ThienNhien.Net – Tại Hội nghị thượng đỉnh và triển lãm toa-lét thế giới thường niên diễn ra ở Ma-cao hồi tháng 11/2008, có rất nhiều mô hình nhà vệ sinh đã được giới thiệu, từ đơn giản như một chiếc hộp đục lỗ trong có túi ni-lông chứa chất thải và bột khử khuẩn với giá 50 USD cho tới một cái toa-lét công nghệ cao, có đầy đủ chế độ nóng/lạnh, vòi nước riêng dành cho nam,nữ, đèn đọc sách và một cổng USB kết nối máy nghe nhạc mp3 với giá 1.200 USD. Song, có một điều mà bất cứ đại biểu nào tham gia cũng phải bật hỏi – Nó có xả nước hay không?
Nhìn lại lịch sử phát triển toa-lét, chúng ta phải thừa nhận rằng công nghệ vệ sinh xả nước là một phát minh lớn, đã giúp thế giới thoát khỏi sự dơ bẩn, dịch tả và kiết lị. Song trong một bối cảnh mới, với nguồn tài nguyên nước ngày càng khan hiếm, nó lại trở thành một công nghệ cực kỳ tốn kém và gây lãng phí.
Jack Sim, người sáng lập Tổ chức Toa-lét thế giới (WTO) – một tổ chức chuyên thúc đẩy việc tìm kiểm các giải pháp vệ sinh bền vững, phát biểu “Trong tương lai, thế giới cần loại bỏ kiểu toa-lét này. Cái thái độ ‘gạt cần và thế là xong’ của chúng ta lâu nay đã đẩy chính chúng ta vào những vấn đề nan giải mới.”
Nếu bạn là một trong hàng triệu người có xu hướng ‘gạt cần là xong’, bạn đang lãng phí 22 lít nước có thể uống mỗi ngày. Nhưng điều đó chưa phải là hết bởi đằng sau nó mới là phần bị lãng quên. Đó là cả một quy trình dài dòng và tốn kém để người ta xử lý và đưa được dòng nước sạch đó đến với bạn, cũng là sự gia tăng lượng nước thải và chi phí xử lý nó sau khi bạn gạt cần nước bồn vệ sinh.
Rose George, tác giả của cuốn “Chất thải con người – một thế giới bị quên lãng và tại sao nó quan trọng?” cho biết quá trình lưu chuyển và xử lý loại chất thải này cũng thải ra lượng cácbon lớn. Người ta ước tính hệ thống cống rãnh ở Anh tiêu tốn năng lượng tương đương với năng lượng đầu ra của nhà máy nhiệt điện lớn nhất nước này, quy đổi khoảng 28,8 triệu tấn CO2/năm.
Sim cho rằng điều quan trọng nằm trong nhận thức của con người về rác thải và cách thức thải bỏ chúng. Con người cần chấm dứt việc trộn lẫn chất thải lỏng và rắn vào với nhau. “Ngay trong cơ thể chúng ta, tạo hóa đã phân tách hai con đường thải khác nhau. Chúng ta nên tuân theo sự sắp đặt tự nhiên này bằng cách sử dụng công nghệ toa-lét có khả năng tách phân và nước tiểu. Lúc đó, phân sẽ được ủ khí mê-tan làm để bón cho cây trồng. Còn nước tiểu được sử dụng trong sản xuất photpho, nitơ và thậm chí nước sạch có thể uống được. Dĩ nhiên, việc thuyết phục người ta tin và chịu uống loại nước sạch có nguồn gốc này không hề dễ dàng.”
Vệ sinh sinh thái đã phát triển và có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Ở các vùng nông thôn của Trung Quốc, 15,4 triệu gia đình đã dùng công nghệ đơn giản biến khí mê-tan thành năng lượng từ một cái hố ủ sau nhà. Chất thải được tập trung trong một hố ủ làm bằng kim loại, do nhà nước cấp. Tại đây, chất thải phân hủy, giải phóng nguồn nhiên liệu là khí mê-tan.
Ở thành phố Lille của Pháp, người ta cũng thiết lập một nhóm xe buýt dùng nhiên liệu khí mê-tan, thu hồi từ bãi chôn lấp rác của thành phố.
Và ở một vài ngôi làng của Ấn Độ, những nhà vệ sinh đơn giản phân tách nước tiểu và phân cũng được sử dụng để sản xuất các loại phân với chi phí rất thấp.
Đi ngược lại xu hướng lâu nay là sự đổi mới cách tân luôn xuất phát từ phương Tây, rất nhiều ý tưởng xuất sắc về cải thiện vệ sinh đến từ khu vực đang phát triển. Khoảng cách giữa các sáng kiến về vệ sinh và việc áp dụng đại trà quy mô lớn cho các đô thị đang ngày càng được lấp đầy bởi những người có tâm huyết như Jack Sim. Từ những trăn trở về việc thu gom và xử lý chất thải họ đã hình thành nên ý tưởng về một hệ thống vệ sinh ít tiêu tốn nước. Các chất thải thu gom được sau đó được tái sử dụng làm phân bón và nhiên liệu để thu hồi. Đặc biệt, điều này sẽ góp phần làm giảm chi phí xã hội thu gom và xử lý các chất thải này.
“Nhưng đối với nhiều người, điều đó sẽ rất khó chịu” – Geogre nói – “Thay vì chỉ gạt cần nước và mặc kệ nó, công nghệ mới mặc dù thuận tiện nhưng cũng có những yêu cầu bắt buộc. Vả lại, con người thường không thoải mái khi nói về chất thải của chính mình. Vì vậy, sẽ phải mất thời gian để người ta có thể chấp nhận một lối sinh hoạt mới”.