ThienNhien.Net – Một loài chuột đã từng bị coi là tuyệt chủng 11 triệu năm trước, một loài động vật nhiều chân có thể tiết chất độc xi-a-nua, loài nhện săn mồi lớn nhất thế giới, thỏ vằn Trường Sơn – đó chỉ là con số đếm đầu ngón tay trong cả ngàn loài động thực vật được phát hiện ở lưu vực sông Mê Kông của vùng Đông Nam Á trong thập kỷ qua. Chúng đang bị đe dọa bởi sự phát triển kinh tế, việc xây dựng các công trình giao thông và cả những đập nước.
Bản báo cáo mang tên “Lần đầu gặp gỡ Mê Kông – những phát hiện về loài mới” của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa mới phát hành cho biết trong vòng 10 năm qua, từ năm 1997 đến 2007 đã có 1.068 loài mới được phát hiện hoặc ghi nhận cho vùng Mê Kông. Điều này có nghĩa trung bình mỗi tuần có 2 loài mới được tìm thấy ở khu vực này.
Trong số đó, có 519 loài thực vật, 279 loài cá, 88 loài lưỡng cư, 88 loài nhện, 46 loài bò sát, 22 loài rắn, 15 loài thú và 4 loài chim, 4 loài rùa, 2 loài kỳ nhông và 1 loài cóc. Ngoài ra, hàng ngàn loài động vật không xương sống cũng được phát hiện, càng khẳng định tính đa dạng phong phú của vùng.
Sông Mê Kông bắt nguồn từ Nam Trung Hoa và chảy qua 5 quốc gia Mynamar, Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia và Việt Nam. (Ảnh: WWF) |
Thỏ vằn Trường Sơn và sao la (cả hai đều được phát hiện ở Việt Nam) là hai trong số ít các loài thú được phát hiện ở đây. Đây là điều đáng ghi nhận bởi trong khoa học hiện đại việc phát hiện ra các loài thú mới là một sự hãn hữu.
Trong khi hầu hết các loài được phát hiện ở những khu rừng nhiệt đới và những vùng đất ngập nước nguyên sinh hoặc ít được khám phá, một số lại được tìm thấy ở những nơi ít ai ngờ đến. Chẳng hạn như loài chuột đá của Lào, từng bị coi là tuyệt chủng từ 11 triệu năm trước đây, đã được phát hiện trong một chợ thực phẩm địa phương, hay như loài rắn lục vùng bán đảo Thái Lan được tìm thấy khi chúng đang trườn trên mái của một quán ăn ở Vườn quốc gia Khao Yai, Thái Lan.
“Bản báo cáo đánh giá lưu vực sông Mê Kông là một kho báu – một trong những nơi lưu giữ các loài kỳ lạ và quý hiếm quan trọng bậc nhất của thế giới” Dekila Chungyalpa, Giám đốc WWF – Hoa Kỳ, phụ trách chương trình sông Mê Kông phát biểu – “Các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và khám phá thêm những kỳ quan hoang dã mới từ đây”.
Còn TS. Thomas Ziegler, Phụ trách Vườn thú Cologne nhận xét “Nơi này như thể một xứ sở tôi đã gặp trong câu chuyện của Charles Darwin từ thuở nhỏ. Nó mang lại cho người ta một cảm giác tuyệt vời, đầy bí ẩn và thú vị”.
Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng các nhà quản lý cần lưu ý song hành hai quá trình phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường nơi đây để đồng thời đạt được cả hai mục tiêu quan trọng. Đó là đảm bảo sinh kế cho người dân, giảm đói nghèo và bảo vệ sự sống của hàng loạt các loài sinh vật cùng các hệ sinh thái tự nhiên đặc sắc của vùng.
“Đối với các nhà khoa học, hầu như mỗi chuyến khảo sát thực tế vùng Mê Kông là mỗi lần có được những phát hiện mới về tính đa dạng. Nhưng để ghi nhận và chứng minh nó thì lại là một cuộc chạy đua với thời gian bởi sự đang dạng sinh học còn ít được biết đến nơi đây đang phải đối mặt với một áp lực lớn chưa từng có.” Raoul Bain, chuyên gia Đa dạng sinh học thuộc Bảo tàng lịch sử tự nhiên Mỹ, phát biểu.
“Sự đa dạng sinh học của Việt Nam đang trong tình trạng đáng báo động. Trong những năm qua, Việt Nam đã để mất đi vĩnh viễn 10 loài. 900 loài khác đang bị đe dọa tuyệt chủng” – IUCN 2008 – |
Kết thúc báo cáo, nhóm tác giả đã đề xuất chính phủ các nước lưu vực sông Mê Kông ký kết một thỏa thuận chính thức để ngăn chặn những mối đe dọa về đa dạng sinh học trong khu vực.
Được biết, mạng lưới WWF đang tăng cường các nỗ lực để thúc đẩy việc hình thành bản ký kết này. Stuart Chapman, quản lý Chương trình Mê Kông của WWF, cho rằng việc bảo vệ các hệ sinh thái thông qua hợp tác với các chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương để ngăn chặn những mối đe dọa từ phát triển kinh tế và sản xuất nông nghiệp là nhu cầu cấp thiết. Ông nói “Chúng ta không thể biết nơi ấy còn bao nhiêu điều chưa được khám phá, song chắc chắn là còn rất nhiều.”