) và chôn lấp. Nhiều bệnh viện do khó khăn về kinh phí đã chôn lấp chất thải y tế ngay trong khuôn viên bệnh viện, không đúng quy trình và đảm bảo an toàn vệ sinh.
Nhằm hạn chế ô nhiễm môi trường, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư đã được đầu tư gần 3 tỷ đồng để xây dựng một lò đốt chất thải y tế đáp ứng tiêu chuẩn, công suất 500kg/ngày để xử lý những loại chất thải rắn y tế, nhưng chỉ vì thiếu kinh phí vận hành, nên đến nay lò đốt rác hiện đại này đang ngừng hoạt động.
Ông Nguyễn Trọng Bình, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình, cho biết: Ở các bệnh viện trên địa bàn tỉnh, hầu hết chất thải y tế chưa được phân theo đúng chủng loại, chưa được khử khuẩn khi thải bỏ. Nhà lưu chứa chưa đủ tiêu chuẩn, không bảo đảm vệ sinh và có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Cũng theo ông Bình, mặc dù hiểu rất rõ những ảnh hưởng của chất thải y tế đối với môi trường, nhưng việc đầu tư xây dựng một hệ thống xử lý đạt tiêu chuẩn là một việc làm quá sức đối với khả năng chi trả của bệnh viện. Vì vậy, từ nhiều năm nay, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh vẫn phải duy trì hình thức xử lý đơn giản đó là phân loại sơ bộ các chất thải rắn rồi đưa ra các hố chôn trong khuôn viên bệnh viện.
Ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình, cho biết: Trước tình hình ô nhiễm rác thải y tế trên địa bàn, tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, đề án… nhằm thực hiện Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH- HĐH đất nước. Ngành cũng phối hợp với các địa phương triển khai xây dựng và thực hiện nhiều đề tài, dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường, đặc biệt, quyết liệt hơn nữa đối với rác thải y tế. Đồng thời, tăng cường kiểm tra các cơ sở y tế vi phạm…song, dường như vẫn chỉ là “muối bỏ bể”.