ThienNhien.Net – Với cố gắng của toàn xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí, tuyên truyền, dần dần "Biến đổi khí hậu" – một thuật ngữ có vẻ xa xôi đối với đa số người dân đã được diễn giải cụ thể và trở nên gần gũi, dễ hiểu. Ngày càng có nhiều người mong muốn được tìm hiểu nhiều hơn về "biến đổi khí hậu". Ngoài khối chính phủ, các tổ chức và cá nhân cũng thiện nguyện góp sức chung tay với hy vọng ngăn chặn thảm họa toàn cầu này. Dưới đây là những góc nhìn, những suy nghĩ và mong ước của các bạn học sinh, sinh viên , được thể hiện qua cuộc thi vẽ tranh do Oxfam tổ chức trong năm 2008 vừa qua.
Triển lãm tranh sơn dầu do Oxfam tổ chức (16 bức tranh được trưng bày ở Poznan – Ba Lan) không chỉ đơn thuần mang tính thẩm mỹ mà nó còn là tiếng nói từ khắp mọi nơi trên thế giới, chỉ ra những tác động của biến đổi khí hậu làm con người bị tổn thương và những nỗ lực nhỏ nhoi của con người để đối phó lại với những biến động không ngừng của tự nhiên. |
Bức tranh của Rebeca Mavuia đến Manhiça cho thấy các bạn hiểu rất rõ những khó khăn mà con người phải đối mặt hôm nay do tình trạng thay đổi khí hậu. Trong đó, những người nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của sự thay đổi này. |
Đằng sau sự tiêu dùng xa xỉ của những đô thị phồn hoa là tai họa thiên nhiên giáng xuống, bất kể đó là nơi nào. Loài người đã phải sám hối, nhìn nhận sự đối xử bất công với thiên nhiên, môi trường của mình. |
Gukzik Lau đến từ Hong Kong muốn truyền tải thông điệp rằng khi được bao bọc trong điều kiện đầy đủ của các thành phố, con người sẽ không thể cảm nhận sự biến đổi khí hậu và nghèo đói đang tác động mạnh mẽ tới những người dân nông thôn ra sao. |
Đất trồng ngày càng trở nên nghèo kiệt do việc canh tác của con người và do biến đổi khí hậu. Hạn hán gia tăng ở các quốc gia. An ninh lương thực và sức khỏe con người bị đe dọa ngày càng nghiêm trọng. Cuộc sống của con người do chính họ quyết định và chúng ta đừng để mình phải trả giá trong tương lai bởi chính những hành động của chúng ta hôm nay. Đó là ý nghĩa bức tranh của Zhang Zhi-rong đến từ Gansu – Trung Quốc. |
Đi kèm với hạn hán là lũ lụt. Những cơn lốc xoáy, những trận mưa tưởng chừng như không bao giờ ngừng lại. Con người, động vật sẽ tiếp tục phải đối mặt với những trận lụt trong tương lai do biến đổi khí hậu gây ra – Bức tranh tả thực của sinh viên trường Charupeeth (Bangladesh). |
Quy luật tự nhiên không ngừng tiếp diễn. Con người sẽ sớm nhận hậu quả nếu cứ tiếp tục tàn phá và hâm nóng trái đất của mình. Tranh của Naomi từ Wiradjuru, Murray-Darling Basin (Úc). |
Rose Fyson từ Melbourne (Australia) cho rằng Châu phi là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của việc biến đổi khí hậu toàn cầu. Các nguồn tài nguyên ở đây đã bị khai thác quá mức. |
Người nông dân chỉ biết trông cậy vào công việc trông cấy nhưng giờ đây việc đó trở nên hết sức khó khăn do sự biến đổi khí hậu. Vậy làm sao để cung cấp đủ lương thực cho gia đình bây giờ? (Bức tranh của Ashley Cecil đến từ Louisville, Kentucky (Mỹ). |
Tranh của các em học sinh trường tiểu học Jubilee (Anh): Hai mảng màu đối lập cho thấy rõ sự thịnh vượng và hạnh phúc là khác nhau tùy thuộc vào phong cách sống mà người ta lựa chọn. |
Loài người tự phá hủy thiên nhiên quanh mình, hứng chịu hậu quả để rồi tự nhận ra sai lầm và ươm lại những mầm xanh. Tranh của Oscar Godwin Ntege đến từ Kampala, Uganda. |
“Thế giới không nơi trú ngụ” – đó là bức tranh của José Diaz đến từ Madrid, Tây Ban Nha. |
Con người cần không khí để thở hàng ngày nhưng điều đó ngày càng trở nên khó khăn khi mà không khí ngày càng bị ô nhiễm bởi những chất phát thải có hại từ những nước có nền công nghiệp phát triển. Tranh của Carmen Bonhomme đến từ Durban, Nam Phi. |
Biến đổi khí hậu làm cho mực thủy triều trở nên khác hẳn so với 20 năm trước. Những quốc gia giàu có là nguồn phát thải chính nhưng những người dân ở các nước nghèo hơn lại là những người chịu những hậu quả. Bức tranh của Chris Dala đến từ Malaita Province, đảo Solomon. |
Khô cằn, trơ trọi dưới ánh nắng chói chang, cuộc sống của con người sẽ ra sao, con người còn nơi nào để trú ngụ? Đó là điều băn khoăn của một bạn học sinh trường St-Emile Elementary, Montréal, Québec, Canada. |
Bức tranh “Tương lai xanh” của Innocent Willinga đến từ Blantyre, Malawi: Một tương lai tươi đẹp hơn ở phía trước đang chờ chúng ta, nhưng điều đó sẽ không đến nếu như mỗi chúng ta chỉ biết đến sống cho hôm nay mà không cần biết đến ngày mai. |
Xây kho chứa thóc để tích trữ đủ lương thực cho cộng đồng khi tình hình thời tiết ngày càng trở nên đỏng đảnh, bất thường. Một gợi ý rất nghiêm túc của Indra Sakti đến từ Bandung, Indonesia. |