ThienNhien.Net – Trong những năm qua, ngành công nghiệp khai khoáng và luyện kim đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Sản lượng khai thác tăng lên theo từng năm. Tuy nhiên, khoáng sản là nguồn tài nguyên không tái tạo. Nếu tiếp tục khai thác ồ ạt như hiện nay thì trong tương lai nguồn tài nguyên này sẽ dần cạn kiệt và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Trong thời gian qua, mặc dù công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến, sử dụng và sản xuất khoáng sản đã được tăng cường, các doanh nghiệp cũng đã chú trọng vào đầu tư công nghệ, nhưng hoạt động khai thác, chế biến vẫn thiếu quy hoạch cụ thể cho từng loại khoáng sản, khoáng sản xuất khẩu chủ yếu vẫn ở dạng thô, mức độ gây ô nhiễm và làm suy thoái môi trường vẫn chưa được cải thiện.
Một số nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là việc xây dựng quy hoạch thực hiện rất chậm, nhiều chính sách bất hợp lý còn tồn tại và tại một số địa phương, công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên còn bị buông lỏng.
Để ngành công nghiệp khai khoáng phát triển bền vững, Luật khoáng sản Việt Nam cần được nghiên cứu lại cho phù hợp với thông lệ quốc tế và hấp dẫn nhà đầu tư. Trên cơ sở đó cần xây dựng “Chính sách quốc gia về tài nguyên khoáng sản” làm cơ sở cho việc xây dựng quy hoạch cụ thể cho từng loại tài nguyên khoáng sản. Để chấm dứt việc xuất khẩu sản phẩm thô, ngoài việc xây dựng quy hoạch, cần phải có chính sách tăng cường đầu tư khâu chế biến sâu khoáng sản và luyện kim và thực hiện thị trường hóa giá sản phẩm khoáng sản. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp khoáng sản nhằm huy động vốn đầu tư đổi mới công nghệ, để cải tiến quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh.