ThienNhien.Net – So sánh voi hoang dã, voi sở thú và voi lao động, một nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Khoa Học của quốc tế mới đây đã công bố rằng cuộc sống giam cầm trong sở thú làm giảm đáng kể tuổi thọ của voi.
Các nhà nghiên cứu cho biết, chứng béo phì chính là nguyên nhân dẫn đến cái chết của những con voi trưởng thành trong sở thú. Chứng trầm uất cũng là yếu tố quan trọng gây nên cái chết của những con voi non bị giam cầm khi di chuyển qua các sở thú khác nhau. Chính vì vậy, các nhà khoa học đã khuyến cáo các sở thú không nên tiếp nhận những con voi mới nếu chưa thể đảm bảo cho chúng một môi trường sống thích hợp.
Tỷ lệ voi sở thú chết sơ sinh cao
Nghiên cứu tập trung vào cuộc sống của những con voi cái với quy mô khảo sát lên tới trên 4.500 cá thể. Các nhà khoa học nghiên cứu dựa trên quan sát, so sánh các con voi hoang dã tại Công viên quốc gia Ambosseli của Kenya, voi bị bắt lao động tại khu khai thác gỗ Myanmar, và voi ở các vườn thú châu Âu.
Đối với loài voi Châu Phi, tuổi thọ trung bình của những con voi bị giam cầm chỉ là 19 trong khi những con sống hoang dã có tuổi thọ trung bình lên tới 56. Tỷ lệ tử vong của những con voi được sinh ra trong vườn thú cũng cao hơn từ 2 đến 3 lần so với những con sinh ra trong tự nhiên.
Tiến sĩ Ros Clubb thuộc Tổ chức xã hội Bảo vệ Động vật của Hoàng gia Anh (RSPCA) cho biết, thức ăn và môi trường sống có ảnh hưởng quyết định đến tuổi thọ của voi trong sở thú: “Phần lớn số voi trong sở thú bị béo phì, điều này lý giải tình trạng chết non và tỷ lệ chết sơ sinh cao. Voi mẹ béo hơn nên voi con cũng to hơn và rất nhiều con chết ngay khi còn trong bụng mẹ.”
Tình trạng chết non cũng xảy ra ngày càng nhiều hơn với các loài động vật sinh ra trong tự nhiên bị giam cầm hoặc bị di chuyển qua các vườn thú. Tiến sĩ Clubb cho rằng chứng trầm cảm khi bị tách khỏi mẹ hoặc bầy đàn là nguyên nhân của tình trạng đó. Bà cho biết: “Trong tự nhiên chúng sống theo đàn lớn và ổn định, sự chia tách sẽ khiến chúng căng thẳng sợ hãi. Điều này được rút ra từ nghiên cứu trên các loài động vật khác.”
Voi lao động có tuổi thọ cao hơn
Tiến sĩ Khyune Mar, hiện đang công tác tại phòng Nghiên cứu khoa học về Động Thực vật thuộc Đại học Sheffield, từng làm việc cho công ty Gỗ xẻ Myanmar, một cơ quan thương mại trực thuộc Bộ Lâm nghiệp Myanmar chuyên dùng voi để kéo gỗ. Các phân tích về đời sống của những con voi châu Á lao động dựa trên số liệu mà Tiến sĩ Mar thu thập được trong nước.
Bà cho biết tuổi thọ dài đến 40 năm của voi lao động, so với 19 năm của các con voi sở thú là do điều kiện sống của chúng. Một nửa thời gian sống hàng ngày, những chú voi lao động tại Burma được sống trong môi trường tự nhiên. “Chúng tôi cho những con voi này lao động không quá 6 đến 8 tiếng một ngày. Thời gian còn lại chúng được tự do trong rừng, sống như những con voi hoang dã. Chúng có thể gặp và kết bạn với những con voi rừng. Chúng có đời sống của voi rừng, được rèn luyện và cung cấp thức ăn đầy đủ.”
Tiến sĩ cũng khuyến cáo có thể áp dụng những kinh nghiệm về cách đối xử với voi lao động cho các sở thú: “Voi sở thú có một cuộc sống vô cùng nhàm chán và đơn điệu. Chúng buộc phải sống trong diện tích chật hẹp, không được tự do đi lại, điều này khiến chúng càng thêm trầm uất. Cần tạo cho chúng môi trường sống rộng hơn, nguồn thức ăn phong phú và hợp lý hơn, kết hợp với các khu vực gần gũi thiên nhiên như đầm lầy và đồi núi.”
Bà cho rằng cần phải có một thông điệp mạnh mẽ, cứng rắn đối với các sở thú về vấn đề này: “Nếu vườn thú không có đủ không gian sống, thì tốt nhất – xin đừng nhận voi về.” Thêm vào đó, nên hạn chế di chuyển voi qua các vườn thú. Voi con cần được ở bên voi mẹ để tránh chứng trầm cảm có thể dẫn tới tử vong, đồng thời cần có tiêu chuẩn để phát hiện ra các dấu hiệu béo phì ở voi.
Dấu hiệu bất thường ở voi sở thú tại Anh
Một nghiên cứu độc lập khá chi tiết khác của các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Bristol về voi ở các sở thú nước Anh đã phát hiện ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sức khỏe và tâm lý của voi. Những dấu hiệu quan sát được cho thấy chứng trầm uất đang lan nhanh.
Nghiên cứu trên 77 con thú ở 13 sở thú trên cả nước Anh, các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng gần nửa số voi đang có biểu hiện khác thường. Chúng liên tục quay vòi, bước lên bước xuống và lặp đi lặp lại những bước đi như thế. Đó có thể là cách chúng phản ứng với chứng stress, nhưng hầu hết những biểu hiện cho thấy rõ ràng chúng đang phải sống trong môi trường không hề phù hợp với nhu cầu của chúng. Những con voi sống trong môi trường tự nhiên không có biểu hiện như vậy.
Nghiên cứu này cũng cảnh báo, trừ khi vấn đề về sức khỏe và tâm lý của voi được giải quyết, việc giam cầm voi tại các sở thú cần được xem xét lại.
Tiến sĩ Sherwin phát biểu: “Theo ý kiến của cá nhân tôi, nếu tạo cho chúng môi trường sống và điều kiện chăm sóc phù hợp thì chúng ta mới có thể nuôi một số ít voi trong các sở thú, nhưng chắc chắn không phải số lượng như tại các sở thú hiện nay.”
Diễn đàn Sở thú – Ban cố vấn độc lập về Sở thú của chính phủ Anh cho biết họ sẽ xem xét các phân tích thu nhận được và báo cáo với Bộ Môi trường, Lương thực và Nông nghiệp trong vòng 6 tháng tới.