ThienNhien.Net – Cùng với điều kiện thay đổi của thời tiết, nhà nông có rất nhiều việc cần làm để chuẩn bị cho vụ mùa và dịp tết Nguyên đán sắp đến. Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư Quốc gia vừa qua đã khuyến cáo nhà nông một số việc cần làm trong tháng 1-2009 này.
I – TRUNG DU MIỀN NÚI PHÍA BẮC
1. Trồng trọt:
– Chăm sóc, bón phân cho rau, đậu, tỉa dặm lúa đông xuân. Tủ gốc, tưới ẩm qua đông cho chè, cà phê, cây ăn quả, chăm sóc cà phê giống, vườn giâm hom chè, giữ ẩm cho dâu cành mới trồng, chăm sóc, bón phân cho vải; bảo vệ và thu hoạch cây vụ đông.
– Gieo mạ xuân, làm đất cấy trà lúa xuân sớm, chống rét cho mạ đông xuân. Trồng rau vụ xuân, hoàn thành đốn chè cuối vụ, ươm chè cành vùng thấp.
– Theo dõi và phòng trừ bệnh đạo ôn, chuột trên mạ, các loại sâu hại rau họ thập tự, bệnh mốc sương hại cà chua, khoai tây.
– Chuẩn bị đất trồng hoa màu trên nương và ruộng 1 vụ. Thu hoạch, chế biến mía, trồng mía mới, thu hoạch các loại cây trồng vụ thu đông. Trồng khoai tây đông, xuân trước 10/1.
2. Chăn nuôi:
– Phòng chống đói, rét cho trâu bò bằng các biện pháp như tăng cường thức ăn chất lượng tốt; che chắn chuồng nuôi; mặc bao tải cho trâu bò. Trong những ngày rét đậm, có sương muối, nên cho trâu, bò đi muộn về sớm hoặc không thả ra ngoài; sưởi ấm cho gia súc non và trâu bò nếu có điều kiện.
– Vỗ béo đàn lợn, nuôi dưỡng tốt đàn gia cầm chuẩn bị thực phẩm cho Tết.
– Tăng cường công tác kiểm tra dịch, kiểm tra vệ sinh thú y và sản phẩm động vật lưu thông trên thị trường. Thời tiết thay đổi, mưa lạnh, ẩm ướt, gia súc, gia cầm hay mắc bệnh đường hô hấp, cần thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều trị. Lưu ý các bệnh sưng, cước chân trâu bò, bệnh lở mồm long móng.
– Giữ ấm cho tổ ong, cho ăn bổ sung vào những ngày nắng ấm.
3. Lâm nghiệp:
– Chuẩn bị đất trồng rừng: Phát dọn thực bì, cuốc hố trồng rừng. Chăm sóc vườn ươm cây giống, tủ gốc cho tre lấy măng.
– Phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng, nhất là bệnh sâu róm thông và phòng chống cháy rừng.
– Thu hái hạt tếch. Gieo thẳng hạt trẩu. Khai thác lâm sản theo thiết kế. Thiết kế và phê duyệt thiết kế trồng rừng.
4. Thủy sản
– Tiếp tục chăm sóc và phòng bệnh cho các loài cá nuôi.
– Thu hoạch cá nuôi.
– Tăng cường công tác phòng chống rét cho cá bố mẹ và cá giống qua đông.
II- ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG
1. Trồng trọt:
– Thu hoạch các cây trồng vụ đông, phòng trừ sâu bệnh trên rau màu vụ đông muộn. Làm đất, gieo trồng cây màu (lạc, ngô, đậu tương). Chăm sóc, bón phân đón hoa, thúc cành xuân cho cây ăn quả.
– Chuẩn bị vật tư nông nghiệp. Gieo mạ dược trà xuân sớm.
2. Chăn nuôi:
– Chủ động phòng chống đói, rét cho trâu bò: tăng cường thức ăn chất lượng tốt; che chắn chuồng nuôi; giữ trâu bò trong chuồng vào những ngày rét đậm.
– Chăm sóc tốt lợn nái nuôi con, lợn con theo mẹ để chuẩn bị cho việc bổ sung đàn sau Tết. Vỗ béo đàn lợn, đàn gia cầm phục vụ Tết Nguyên Đán.
– Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát gia súc, gia cầm lưu thông trên thị trường. Chú ý phòng các bệnh dịch tả, thương hàn trên đàn lợn. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều trị bệnh gia súc, gia cầm.
3. Lâm nghiệp:
– Làm đất vườn gieo ươm cây giống. Chuẩn bị đất trồng rừng: phát dọn thực bì, cuốc hố.
– Chăm sóc vườn ươm cây giống. Phòng trừ sâu bệnh hại cây rừng và phòng chống cháy rừng.
4. Thuỷ sản
a. Nuôi trồng thủy sản
– Tiếp tục thu hoạch tôm, cỏ.
– Làm vệ sinh lồng, bãi nuôi nhuyễn thể. Đối với các giàn nuôi nhuyễn thể và bè nuôi cá cần lưu ý hạ độ sâu để phòng chống rét cho đối tượng nuôi.
– Các Trung tâm giống và cơ sở nuôi lưu giữ cá bố, mẹ tăng cường công tác phũng chống rét cho cá bố mẹ và cá giống qua đông.
b. Khai thác thủy sản
– Nghề lưới rê: Rê 3 lớp, rê cá phèn, cá thu, cá chim, rê ghẹ.
– Nghề lưới kéo: Kéo đơn, kéo đôi
– Nghề vây ánh sáng.
– Nghề câu mực.
III- DUYÊN HẢI BẮC TRUNG BỘ
1. Trồng trọt:
– Thu hoạch xong cây trồng vụ đông. Gieo mạ trà lúa xuân ngắn ngày bằng các giống lúa lai, lúa thuần. Cấy lúa xuân sớm trong tháng 1. Kết thúc trà lúa xuân dài ngày trước 20/1.
– Phòng chống rét cho mạ đông xuân. Kết thúc gieo lạc xuân ở vùng thấp (trung du), miền núi, trước 10/2.
– Tiếp tục đốn, tạo tán kết hợp bón phân thúc đạm để chè phát lộc. Triển khai làm vườn ươm chè, cà phê. Chăm sóc vườn ươm cây ăn quả.
– Tổ chức diệt chuột, phòng trừ bệnh gỉ sắt, bệnh thán thư, rệp sáp trên cây cà phê; bệnh trắng lá, than đen hại mía; sương mai cà chua; thối nhũn bắp cải; đốm lá hành; sâu đục quả, sâu tơ, sâu xanh hại rau màu; bệnh thối nõn dứa.
2. Chăn nuôi:
– Tăng cường thức ăn chất lượng tốt cho trâu bò. Có biện pháp chống rét như che chắn chuồng nuôi. Nên cho trâu bò đi làm muộn, về sớm.
– Vỗ béo gia súc, gia cầm phục vụ tiêu thụ vào dịp Tết
– Thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện dịch bệnh và điều trị. Phòng chống các bệnh truyền nhiễm thường gặp: lở mồm long móng, tụ huyết trùng trâu bò, dịch tả lợn, hội chứng tiêu chảy ở lợn.
3. Lâm nghiệp:
– Làm đất vườn gieo ươm cây giống. Chăm sóc cây ươm và bảo vệ rừng.
– Phòng chống sâu bệnh hại rừng như sâu róm thông và phòng chống cháy rừng.
4. Thuỷ sản:
a. Nuôi trồng thủy sản
– Tiếp tục thu hoạch tôm, cá nuôi.
– Tăng cường công tác phòng chống lụt, bão.
– Chuẩn bị cơ sở vật chất chống rét cho cá bố mẹ và cá giống qua đông.
b. Khai thác thủy sản
– Nghề lưới rê cá thu, cá ngừ
– Nghề rê trôi tầng đáy.
– Nghề lưới kéo tôm.
– Câu mực
IV- DUYÊN HẢI NAM TRUNG BỘ
1. Trồng trọt:
– Xuống giống cây rau màu vụ đông xuân. Trồng và chăm sóc cây trồng cạn, đậu, bắp lai.
– Chăm sóc, làm cỏ sục bùn, bón phân thúc kịp thời, đúng quy trình kỹ thuật cho các trà lúa đã cấy. Bón phân kết hợp tỉa cành vệ sinh cho vườn điều kinh doanh, vun gốc cho điều thời kỳ kiến thiết cơ bản. Thu hoạch mía nguyên liệu. Làm đất trồng mía vụ đông xuân, chăm sóc mía gốc.
– Phòng trừ kịp thời các loại sâu bệnh hại: lúa (bọ trĩ, sâu năn, bệnh đạo ôn), sâu đục thân, bệnh thán thư hại điều, xoài…
2. Chăn nuôi:
– Phòng chống rét cho đàn gia súc, gia cầm (đặc biệt là gia súc, gia cầm non, trâu bò già, gầy yếu).
– Vỗ béo gia súc, gia cầm thương phẩm chuẩn bị phục vụ Tết.
– Tăng cường công tác vệ sinh, tiêu độc chuồng trại; theo dõi sát tình hình dịch cúm gia cầm để khống chế kịp thời khi dịch xảy ra. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều trị dịch bệnh gia súc, gia cầm. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát lưu thông vận chuyển gia súc, gia cầm.
3. Lâm nghiệp:
– Thu hái hạt giáng hương. Chăm sóc rừng trồng và phòng trừ sâu bệnh.
– Phòng chống cháy rừng.
4. Thuỷ sản:
a. Nuôi trồng thủy sản
– Chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho những loài tôm, cá nuôi.
– Thu hoạch tôm, cá nuôi.
– Tăng cường công tác phòng chống lụt, bão.
b. Khai thác thủy sản
– Nghề câu mực
– Nghề giã cào.
– Nghề câu cá Ngừ Đại dương.
V- TÂY NGUYÊN
1. Trồng trọt:
– Tiếp tục gieo cấy lúa đông xuân. Trồng và chăm sóc các cây rau, hoa, màu. Tủ gốc, làm cỏ và tưới nước, giữ ẩm các loại cây công nghiệp dài ngày, chăm sóc cây con trong vườn ươm.
– Tiếp tục thu hoạch cà phê. Phòng trừ sâu bệnh cho cây điều trong thời kỳ ra hoa, trái.
2. Chăn nuôi:
– Phòng chống đói, rét cho gia súc: tăng cường thức ăn dinh dưỡng cho gia súc, che chắn chuồng nuôi. Giữ ấm, tránh gió lùa cho bê, nghé để phòng viêm phổi.
– Giữ ấm cho lợn con, tránh lạnh và ẩm ướt. Chống rét cho ong, cho ong ăn bổ sung vào những ngày nắng ấm. Thu hoạch mật ong trên hoa cà phê.
– Thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều trị dịch bệnh gia súc, gia cầm. Phun thuốc sát trùng chuồng trại chăn nuôi gia cầm.
– Tăng cường kiểm soát giết mổ, kiểm dịch động vật chặt chẽ.
3. Lâm nghiệp:
Phòng chống cháy rừng. Chăm sóc rừng trồng.
4. Thuỷ sản:
– Thu hoạch cá.
– Chuẩn bị cơ sở vật chất nuôi lưu giữ cá bố, mẹ và cá giống qua đông.
VI- ĐÔNG NAM BỘ
1. Trồng trọt:
– Thu hoạch ca cao, tiêu, điều, mía, rau các loại
– Chăm sóc, tưới và phòng trừ sâu bệnh cho cây ăn quả (sầu riêng, măng cụt, Bưởi…). Vệ sinh vườn cao su, phòng chống cháy.
2. Chăn nuôi:
– Có các biện pháp chăm sóc nuôi dưỡng tốt gia súc, gia cầm non, trâu bò già yếu; luôn giữ chuồng nuôi sạch sẽ, thông thoáng.
– Tăng cường thức ăn chất lượng tốt để vỗ béo gia súc, gia cầm thương phẩm chuẩn bị bán vào dịp Tết Nguyên Đán.
– Thường xuyên theo dõi sức khỏe gia súc, gia cầm. Định kỳ vệ sinh tiêu độc chuồng trại chăn nuôi gia cầm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ và lưu thông gia súc, gia cầm, đặc biệt quanh các khu đô thị, vào những ngày giáp Tết.
3. Lâm nghiệp:
– Thu hái hạt gõ đỏ, cẩm lai, giáng hương, cẩm xe, bằng lăng cườm, tếch.
– Chăm sóc rừng. Phòng chống cháy rừng
4. Thuỷ sản:
– Tăng cường công tác phòng chống lụt bão.
– Tiến hành thu hoạch tôm cá.
VII- ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
1. Trồng trọt:
– Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh kịp thời trên lúa và rau màu vụ đông xuân.
– Thu hoạch rau màu: dưa hấu, mướp đắng (khổ qua), dưa leo… các loại rau, phục vụ tết Nguyên Đán.
– Trên vườn cây ăn quả: vệ sinh, cắt tỉa loại bỏ cành nhánh bị sâu bệnh, chăm sóc, bón phân cho cây sớm phục hồi sau mùa lũ. Kiểm tra, bảo vệ trái cho vườn xoài, bưởi, cam, quýt…chuẩn bị cho dịp tết Nguyên Đán.
2. Chăn nuôi:
– Chú ý chăm sóc đến gia súc, gia cầm non, trâu bò già yếu; tăng cường thức ăn dinh dưỡng cho gia súc; giữ chuồng nuôi thông thoáng, sạch sẽ.
– Sử dụng thức ăn chất lượng cao để vỗ béo gia súc, gia cầm thương phẩm chuẩn bị phục vụ cho Tết Nguyên Đán
– Chuẩn bị dự trữ nước uống ngọt, sạch cho gia súc, gia cầm vào mùa khô
– Thường xuyên theo dõi, kiểm tra để kịp thời phát hiện và điều trị dịch bệnh gia súc, gia cầm. Phun thuốc sát trùng chuồng trại chăn nuôi gia cầm. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát giết mổ và lưu thông gia súc, gia cầm.
3. Lâm nghiệp:
– Phòng chống cháy rừng. Chăm sóc rừng. Khai thác rừng tràm, đước.
4. Thuỷ sản:
– Tiếp tục thả giống cá tra, cá ba sa.
– Chủ động phòng chống dịch bệnh cho tôm, cá nuôi