ThienNhien.Net – Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã chặn đứng triển vọng tăng trưởng của các nước đang phát triển và làm suy giảm mậu dịch thế giới lần đầu tiên kể từ năm 1982. Sự chững lại mạnh mẽ này làm giá hàng hóa giảm sâu, kết thúc thời kỳ lịch sử kinh tế phát triển kéo dài 5 năm. Tháng 12/2008, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra bản báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu 2009, xem xét ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính đối với sự tăng trưởng GDP trên toàn cầu. Bản báo cáo đã ghi nhận sự chững lại rõ rệt trên toàn thế giới, thậm chí ở cả những nước đang trên đà phát triển mạnh mẽ trước đây.
Khủng hoảng toàn cầu đánh vào các nước đang phát triển
Trong mục Triển vọng kinh tế toàn cầu, bản báo cáo dự đoán, sự tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm mạnh từ 2,5% trong năm 2008 xuống 0,9% trong năm 2009. Sự tăng trưởng của các nước đang phát triển cũng được dự đoán sẽ giảm từ mức rất ấn tượng của năm 2007 – 7,9% – xuống còn 4,5% trong năm 2009. Sự tăng trưởng ở các nước giàu trong năm tới có thể cũng không mấy khả quan.
Hans Timmer, trưởng nhóm Xu Thế Toàn Cầu, thuộc nhóm tư vấn Triển Vọng Phát Triển của WB phát biểu: “Chúng ta thấy rằng nền kinh tế toàn cầu đang chuyển đổi từ một giai đoạn dài tăng trưởng mạnh với sự dẫn đầu của các nước đang phát triển đến một giai đoạn bất ổn do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Sự chững lại ở các nước đang phát triển là rất đáng lo ngại bởi vì việc thắt chặt tín dụng trực tiếp ảnh hưởng tiêu cực đến các khoản đầu tư, vốn là đòn bẩy đối với thành tích tăng trưởng của các nước này trong suốt 15 năm qua”.
Với điều kiện tín dụng chặt chẽ hơn và độ rủi ro cao hơn, chỉ số tăng trưởng đầu tư tại các nước đang phát triển được dự đoán sẽ giảm từ 13% trong năm 2007 xuống 3,5% trong năm 2009. Những con số này thực sự đáng lo ngại vì 1/3 tăng trưởng GDP của các nước này dựa vào nguồn đầu tư.
Timmer và các nhà kinh tế tại WB dự đoán giao dịch thương mại thế giới sẽ giảm 2.1% trong năm 2009. Đây là lần đầu tiên thương mại toàn cầu sụt giảm kể từ năm 1982. Kéo theo đó, xuất khẩu của tất cả các nước sẽ sụt giảm do cầu giảm mạnh đồng thời với sự giảm sút tín dụng xuất khẩu.
Triển vọng năm 2009 ở các khu vực đang phát triển
Tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, sự tăng trưởng GDP đã chậm lại, chỉ đạt khoảng 8,5% vào năm 2008 và được dự đoán chỉ còn 6,7% vào năm 2009. Khu vực này bị ảnh hưởng tiêu cực do việc bán tháo cổ phiếu và sự sụt giảm nhanh của kim ngạch xuất khẩu. Tăng trưởng của Trung Quốc được dự đoán giảm từ 9,4% trong năm 2008 xuống còn 7,5% trong năm 2009, nhưng gói kích thích kinh tế 586 tỷ USD được thông qua gần đây có thể giúp nước này quay lại mức 8,5% vào năm 2010.
Tăng trưởng GDP ở Châu Âu và Trung Á được dự đoán giảm chỉ còn 5,3% năm 2008, và 2,7% vào năm 2009. Tình trạng này bị chi phối bởi đầu tư giảm gắn liền với các điều kiện tài chính khó khăn và nhu cầu thị trường xuất khẩu sụt giảm. Tăng trưởng của Nga có thể giảm từ 8,1% năm 2007 xuống 6% năm 2008 vì khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ.
Tại Mỹ La tinh và Ca-ri-bê, mức tăng trưởng GDP từng được dự đoán là 4,4% năm 2008 hiện đang gặp khó khăn, gây sức ép lên đầu tư của khu vực tư nhân. Khi giá cả hàng hóa giảm sút, các nước xuất khẩu chủ yếu như Argentina có thể gánh chịu sự thâm hụt tài khoản vãng lai.
Các nước khác như Braxin và Mê-hi-cô sẽ chứng kiến sự sụt giảm xuất khẩu do suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ và Châu Âu, hai thị trường nhập khẩu lớn của thế giới. Triển vọng của khu vực Mỹ La tinh và Ca-ri-bê được dự đoán là sẽ xấu đi vào năm 2009, với GDP giảm xuống còn 2,1% do sự giảm sút trong đầu tư.
Kinh tế khu vực Trung Đông và Bắc Phi có vẻ khá ổn định trong năm 2008, tăng trưởng ở mức không đổi là 5,8%. Tuy nhiên, con số này đã không phản ánh sự thay đổi đáng kể trong thương mại, tài khoản vãng lai và nhu cầu vay vốn từ bên ngoài. Khi các nhà xuất khẩu dầu phải đối mặt với doanh thu giảm trong 2009, sự tăng trưởng được dự đoán chỉ còn 3,9% trong năm 2009.
Tăng trưởng tại Nam Á từ 8,4% năm 2007, giảm chỉ còn 6,3% trong năm 2008 và dự đoán chỉ còn 5,4% năm 2009. Giá cả nhiên liệu và lương thực tăng cao, điều kiện tín dụng thắt chặt cũng như nhu cầu nước ngoài sụt giảm dẫn đến tình trạng bất lợi của các tài khoản từ bên và sự chững lại của đầu tư. Sự ngừng trệ này rất rõ ràng ở Ấn Độ và Pakistan, nơi sản xuất công nghiệp giảm sút nhanh chóng và đáng kể.
Khu vực châu Phi vùng cận Sa-ha-ra, sự tăng trưởng đạt 5,4% trong năm 2008 được dự đoán giảm xuống 4,6 % năm 2009. Nhưng sự đóng góp của xuất khẩu ròng đối với sự tăng trưởng GDP có thể giảm, và nhiều nước phải chịu cú sốc về tỷ giá thương mại. Giá cả nhiên liệu và lương thực cao cũng làm gia tăng khoảng cách về nghèo đói, đồng nghĩa với gia tăng bất ổn xã hội.
Hàng hóa trước bước ngoặt khủng hoảng
Sự giảm sút nhanh chóng gần đây của giá dầu và lương thực đánh dấu sự kết thúc của thời kỳ giá cả hàng hóa tăng mức lịch sử trong thế kỷ trước. Cũng giống như các thời kỳ tăng trưởng trước đây, thời kỳ này được đánh dấu bằng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ toàn cầu và kết thúc bằng sự ngừng trệ đột ngột của kinh tế thế giới trước cuộc khủng hoảng tài chính.
Giai đoạn bùng nổ thương mại kéo dài 5 năm, số lượng hàng hóa và giá cả tăng vọt đã phản ánh sức bật trong tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển trong cả thời kỳ.
Từ đầu năm 2003 đến giữa năm 2008, giá dầu tăng đến 320%, và giá lương thực giao dịch quốc tế cũng tăng tới 138%. Tuy nhiên thời kỳ tăng vọt kéo dài này đã kết thúc, mặc dù các ảnh hưởng xã hội của nó vẫn còn. Giá cả đã giảm, không còn dấu hiệu nào của những đợt tăng trước đó, do sự tăng trưởng GDP chậm lại, các nguồn cung tăng và các nhu cầu được tính toán lại.
Tuy nhiên, giá lương thực và giá dầu vẫn cao hơn một chút so với giai đoạn đầu của thời kỳ phát triển bùng nổ và được dự đoán trong vòng 20 năm tới sẽ giữ ở mức cao hơn những năm 1990, do phải đáp ứng nhu cầu sản xuất nhiên liệu sinh học từ ngũ cốc. Giá dầu có thể đạt trung bình khoảng 75$/thùng trong năm 2009, và trong vòng 5 năm tiếp theo, giá lương thực thực tế trên toàn cầu được dự báo sẽ duy trì ở mức cao hơn khoảng 25% so với những năm 1990.
Tuy nhiên, bản báo cáo cho rằng trong tương lai cung và cầu của các mặt hàng chủ chốt như dầu và lương thực có thể được cân bằng dựa vào các chính sách đúng đắn đối với ngành năng lượng và nông nghiệp.
Toàn cảnh về cung-cầu dài hạn đối với dầu, kim loại và lương thực
Mặc dù có sự giảm sút về giá cả hàng hóa, các mối quan tâm thường trực về cung và cầu dài hạn, cũng như về ảnh hưởng của giá cả hàng hóa cao lên người dân nghèo vẫn còn. Các tác giả của báo cáo đã nghiên cứu khả năng đứng trước một giai đoạn thiếu thốn nguồn cung dầu, kim loại, và ngũ cốc của thế giới. Họ cũng đồng thời xem xét mức độ ảnh hưởng của nó tới người nghèo và cách thức có thể giúp đỡ họ.
Andrew Burns, trưởng nhóm tác giả phát biểu: “Chúng tôi nhận thấy rằng, hoạt động tích trữ lương thực và năng lượng trước bối cảnh thiếu hụt sắp tới không được chuẩn bị tốt, và rằng thế giới sẽ không cạn kiệt các hàng hóa chủ chốt nếu có chính sách đúng đắn. Tương lai trong vòng 20 năm tới còn phụ thuộc vào hành động của chính quyền các nước. Họ phải tìm cách giảm sự phụ thuộc vào dầu lửa, phát triển năng lượng thay thế, chống lại biến đổi khí hậu và thúc đẩy năng suất nông nghiệp.”
Tại sao hàng hóa không nhanh chóng trở nên khan hiếm? Đó là vì kinh tế thế giới đang bước vào một giai đoạn mới, tăng trưởng chậm chạp hơn, do gia sự tăng dân số bị hãm lại, tỷ lệ người già tăng tại các nước thu nhập cao và sự tăng trưởng chững lại tại một số nước lớn đang phát triển. Bên cạnh đó, tiến bộ kỹ thuật cũng làm giảm thiểu lượng năng lượng và lương thực tiêu dùng trên mỗi đơn vị GDP. Nhu cầu về kim loại của Trung Quốc, vốn chiếm phần nhiều trong việc tăng nhu cầu kim loại của thế giới, được dự đoán là sẽ dần đi vào ổn định, sau đó giảm xuống cùng nhu cầu thế giới.
Nhu cầu về xe hơi và xe tải mới tại các nước đang phát triển có thể chiếm đến 75% nhu cầu năng lượng tăng thêm từ nay đến năm 2030, do vậy tiết kiệm năng lượng trong giao thông là rất quan trọng. Các giải pháp tiết kiệm năng lượng tiềm năng này bao gồm xe hơi chạy bằng năng lượng kết hợp, điện năng và thuỷ năng.
Với sự gia tăng dân số giảm, thế giới khó có thể cạn kiệt lương thực. Nhưng đối với một số nước có sự tăng trưởng nhanh về dân số, cung có thể không theo kịp cầu, đặc biệt tại Châu Phi. Các nước này cần đẩy mạnh năng suất nông nghiệp nội địa bằng cách cải thiện các hệ thống đường sá nông thôn và tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển nông nghiệp.
Burns nhấn mạnh: “Biến đổi khí hậu có thể làm giảm năng suất nông nghiệp xuống mức 25% vào năm 2080 nếu không có sự can thiệp của con người. Còn rất nhiều lĩnh vực cần có chính sách hành động, bao gồm cả việc hỗ trợ cải tiến kỹ thuật.”
Giá cả lương thực có thể sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới giá dầu do việc tăng cường sản xuất nhiên liệu sinh học từ cây lương thực. Tuy nhiên, các kỹ thuật mới như nhiên liệu sinh học có nguồn gốc phi lương thực và các loại năng lượng thay thế khác có thể biến năng lượng có nguồn gốc từ cây lương thực thành nguồn năng lượng lãng phí.
Các nước giàu tài nguyên đã quản lý thu nhập từ nguồn của cải quý giá này một cách hiệu quả và thận trọng hơn trong quá khứ, và vì thế họ được chuẩn bị tốt hơn trong việc sụt giá hiện nay. Tuy nhiên những nước có nguồn tài nguyên mới được khám phá và những nước phụ thuộc nặng nề vào nguồn vay ngân hàng có thể gặp rủi ro.
Ảnh hưởng của giá cả hàng hóa tăng đối với tình trạng đói nghèo
Cuối cùng, báo cáo nhấn mạnh, giá cả hàng hóa cao – đặc biệt về lương thực – đã ảnh hưởng sâu sắc lên tình trạng đói nghèo; làm số người dưới ngưỡng nghèo đói tăng từ 130 lên 155 triệu người trong khoảng từ tháng 12/ 2005 đến tháng 12/ 2007. Ảnh hưởng xấu nhất là ở các khu vực đô thị. Trong khi các chính sách nhà nước tác động nhanh chóng để bù lại các ảnh hưởng tồi tệ nhất của đợt tăng giá cả, phần nhiều trong các nỗ lực này không đạt đúng mục tiêu mặc dù chi phí cao.
Burns kết luận: “ Trong thời gian tới, các chương trình hỗ trợ xã hội cần được đặt mục tiêu tốt hơn để khi các chương trình này được xúc tiến trong trường hợp khủng hoảng, một phần lớn số viện trợ phải được chuyển tới tay những người cần sự giúp đỡ nhất. Cần có những hành động toàn cầu ngăn chặn việc cấm xuất khẩu ngũ cốc, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức như Chương trình lương thực thế giới, phát triển thông tin cũng như đẩy mạnh sự phối hợp của các quỹ dự trữ lương thực”.