ThienNhien.Net – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ngày 5/1 đã công bố chương trình khuyến mại giảm giá của ngành Du lịch Việt Nam có tên “Ấn tượng Việt Nam”. Đây là đợt khuyến mại, giảm giá có quy mô lớn nhất và trên diện rộng, với sự tham gia của 37 doanh nghiệp (DN) lữ hành quốc tế, 61 khách sạn lớn trên toàn quốc, 3 hãng vận chuyển, 14 cửa hàng mua sắm, 99 tour khuyến mại.
Các khách sạn đăng ký chương trình, các nhà cung cấp dịch vụ (vận chuyển, hướng dẫn, mua sắm, ăn uống, đặc biệt là các cửa hàng, nhà hàng đạt chuẩn du lịch) giảm giá từ 30- 50%, các hãng vận chuyển trong đó có Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) cũng sẽ giảm giá từ 30 – 50% các đường bay quốc tế và nội địa cho các tour khuyến mại này.
Theo lịch trình của đợt khuyến mại, giảm giá thì tháng 3/2009, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với các DN lữ hành, khách sạn, vận chuyển triển khai đợt 2 của Chương trình khuyến mại với mạng lưới doanh nghiệp tham gia rộng hơn. (3 hãng vận chuyển gồm Vietnam Airlines; Minh Viet Tourist Transportation Service và ABC International Group Joint Stock Company). Với chương trình siêu khuyến mại này, ngành Du lịch Việt Nam đang hy vọng thực hiện mục tiêu năm 2009 là đón 4,5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và 22 triệu lượt khách du lịch nội địa.
Đồng thời, để quảng bá rộng khắp đợt khuyến mại này, Tổng cục Du lịch đang tiến hành thiết kế một trang web để giới thiệu chương trình khuyến mại, công bố đường link tới các trang web của các DN lữ hành. Đồng thời, công bố danh sách những đơn vị DN đăng ký tham gia chương trình để khách du lịch nắm thông tin.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trần Chiến Thắng cho biết: Ngành du lịch nói riêng đang chịu tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đợt khuyến mại này là một biện pháp cấp bách trước mắt và mang tính “phản ứng nhanh” của Du lịch VN để kích cầu, chặn đà suy giảm lượng khách quốc tế đến Việt Nam đồng thời thúc đẩy du lịch nội địa”.
Tuy nhiên, ông Vũ Thế Bình, Vụ Lữ hành Tổng cục Du lịch khẳng định: “giảm giá tour song chất lượng giữa nguyên”.
Du lịch Việt Nam vẫn cần phải tăng cường những biện pháp mang tính bền vững, như: Tập trung phát triển kinh tế vùng, miền mang đậm bản sắc địa phương; tăng cường hơn nữa chất lượng dịch vụ để “vui lòng khách đến, chiều lòng khách đi; Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị của các dịch vụ cũng cần nâng cấp…”, Thứ trưởng Trần Chiến Thắng nhận định.
Về các biện pháp triển khai mang tính lâu dài, Tổng cục Du lịch cũng xác định sẽ tiến hành nghiên cứu khảo sát, xây dựng sản phẩm du lịch mới; tập trung xúc tiến thu hút một số thị trường quan trọng như thu hút khách khu vực ASEAN, Trung Quốc, Đông Bắc Á. Đối với một số khách từ những thị trường truyền thống như Tây Âu, Bắc Âu và Đông Âu, cần hợp tác với Hãng hàng không quốc gia Việt Nam và các Đại sứ quán VN để tổ chức các hoạt động xúc tiến Du lịch VN. Bên cạnh đó, việc thúc đẩy thị trường nội địa vẫn cần được coi trọng, thực hiện thêm nhiều chiến dịch khuyến mại, quảng bá…