ThienNhien.Net – Từ hàng nghìn năm nay, người ta vẫn đi lại và vận chuyển hàng hóa trên dòng Mê Kông. Song gần đây, con sông đã được đầu tư để phát triển giao thông đường thuỷ nhiều hơn bao giờ hết. Ở vùng thượng nguồn, Trung Quốc không ngừng mở rộng quy mô hoạt động đầu tư hợp tác, còn ở khu vực hạ lưu các dự án của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cũng đang được triển khai. Cơ sở hạ tầng giao thông hiện đại là hết sức cần thiết đối với sự phát triển kinh tế của khu vực này, nhưng các nhà nghiên cứu cũng khuyến cáo rằng các hoạt động đầu tư cần được xem xét một cách cẩn trọng để giảm thiểu những mạo hiểm và rủi ro cho môi trường và con người nơi đây.
Lâu nay, giao thông đường thuỷ trên dòng Mê Kông vẫn thường bị gián đoạn bởi các chướng ngại vật tự nhiên. Các tàu chở hàng vào từ cửa biển Đông chỉ có thể di chuyển mạn rìa phía trên nhánh sông bắt nguồn từ Phnôm Pênh mà không thể nào ngược dòng để vào tới Lào, do bị chặn bởi ghềnh Sambor và thác Khone.
Đối với Trung Quốc, việc đi lại và vận chuyển trên sông Lan Thương (sông Mê Kông theo cách gọi của người Trung Quốc) chỉ mới hình thành vào năm 1990, khi Trung Quốc triển khai năm tàu quân sự lớn khảo sát lập bản đồ khúc sông xuôi từ vùng thượng nguồn nằm trên lãnh thổ nước này xuống tới thủ đô Viêng Chăn của Lào.
Tiếp đó, dự án kinh tế bốn bên được ký kết giữa Trung Quốc, Lào, Myanmar và Thái Lan đã trở thành cơ hội thương mại thúc đẩy sự phát triển của sông Mê Kông. Trung Quốc đã bắt đầu triển khai chương trình nạo vét lòng sông, phá huỷ các ghềnh thác, đá ngầm và cồn cát; đồng thời xây dựng các dự án thuỷ điện ở tỉnh Vân Nam, đến nay một số đã đi vào vận hành.
Trung Quốc cũng đề ra mục tiêu là xây dựng luồng lưu thông giữa cảng Simao ở tỉnh Vân Nam và tỉnh Luông Phra-băng của Lào cho tàu biển trọng tải 500 mã lực và xây dựng khoảng 12 cảng sông trên tuyến đường này.
Các đập Xiaowan, Manwan, Lancang được xây dựng nhằm cung cấp nguồn điện giá rẻ cho ngành năng lượng ở tỉnh Vân Nam và một số tỉnh khác của Trung Quốc, đồng thời được kỳ vọng sẽ ổn định được mực nước sông, giảm lưu lượng nước và tăng độ sâu của lòng sông nhằm phát triển giao thông thuỷ.
Tuy nhiên, các dự án này bước đầu đã cho thấy ảnh hưởng tiêu cực tới mực nước sông. Lưu lượng dòng chảy giảm khiến các con kênh bị tắc nghẽn do tích tụ bùn. Mặc dù vậy, Trung Quốc vẫn khẳng định tình hình sẽ được cải thiện khi các hồ chứa đầy nước.
Các ý kiến phản bác biện pháp can thiệp sâu đến dòng Mê Kông cho rằng việc phá huỷ các ghềnh thác, bãi đá ngầm, cồn cát tự nhiên sẽ để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng tới hơn 1.300 loài cá của Mê Kông và môi trường thủy sinh nói chung. Luồng ý kiến này cũng phê phán các dự án đầu tư còn quan tâm quá ít đến vấn đề ô nhiễm, trong khi thực tế ô nhiễm ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của hoạt động giao thông đường thuỷ.
Trong khi đó, Thái Lan cũng đang tăng cường hoạt động thương mại trên sông bằng cách phát triển cơ sở hạ tầng ở tỉnh Chiang Khong và xây dựng một hải cảng mới ở Chiang Saen. Sở dĩ người ta xây dựng cảng mới này vì cảng Chiang Saen cũ được nằm trong khu vực ít tăng trưởng, bị kìm hãm bởi các giá trị văn hoá và truyền thống địa phương.
Hàng hoá của Thái được coi là tốt hơn hàng Trung Quốc, song không thể cạnh tranh về mặt giá cả. Mặc dù thị trường rộng lớn của Trung Quốc đầy tiềm năng đối với mặt hàng hoa quả và các loại rau của Thái Lan, song nông dân Thái Lan đang phải đương đầu với sản phẩm cùng loại nhưng có giá rẻ hơn xuất xứ từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc. Họ sẽ còn tiếp tục chịu sức ép kiểu này cho tới khi việc lưu thông được đẩy mạnh và các thị trường cân bằng nhau.
Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã chuyển hướng từ việc nhập khẩu và vận chuyển dầu từ châu Phi và Trung Đông sang việc tận dụng dòng Mê Kông để vận chuyển dầu, tiết kiệm chi phí đồng thời tránh rủi ro bị cướp biển. Dầu tinh được vận chuyển qua sông Mê Kông tới bến cuối Guanlei của cảng Jinghong thuộc tỉnh Vân Nam, sau đó được phân phối trong tỉnh qua hệ thống ống dẫn dầu.
Các nỗ lực xa hơn của Trung Quốc để bảo vệ nguồn cung cấp dầu được biết tới trong một thoả thuận gần đây nhằm phát triển một hải cảng mới khổng lồ nằm trên đảo Ramree của Myanmar. Hải cảng này không những là một cửa ngõ lưu thông hàng hoá cho tỉnh Vân Nam mà sẽ hoạt động đồng thời với hệ thống ống dẫn dầu nối tỉnh Vân Nam với Ấn Độ Dương trong tương lai.
Myanmar và Lào cũng đang tăng cường các nỗ lực nhằm thu lợi từ việc phát triển hoạt động thương mại đường thuỷ. Hải cảng Wan Seng và Wan Pong của Myanmar là cửa ngõ lưu thông cho hàng Trung Quốc giá rẻ.
Gần đây, công ty dầu khí Xishuangbanna của Trung Quốc đã ký thỏa thuận chung với một công ty của Lào để xuất khẩu dầu diesel và xăng qua Lào trên tuyến đường vận chuyển. Điều này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và làng Xiengkok yên bình bên sông Mê Kông sẽ biến thành một hải cảng hiện đại.
Mặc dù Trung Quốc phải nhập khẩu dầu từ Thái Lan, nhưng việc vận chuyển dầu diesel và xăng qua Lào được đánh giá cao hơn do có chi phí thấp hơn.
Ghi nhận rằng Trung Quốc đã hỗ trợ đáng kể cho việc nâng cấp các cảng sông ở Cam-pu-chia cũng như tiến hành nạo vét ở hạ lưu sông Mê Kông, và thậm chí là cả dự án xây dựng kênh ở ghềnh Sambor nhằm thúc đẩy việc lưu thông tàu bè. Các hoạt động này được được thực hiện cùng với đề nghị của Trung Quốc hỗ trợ tài chính cho các dự án thuỷ điện trong tương lai ở Cam-pu-chia, trong đó một số dự án đã được khảo sát.
Khó khăn chủ yếu trong hoạt động giao thông thuỷ giữa Phnom Penh và lưu vực sông Cửu Long của Việt Nam là thiếu nguồn vốn hỗ trợ toàn diện. Hiện nay khó khăn này đang được giải quyết bởi chương trình giao thông đường thuỷ của Uỷ ban sông Mê Kông.
Dấu kênh, phao, cột mốc và điểm bờ được thiết lập để hỗ trợ cho giao thông thuỷ và tăng hiệu quả vận tải bằng đường thuỷ từ Phnom Penh tới biển Đông. Các dự án cũng đang được xem xét như nạo vét và mở rộng sông Hậu ở lưu vực sông Cửu Long nhằm cho phép các tàu trọng tải từ 10.000 đến 20.000 tấn có thể di chuyển qua tỉnh Trà Vinh. Sông Hậu là một nhánh của sông Mê Kông và là cửa sông lớn thứ hai nối ra biển Đông.
Không thể phủ nhận rằng tăng trưởng kinh tế là động lực quyết định đằng sau quá trình phát triển trên sông Mê Kông. Việc hình thành mạng lưới giao thông hiện đại rõ ràng là giải pháp cần thiết để tăng thêm cơ hội phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng hai đặc điểm nổi bật của sông Mê Kông là mức đa dạng sinh học rất cao và sự phụ thuộc sinh kế của cộng đồng dân cư vào môi trường tự nhiên rất lớn. Các yếu tố này tạo nên sự phát triển cân bằng của nguồn sống đặc thù và vô cùng phức tạp nơi đây.
Tuy nhiên đến nay, vẫn còn rất ít nghiên cứu về tác động môi trường và kinh tế xã hội của quá trình phát triển giao thông thuỷ trên sông Mê Kông. Cần phải nhắc lại rằng nếu các dự án dù cho với mục tiêu cao đẹp là tạo ra sự phát triển đồng đều cho khu vực nhưng nếu triển khai thiếu thận trọng rất có thể phản tác dụng, gây ra thảm hoạ cho đời sống của các cộng đồng dân cư nằm trong chính các dự án phát triển đó.