ThienNhien.Net – Dự án "Nghiên cứu cải tiến lò nung gạch đốt trấu ở Đồng bằng sông Cửu Long" do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) tài trợ, đã ứng dụng lò nung gạch đốt trấu liên tục của Thái Lan chế tạo cho tỉnh An Giang nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm môi trường, nhờ tận dụng nguồn trấu phế thải, phụ phẩm sẵn có trên địa bàn. Hiện dự án tiếp tục nhân rộng mô hình này đến các tỉnh Tây Ninh, Sóc Trăng, Đồng Tháp…
Lò nung gạch đốt trấu liên tục kiểu mới có thể khắc phục các nhược điểm của lò thủ công đang được sử dụng phổ biến, như hiệu suất sử dụng năng lượng cao, tiết kiệm 30% nhiên liệu so với lò thủ công, tỷ lệ sản phẩm đạt loại I cao; giảm phát thải ô nhiễm; chi phí xây dựng thấp (mỗi lò chỉ khoảng gần 2 triệu đồng kể cả hệ thống xử lý khí thải) và có thể nung được nhiều chủng loại sản phẩm khác như gạch, ngói, gốm…
Nguyên lý hoạt động của loại lò này là khi vận hành buồng nung, chế độ cháy trong buồng nung được điều chỉnh dần dần cho đến khi gạch trong buồng nung đạt độ chín. Công nhân có thể theo dõi nhiệt bằng cách nhìn qua lỗ quan sát lửa hoặc bằng đồng hồ đo nhiệt. Trong khi tiến hành nung gạch ở buồng đầu tiên, buồng kế cận tiến hành nung sơ bộ, không khí nóng sau khi qua buồng nung sơ bộ sẽ đi vào buồng sấy.
Như vậy khí thải ra từ buồng nung sẽ đi qua buồng nung sơ bộ và buồng sấy trước khi ra bên ngoài nên có nhiệt độ thấp, do đó khả năng tận dụng nhiên liệu rất cao. Bên cạnh đó do khí thải đi qua hai khối gạch của hai buồng kế cận sẽ có hiện tượng lọc sơ bộ, vì thế khí thải khi ra ngoài môi trường sẽ giảm ô nhiễm.