ThienNhien.Net – Hàng năm, Viện nghiên cứu Blacksmith (New York, Mỹ) tiến hành bình chọn 10 thành phố ô nhiễm nhất thế giới xét về mặt sinh thái. Trong năm qua, công nghiệp hóa chất và khai khoáng là những nguyên nhân chủ yếu khiến các thành phố được “liệt” vào danh sách này, diễn ra chủ yếu ở các nước bùng nổ kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ và Nga. Đứng đầu danh sách là thành phố Lâm Phần, trung tâm khai thác than đá thuộc tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc. Hàng nghìn mỏ than cả hợp pháp và bất hợp pháp mọc lên trên những quả núi bao quanh khiến bầu không khí Lâm Phần dày đặc khói và muội than, ảnh hưởng đến khoảng 3 triệu người dân địa phương. Cục Bảo vệ môi trường Trung Quốc cũng đã thừa nhận Lâm Phần có chất lượng không khí thấp nhất cả nước. Trong “danh sách đen” của Viện Blacksmith, kế sau Lâm Phần là Tianying (Trung Quốc); Sukinda và Vapi (Ấn Độ); La Oroya (Peru); Dzerzhinsk (Nga – bị ô nhiễm bởi các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học từ thời chiến tranh lạnh), Norilsk (Nga – nơi có nhiều nhà máy nấu chảy kim loại nhất thế giới), Chernobyl (Ukraina – nơi xảy ra sự cố điện hạt nhân lớn nhất thế giới, từ cuối thế kỷ trước); Sumgayit (Azerbaijan) và Kabwe (Zambia). (Bức ảnh mẹ đèo bé trong khói bụi được chụp tại thành phố Lâm Phần)