ThienNhien.Net – Tại Quyết định số 53/2008/QĐ-BCT ban hành ngày 30/12/2008, Bộ Công Thương đã phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020. Theo đó nhấn mạnh ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, có vai trò nền tảng thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác. Cụ thể là các ngành: Điện tử – tin học, Cơ khí, Luyện kim, Hóa chất, Chế biến thực phẩm và Năng lượng.
Đó cũng là những ngành công nghiệp đi vào các mũi nhọn của tiến bộ khoa học công nghệ thế giới và có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai, sử dụng nguồn nhân lực khoa học công nghệ chất lượng cao, có điều kiện hội nhập và tham gia vào chuỗi sản xuất quốc tế và các ngành công nghiệp đòi hỏi năng lực và nguồn lực với điều kiện của nền kinh tế trong một giai đoạn nhất định (từ nay đến năm 2020).
Các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao được phát triển với quan điểm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hoặc tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao dựa trên việc ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ, phù hợp với Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao phải theo lộ trình thích hợp, giai đoạn đầu là tiếp thu, làm chủ, thích nghi các công nghệ nhập, tiến tới áp dụng các công nghệ cao được tạo ra ở trong nước và phù hợp với khả năng của nền kinh tế đến giai đoạn 2020. Việc phát triển cần gắn chặt với phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và phải đảm bảo phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao đến năm 2020 là nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp đảm bảo giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp 42-45%. Chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành áp dụng công nghệ cao. Nâng tỷ lệ đầu tư cho nghiên cứu phát triển trong các ngành công nghiệp này từ 0,2-0,3% doanh thu hiện nay lên 3,5-5% vào năm 2015 và 8-10% năm 2020. Tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng áp dụng công nghệ cao, phấn đấu đạt tỷ lệ đầu tư đổi mới máy móc thiết bị từ 8-10% hiện nay lên 10-15% vào năm 2015 và phấn đấu đạt mức trên 20% vào năm 2020.
Bên cạnh đó chú trọng đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao nhằm đáp ứng nhu cầu cho các ngành công nghiệp áp dụng công nghệ cao theo từng giai đoạn phát triển.
Có 3 nhóm chính sách và giải pháp được đặt ra để thực hiện các mục tiêu phát triển. Về tài chính, miễn giảm thuế nhập khẩu máy móc, trang thiết bị phục vụ đầu tư áp dụng công nghệ cao trong các dây chuyền sản xuất hiện có của doanh nghiệp; Nhà nước hỗ trợ lãi suất hoặc bảo lãnh vay vốn đầu tư vào các dự án áp dụng công nghệ cao; các doanh nghiệp đầu tư áp dụng công nghệ cao được phép khấu hao máy móc và thiết bị nhanh hơn như một khoản chiết khấu khi xác định thuế lợi tức.
Nhóm chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp nghiên cứu đổi mới công nghệ, áp dụng công nghệ cao bao gồm: Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn hoặc một phần kinh phí tiếp nhận chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho các dự án áp dụng công nghệ cao, khuyến khích thực hiện các chương trình đào tạo phối hợp giữa các công ty có vốn đầu tư nước ngoài với các nhà cung cấp trong nước (các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nội địa), khai thác tốt tri thức người Việt Nam ở nước ngoài để phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Nhà nước sẽ cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước cho các chương trình, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ áp dụng công nghệ cao hoặc tạo ra các sản phẩm công nghệ cao; tăng cường việc cung cấp thông tin cho doanh nghiệp hướng tới mục tiêu áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại hoặc tìm kiếm các nguồn cung cấp công nghệ cao.
Theo chính sách khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cao tại Việt Nam, Nhà nước sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài chuyển giao công nghệ cao áp dụng tại Việt Nam, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách bán cổ phần cho các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân người nước ngoài đối với các doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển áp dụng công nghệ cao.