ThienNhien.Net – Tin từ Tân Hoa Xã cho biết Trung Quốc sẽ tiến hành xây dựng công trình vận chuyển nước Nam – Bắc trong năm tới 2009. Đây là một trong những công trình tốn kém nhất thế giới, với chi phí khoảng 60,5 tỷ USD, dự kiến sẽ triển khai trong 5 đến 10 năm.
Dự án vận chuyển nước Nam – Bắc được xây dựng với mục đích chuyển nước từ con sông lớn nhất Trung Quốc là sông Dương Tử (Trường Giang) ở phía Nam ngược lên sông Hoàng Hà ở phía Bắc.
Khí hậu miền Bắc Trung Quốc khô hạn hơn miền Nam trong khi sông Dương Tử có lượng nước dồi dào hơn sông Hoàng Hà rất nhiều, đặc biệt trong mùa khô. Thông qua việc nối một con kênh lớn từ Nam lên Bắc, nước sẽ được điều hòa giữa hai con sông này.
Tân Hoa Xã cho biết một số tuyến đường phía Đông và tuyến đường trung tâm sẽ được đưa vào hoạt động vào năm tới. Vốn đầu tư ban đầu cho hai tuyến đường này vào khoảng 254,6 tỷ nhân dân tệ, tương đương với 37,2 tỷ USD.
Tính đến cuối tháng 12 này, tuyến đường phía Đông đã tiêu tốn hết 4,16 tỷ nhân dân tệ và cho tuyến đường trung tâm là 18,23 tỷ nhân dân tệ trong tổng số 45,67 tỷ nhân dân tệ đã được sử dụng. Phần của dự án ở ven biển của tỉnh Sơn Đông và phía Đông tỉnh Giang Tô đã được hoàn thành.
Một phần tuyến đường nối giữa Thạch Gia Trang, một thành phố công nghiệp phát triển thuộc tỉnh Hà Bắc và thủ đô Bắc Kinh, cũng đã được hoàn tất. Và vào tháng 9 vừa qua, trong trường hợp khẩn cấp dự án đã được đưa vào hoạt động và có thể cung cấp khoảng 300 triệu m3 nước cho thủ đô đến giữa tháng 3/2009.
Theo kế hoạch, khi một phần của dự án là hoàn thành vào năm 2010, sẽ có khoảng một tỷ mét khối nước được chuyển tới Bắc Kinh hàng năm.
Phía Tây tuyến đường, phần dự án liên quan tới việc khoan hầm thông qua các dãy núi cao trên cao nguyên Tây Tạng để đưa nước từ sông Trường Giang vào sông Hoàng Hà, hiện đang trong giai đoạn lập kế hoạch.
Tuy nhiên, dự án này đã bị nhiều lời chỉ trích từ các nhà môi trường học. Họ cho rằng khi dự án này được đưa vào triển khai nó gây lãng phí nguồn nước hiện có, đồng thời dự án này sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng cung cấp nước của các vùng lân cận. Hiện nay, dự án này vẫn đang được xem xét do có quá nhiều tranh cãi.